Bảo hiểm tôm nuôi được ví như một chính sách an sinh xã hội, nhằm chia sẻ gánh nặng rủi ro do thiên tai, dịch bệnh với người nông dân. Tuy nhiên đến nay, hiệu quả bảo hiểm vẫn thấp mà những bất cập lại tăng trong khi thời hạn thí điểm 3 năm đã gần kết thúc.
Chính sách kịp thời
Dự án thí điểm bảo hiểm tôm nuôi được thực hiện theo Quyết dịnh số 315/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Giai đoạn thí điểm được thực hiện đến hết năm 2013.
Để Quyết định 315 sớm đi vào thực tiễn, ngày 29/6/2011, Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 47/2011/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện việc thí điểm và giao cho 4 tỉnh ven biển gồm: Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng triển khai.
Thực hiện chính sách này, mỗi tỉnh sẽ chọn 9 xã thuộc 3 huyện để triển khai. Theo đó các hộ nghèo sẽ được Nhà nước hỗ trợ 100% phí mua bảo hiểm, hộ cận nghèo được hỗ trợ 80%. Các đối tượng còn lại sẽ được hỗ trợ từ 20 – 60% phí mua bảo hiểm. Mô hình nuôi quảng canh cải tiến sẽ đóng phí bằng 9,72% tổng chi phí của vụ nuôi; mô hình bán thâm canh đóng 8,02% và nuôi thâm canh đóng 7,42%, tương đương khoảng 10 triệu đồng.
Đây là chính sách đúng đắn nhằm giúp nông dân, đặc biệt là nông dân nghèo có vốn tái sản xuất khi gặp rủi ro. Có thể nói, lần đầu tiên nhà nước, doanh nghiệp cùng sát vai chia sẻ rủi ro với người nuôi tôm, giúp bà con yên tâm đầu tư sản xuất.
Nhưng khó triển khai
Đến nay sau hơn một năm thực hiện, chính sách bảo hiểm chưa đến được người nông dân. Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước. Tỉnh dự kiến sẽ có 24.000 ha của 20.000 hộ dân thí điểm triển khai chính sách này. Tuy nhiên đến nay, bảo hiểm vẫn đang ở giai đoạn khảo sát địa bàn.
Tôm bị dịch bệnh, người nuôi đang chờ bảo hiểm nông nghiệp – Ảnh: Thanh Nhã
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trên địa bàn tỉnh hầu như không có hộ nghèo nào nuôi tôm theo hình thức thâm canh, bán thâm canh hay quảng canh cải tiến mà đa phần nuôi theo hình thức quảng canh truyền thống. Do vậy, nông dân nghèo ở Cà Mau không được hưởng chính sách này, cho dù Nhà nước có hỗ trợ 100% phí mua bảo hiểm.
Mục đích của bảo hiểm cho lĩnh vực nuôi tôm là chia sẻ gánh nặng với hộ nuôi khi gặp rủi ro, và xa hơn là hướng tới phát triển nghề nuôi tôm theo hướng bền vững. Tuy nhiên, thực tế việc thực hiện được vấn đề này lại không đơn giản.
Theo đại diện Công ty Bảo Việt Sóc Trăng, hiện nay khi xác nhận bệnh tôm chết đã phát sinh rắc rối. Theo Thông tư số 47, các loại thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm được xác định để hỗ trợ thí điểm đối với tôm sú là bệnh đốm trắng, đầu vàng, teo và hoại tử gan tụy; đối với tôm thẻ chân trắng là bệnh đốm trắng, đầu vàng, hội chứng Taura, teo và hoại tử gan tụy. Còn bệnh khác không bồi thường. Nhưng phần lớn diện tích nuôi tôm bị bệnh chết với các triệu chứng teo gan, hoại tử gan tụy. Cơ quan thú y tỉnh qua kiểm nghiệm chưa xác định được tác nhân gây bệnh nên không thể xác nhận để làm cơ sở bồi thường thiệt hại.
Còn ông Nguyễn Văn Khởi, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng cho biết: “Để được bảo hiểm bồi thường thì người nuôi phải thực hiện đầy đủ quy trình sản xuất từ khâu cải tạo ao đầm, chọn con giống đến thả nuôi, tuân thủ tuyệt đối lịch thời vụ. Nếu vi phạm sẽ bị từ chối chi trả bồi thường khi rủi ro, mà điều này thì quá khó với nông dân”.
Không dừng lại ở đó, nhiều điều khoản quy định vẫn giống như “chơi chữ”, ông Quách Văn Tây, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Sóc Trăng cho biết, hầu hết các mẫu xét nghiệm đều cho kết quả dương tính đối với hội chứng teo và hoại tử gan tụy cấp tính. Trong khi quy tắc bảo hiểm đối với tôm sú và tôm thẻ chân trắng là “bệnh teo và hoại tử gan tụy”. Sự khác nhau về từ ngữ này cũng gây khó khăn không nhỏ khi thực hiện.
Người nuôi không mặn mà
Chính những nhiêu khê trong thủ tục và sự lúng túng của các ngành chức năng khi triển khai đã khiến người nông dân dè dặt tiếp cận, đặc biệt là những nông dân không thuộc đối tượng hỗ trợ hoặc chỉ hỗ trợ một phần kinh phí mua bảo hiểm.
Theo quy định, để được hưởng bảo hiểm khi gặp rủi ro nông dân phải tuân thủ tuyệt đối các điều kiện như mua tôm giống, thức ăn hay hóa chất phải có giấy chứng nhận của các cơ sở sản xuất có uy tín được Nhà nước công nhận; tôm gặp rủi ro và chết phải có ít nhất 3 ao liền kề cùng chết và được UBND tỉnh công bố dịch toàn xã… Tuy nhiên thực tế, thực hiện được điều kiện này lại không hề dễ dàng. Bởi hiện nay, phần lớn các hộ nông dân nuôi tôm đều mua con giống qua thương lái nên không có giấy chứng nhận hay hóa đơn của các cơ sở hay trung tâm sản xuất giống. Do vậy khi gặp rủi ro nông dân không thể chứng minh được nguồn gốc tôm giống. Mặt khác, vấn đề người nuôi băn khoăn là việc công bố dịch, bởi theo họ, cứ mua ao nào tính ao đó, chứ đợi công bố dịch thì rất khó, bởi công bố dịch thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước, không phải quyền của doanh nghiệp bảo hiểm.
Một băn khoăn nữa của người nông dân là xác định bệnh. Ông Đặng Văn Khởi, ở ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề, Sóc Trăng chia sẻ: Nếu xác định được 4 bệnh của tôm thẻ và 3 bệnh của tôm sú thì cần có máy để kiểm tra chính xác và người sử dụng máy phải thành thạo. Nếu đúng là bệnh đó mới được bồi hoàn, trong khi dịch bệnh trên tôm đang diễn biến phức tạp”.
Mặt khác, chi phí tham gia bảo hiểm cũng khiến người nông dân không thỏa đáng. “Vua tôm” Bạc Liêu Võ Hồng Ngoãn cho rằng: “Chỉ bảo hiểm cho chi phí mua con giống và thức ăn là quá nhỏ. Bởi, chi phí con giống và thức ăn không tốn nhiều tiền bằng cải tạo ao đầm. Do đó, cần đưa chi phí cải tạo vào hợp đồng để xét bồi thường mới phù hợp với thực tế”. Còn ông Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) cho biết, toàn bộ 420 hộ cận nghèo của xã không hộ nào đăng ký bảo hiểm. Bà con đều than vốn đầu tư nuôi còn thiếu thì lấy đâu ra tiền đóng 20% phí bảo hiểm. Còn hộ nghèo dù được hỗ trợ 100% nhưng số hộ tham gia cũng không nhiều.
>> Theo các điều khoản trong bảo hiểm thì khi tôm phát bệnh, hộ nuôi phải báo cho UBND xã trong vòng 24 giờ, sau đó UBND xã báo cáo với Bảo Việt trong vòng 48 giờ. Tiếp đến, các bên liên quan đến ao nuôi lấy mẫu xét nghiệm. Tất cả quy trình này mất ít nhất cũng vài tuần, trong khi người nông dân không có thời gian chờ lâu như vậy. |