Cần Thơ gạo trắng nước trong / Ai đi đến đó lòng không muốn về
Câu ca dao xưa càng thêm có ý nghĩa với bất cứ ai khi lần đầu tiên được đặt chân đến mảnh đất đầy yêu thương và màu mỡ này, được thưởng thức một đặc sản tiêu biểu đó là bánh cống, một thứ bánh dân dã nhưng đậm hương vị quê hương.
Đây là một loại bánh không chỉ hấp dẫn bởi hương vị thơm ngon mà còn bởi cách làm cũng hết sức giản đơn. Lý giải tên gọi của bánh, một chủ quán vui vẻ cho biết, cái tên gọi bánh cống bắt nguồn từ chính vật liệu làm bánh, bánh được làm từ một vật dụng được gọi là cái cống (cái chén) để đổ bánh. Đây là là một vật dụng nhỏ và sâu lòng, hình dáng tựa như phin cà phê, lại có tay cầm dài như cái muôi múc canh. Thời xa xưa, nó được đẽo gọt từ thân cây tre, sau này người ta làm cống bằng nhôm để bánh to hơn, sử dụng lâu hỏng hơn. Tương truyền, bánh cống có nguồn gốc từ người Khmer Nam bộ, nhưng trong quá trình giao lưu ẩm thực, đồng bào Hoa thêm bớt một ít cách làm bột, cách làm nhân, người Kinh cũng pha trộn thêm một ít tạo nên bánh cống ngon như ngày nay.
Nguyên liệu chính để làm bánh là bột, đậu xanh và tôm. Bột pha chế qua nhiều công đoạn. Ba phần gạo tẻ, một phần nếp, ngâm một đêm rồi xay mịn. Sau khi cho bột gạo nếp vào trong một túi vải để ráo nước, người ta lại pha vào bột gạo nếp này một phần ba bột mì loại ngon, thêm nước, hành lá cắt nhỏ và gia vị. Hỗn hợp bột này không được lỏng như bột đổ bánh xèo. Đậu xanh đãi vỏ cho sạch, nấu chín mà không nát. Thịt heo băm nhuyễn, xào chín, trộn chung với đậu xanh. Sau cùng cho vào chút muối, chút bột nêm. Tôm tươi rửa sạch, để ráo, cắt bớt chân và râu. Tôm không nên bỏ vỏ vì lột vỏ đi chiên lên mất giòn. Loại chảo dùng để rán bánh là loại sâu lòng, sau khi bắc lên bếp, chờ chảo nóng, người bán bánh sẽ cho dầu ăn vào chảo sao cho đủ ngập một “cái cống”. Chờ cho dầu sôi, người ta cho ít bột vào cống, sau đó cho vào một muỗng đậu xanh và thịt làm nhân bánh. Đổ thêm trên nhân bánh một lớp bột. Sau cùng để lên đó một vài con tôm. Nhúng cống ngập trong dầu đang sôi riu riu trong chảo. Lửa nhỏ bánh mới giòn đều từ ngoài vào trong. Chờ bánh chín vàng rồi mới nhấc cống ra, khéo léo đổ bánh ra đĩa.
Nước chấm bánh cống cũng vô cùng thú vị, được pha bởi chút ớt, chút dấm, nước mắm. Bánh được ăn cùng với các loại rau như diếp cá, cải đắng, xà lách, húng cá…
>> Đĩa bánh cống nóng hổi, thơm phức, màu sắc vàng rộm, hòa quyện cùng mùi vị chua chua, cay cay của nước chấm, tất cả như một bản hòa phối hết sức ăn ý, đã làm say đắm biết bao thực khách mỗi lần thưởng thức. |