(TSVN) – Việt Nam là một quốc gia biển. Việc phát triển kinh tế biển không chỉ góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế đặc biệt này, mà còn giữ vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh biển, đảo của Tổ quốc. Trong quá trình phát triển đó, báo chí truyền thông đóng vai trò cấp thiết.
Việt Nam có chiều dài bờ biển 3.260 km, 1 triệu km2 vùng biển kinh tế đặc quyền với hơn 3.000 hòn đảo. Cả nước có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển (trong đó có 10 tỉnh, thành phố có hải đảo, quần đảo), với tổng diện tích 208.560 km2, chiếm 41% diện tích cả nước và 51,2 triệu người. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia biển mạnh.
Lợi thế phát triển kinh tế biển rất lớn, vậy nên ngay từ năm 1993, Bộ Chính trị (khóa VII) đã ban hành Nghị quyết 03-NQ/TW về “Một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt” khẳng định tầm quan trọng và vị trí chiến lược biển và kinh tế biển trong nền kinh tế quốc dân. Năm 1996, Đại hội lần thứ VIII của Đảng tập trung bàn về phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển, đặc biệt là các biện pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Nghị quyết Đại hội VIII đã nhấn mạnh: “Vùng biển và ven biển là địa bàn chiến lược về kinh tế và an ninh, quốc phòng, có nhiều lợi thế phát triển và là cửa mở lớn của cả nước để đẩy mạnh giao lưu quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Khai thác tối đa tiềm năng và các lợi thế của vùng biển và ven biển, kết hợp với an ninh, quốc phòng, tạo thế và lực để phát triển mạnh kinh tế – xã hội bảo vệ và làm chủ vùng biển của Tổ quốc”.
Và toàn diện hơn hết chính là Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành tại Nghị quyết số 36 – NQ/TW.
Trong đó, phấn đấu đến năm 2030, quy mô kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển bằng 65 – 70% GDP cả nước. Các đảo có người dân sinh sống có hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản đầy đủ, nhất là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục. Để đạt được mục tiêu trên, cần một hệ thống các giải pháp đồng bộ thì việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về Chiến lược cũng quan trọng.
Công tác tuyên truyền giúp củng cố, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về biển, đảo Việt Nam; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của quốc gia trên biển; tăng cường ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng trong việc chấp hành pháp luật trong nước và các thỏa thuận, điều ước quốc tế liên quan đến biển, đảo Việt Nam, nhất là bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển và bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển…
Trong một hội nghị bàn về giải pháp phát triển kinh tế biển đã nhấn mạnh vai trò cầu nối của báo chí. Đó là việc báo chí đã kịp thời thông tin tuyên truyền, phổ biến, giải thích chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về chính sách phát triển đánh bắt hải sản, hỗ trợ khai thác thủy, hải sản biển, những kiến thức cơ bản về Luật Biển… Ngoài ra, báo chí đã kịp thời phản ánh những hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, người dân trên các vùng biển, điển hình nhất là hoạt động khai thác và NTTS. Những thông tin về nguồn lợi, về sự báo động của hệ sinh thái xanh biển…; nhằm góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân trong hoạt động sản xuất và bảo vệ nguồn lợi cũng như đa dạng sinh học. Và đây cũng là một “kênh” rất hữu ích trong việc cung cấp nhanh những tin tức, dự báo về tình hình biến đổi khí hậu, cảnh báo hiện tượng giông, bão giúp ngư dân kịp thời xử lý…
Để tạo sự đồng bộ trong công tác truyền thông, mới đây nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký phê duyệt Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030. Mục tiêu là để đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, phát triển bền vững kinh tế biển được hiểu đúng, đầy đủ và toàn diện, từ đó củng cố được niềm tin, sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị và người dân, thế hệ trẻ, doanh nghiệp, cộng đồng trong sự nghiệp bảo vệ biển, đảo Tổ quốc và phát triển kinh tế biển; Thông tin, kiến thức về biển và đại dương được truyền tải thường xuyên, liên tục, chính xác và hấp dẫn đến từng nhóm đối tượng; nhận diện và bác bỏ thông tin sai lệch, quan điểm sai trái, xuyên tạc về biển và đại dương; học sinh, sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản; đại bộ phận người dân có hiểu biết về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển và đại dương đối với phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc, qua đó, động viên nhân dân tích cực, chủ động tham gia các hoạt động bảo vệ biển và đại dương.
Cụ thể, đến năm 2023, các bộ quản lý 6 ngành kinh tế biển được xác định trong Nghị quyết số 36-NQ/TW (du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới); đến năm 2025, 100% các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, báo đối ngoại có chuyên trang, chuyên mục về biển và đại dương trên các sản phẩm thông tin của cơ quan…
Biển đảo và đại dương là vấn đề sống còn đối với an ninh quốc gia, làm tốt công tác tuyên truyền sẽ giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Phan Thảo