Trắng tay, nợ nần chồng chất, đó là những lời thốt lên buồn bã tận đáy lòng của người nuôi trồng thủy sản Khánh Hòa khi chúng tôi đến hỏi thăm; nhiều vùng nuôi đã bị bão san phẳng, tôm, cá trôi theo bọt nước…
Trăm tỷ bay theo bão
Mấy ngày nay vợ chồng chị Cao Thị Yến Châu, tổ 8, thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) như người thất thần khi nhìn bè nuôi trồng thủy sản ở khu vực Cồn Cỏ của gia đình đã bị bão đánh chìm, tan nát. Cá, tôm đội nón ra đi, bao nhiêu vốn liếng dành dụm bây lâu nay của gia đình mất sạch.
Vùng nuôi tôm ở Vạn thọ tan hoang
Chồng chị Châu vốn có tiền sử bệnh huyết áp lại đau thận thấy vậy bệnh càng nặng ra. Anh đi đâu cũng mang theo thuốc để uống nên chẳng làm được gì cứ ngồi ì trên bè thở dài. Mấy ngày qua chị Châu nhờ mấy đứa cháu cùng ra biển phụ kiếm lồng bè sót lại nhưng chỉ kéo vô bờ được mấy khung lồng rách nát.
Chị buồn bã nói: “Hơn 20 lồng nuôi tôm hùm (1.000 con), trọng lượng 0,3-0,5 kg/con và 20 lồng nuôi cá bớp (2.000 con) đã đến ngày thu hoạch, trọng lượng 4-5kg/con chưa kịp xuất bán giờ tan theo bọt nước, ước thiệt hại hơn 2 tỷ đồng chú ơi. Thê thảm hơn gia đình không chỉ trắng tay mà còn nợ ngân hàng và vay nóng bên ngoài đầu tư mua thức ăn hơn 1 tỷ đồng nữa. Cá tôm mất sạch rồi không biết lấy gì để trả nợ đây. Đến chiếc ghe để kiếm cơm giờ cũng bị bão đánh vỡ làm đôi”.
Chị Châu buồn bã vì vốn liếng trôi theo bão
Còn gia đình anh Hà Anh Tuấn, cùng địa phương, khóc nấc lên khi tâm sự gia đình anh mất trắng hơn 100 lồng nuôi tôm hùm và cá bớp, ước thiệt hại trên 4 tỷ đồng.
Anh Tuấn cho biết, trước khi bão vào gia đình đã gọi thương lái đến để bán. Tuy nhiên gọi mãi mà họ không đến. Sau vài tiếng đồng hồ bão vào, rạng sang 4/11, tất cả vốn liếng hàng tỷ đồng của gia đình đã bay mất.
Không chỉ vùng nuôi tôm cá ở thị trấn Vạn Giã thiệt hại nặng mà vùng nuôi tôm thẻ chân trắng đầu tư nuôi trải bạt ở xã Vạn Thọ cũng bị bão xóa sạch. Dẫn chúng tôi đến vùng nuôi tôm ở thôn Ninh Mã, ông Nguyễn Văn Lộc, một người nuôi tôm ở đây cho biết, vùng nuôi hoàn toàn tan hoang. Bây giờ muốn phục hồi phải mất vài tháng mới xong. Bão vào làm toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng như ao nuôi, điện, quạt nước, phao ganh… đều bị cuốn phăng. Điều đáng nói là các ao nuôi đều thả tôm nên thiệt hại càng nặng nề hơn. Người thiệt hại ít cũng vài trăm triệu, còn nhiều lên đến hàng tỷ đồng.
Ông Lộc bên ao đìa nuôi tôm gia đình bị tan hoang
Như gia đình ông Lộc có 2 ao nuôi trải bạt, trong đó 1 ao (1.200m2) thả 30 vạn con đã nuôi 2 tháng, tôm đạt size hơn 100 con/kg và 1 ao (1.600m2) thả 45 vạn con đã nuôi 1,5 tháng cũng bị bão đánh vỡ bờ, tôm thoát sạch ra ngoài, thiệt hại trên 500 triệu đồng (chưa kể thiệt hại công trình ao nuôi).
Rời vùng nuôi Ninh Mã, chúng tôi tiếp tục xuống vùng nuôi tôm thẻ ở thôn Tuần Mã cùng thuộc xã Vạn Thọ cũng tương tự với khung cảnh ao đìa tan hoang. Bão vào, nước biển bất ngờ dâng cao, tràn vào các bãi đầm nên tôm đã bơi đi hết. Ngoài ra thiệt hại còn nặng nề khi nhiều công trình ao nuôi bị phá hủy buộc phải đầu tư lại từ đầu.
Trong số người thiệt nặng phải kể đến hộ anh Lê Quang Duy với 16 ô nuôi tôm và ốc hương (từ 2.000-5.000m2/ao) đều bị sạt lở. Cá tôm, ốc chết nằm la liệt đành thu hoạch non. Anh Duy than vãn: “Hiện chưa thống kê hết thiệt hại, nhưng ít nhất gia đình tôi mất khoảng 6 tỷ đồng”.
Ở khu vực Đầm Môn, xã Vạn Thạnh một trong những vùng nuôi tôm hùm trọng điểm ở Khánh Hòa với hàng ngàn ô lồng bè, theo khảo sát của chúng tôi cũng bị bão nhấn chìm hoàn toàn ô lồng.
Bão đánh lồng bè tan nát, chỉ còn khung trơ trọi
Không giấu được nỗi buồn, anh Lê Tuấn, một người nuôi tôm ở đây cho biết: “Vụ tôm hùm vừa qua tôi thả nuôi 1.000 con tôm hùm giống. Tôm nuôi được 7 tháng rồi. Cơn bão ập đến đã cuốn đi tất cả. Tính cả tiền giống, tiền chi phí thức ăn, làm lồng bè thì nhà tôi đã mất trên 1 tỷ đồng”.
Mong có chính sách hỗ trợ
Trao đổi với NNVN, ông Trần Quang Khánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thọ thừa nhận, đúng là hầu hết người nuôi trồng thủy sản ở địa phương đều có vay vốn ngân hàng. Sau cơn bão, toàn xã ngoài 47 ha ao tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại, còn có 10 ha ốc, hàng chục lồng nuôi cá ở ven biển bị xóa sổ; tổng giá trị thiệt hại ước khoảng hàng chục tỷ đồng.
Nếu nhà nước không có giải pháp khoanh nợ, giãn nợ thì bà con không để nào khôi phục sản xuất. Ông Nguyễn Văn Lộc, cho biết: “Hai ao nuôi trên bạt của gia đình tôi giờ muốn nuôi lại phải đổ đất đắp ao, rồi trải bạt và mua toàn bộ thiết bị phục vụ nuôi tôm bởi đã hư hỏng hoàn toàn. Dự kiến số tiền sửa chữa tốn hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra chưa kể sau khi phục hồi xong ao rồi, còn mua giống, mua thức ăn để nuôi”.
Còn chị Cao Thị Yến Châu than thở: “Bây giờ gia đình tôi đã trắng tay, còn mang nợ nữa nên không thể nào xoay xở vốn để đầu tư. Chúng tôi hy vọng nhà nước có chính sách tháo gỡ giúp cho người trồng thủy sản”.