Trong suốt thời gian qua, ngành điện cùng các cơ quan chức năng đã liên tục tuyên truyền, hướng dẫn, cảnh báo… song, tình trạng tai nạn điện trong dân vẫn diễn ra nghiêm trọng, đặc biệt ở khu vực nuôi tôm, khiến “những cái chết trên vuông tôm” xảy ra liên tục và hết sức thương tâm.
Công ty Điện lực Sóc Trăng đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn.
Mỗi lần thắp nhang trước di ảnh của chồng, chị Huỳnh Thị Cẩm ở ấp Tân Hưng, xã Vĩnh Hiệp (TX. Vĩnh Châu) không thể cầm được nước mắt. Chồng chị Cẩm là anh Lê Bình Khiêm làm thuê cho chủ tàu đánh cá nên thường xuyên lênh đênh trên biển, còn chị ở nhà làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Cưới nhau được gần 5 năm, chị Cẩm mới hưởng được niềm vui được làm mẹ và niềm vui đó như được nhân lên khi cha, mẹ chị chia cho 1 ao nuôi tôm 1.000m2. Sau khi mang thai được 4 tháng thì anh Khiêm ra đi vĩnh viễn.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Cẩm buồn bã cho biết: “Hơn 1 năm trước đây, trong lần ra vuông tôm bật điện chạy quạt ôxy thì môtơ quạt nước ở ao tôm bị rò điện nên chồng tôi vô tình chạm vào vỏ môtơ bị điện giật tử vong ngay trên vuông tôm. Qua đây, tôi mong rằng các gia đình nuôi tôm khi sử dụng điện phải hết sức cẩn thận để đừng gặp tình cảnh như gia đình tôi”.
Ông Huỳnh Văn Điều (cha của chị Cẩm) bộc bạch: “Trước đây gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, được Nhà nước hỗ trợ xây nhà theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ, sau đó thoát nghèo và thuộc hộ cận nghèo. Nguồn thu nhập chính của gia đình là 3 ao nuôi tôm rộng khoảng 8.000m2, nhưng thường bị thất mùa. Khi con gái mang thai, tôi chia cho 1 ao nuôi tôm để con rể có điều kiện ở nhà làm ăn, thuận tiện chăm sóc vợ. Nào ngờ xảy ra sự việc đau lòng”.
Ngay sau tai nạn xảy ra, nhân viên kỹ thuật ngành điện đã đến tận nơi hướng dẫn ông Điều cải tạo lại đường điện ra vuông tôm và khuyến cáo lắp các thiết bị an toàn. Tuy nhiên, ông không thực hiện và lại làm theo sự chỉ dẫn của người khác để tiết kiệm chi phí. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân làm gia tăng các vụ tai nạn điện.
Trưởng Công an xã Vĩnh Hiệp Nguyễn Hoàng Dũ cho biết: “Các vụ tai nạn điện trong dân xảy ra trên địa bàn là do người dân tiết kiệm tiền, câu kéo dây không đúng kỹ thuật theo khuyến cáo của ngành điện”. Trong những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ diện tích nuôi tôm, tai nạn do sử dụng điện trong nuôi tôm cũng gia tăng và Vĩnh Hiệp là một trong những địa phương nằm trong số đó. Đồng chí Nguyễn Hoàng Dũ cho biết thêm: “Tai nạn điện gây chết người trong nuôi tôm là nỗi lo của chính quyền địa phương. Theo đó, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn xã đã xảy ra 9 vụ tai nạn điện trong vuông tôm làm chết 9 người”.
Theo thông tin mới nhất từ Công ty Điện lực Sóc Trăng, gần đây nhất là vụ tai nạn điện trong dân làm 1 người chết cũng ngay tại ấp Tân Hưng, xã Vĩnh Hiệp (TX. Vĩnh Châu). Theo đó, vào khoảng 16 giờ, ngày 19-9-2018, nạn nhân là ông Châu Kim S, 63 tuổi, ra ao tôm của gia đình để sửa chữa điện (tại môtơ quạt nước ở ao tôm), nạn nhân có cắt CB để sửa chữa nhưng không có thử điện, trong quá trình thực hiện, nạn nhân bị điện giật tử vong. Theo thông tin của ngành điện, nguyên nhân ông S tử vong là do khi sửa chữa điện (đường dây sau điện kế) tuy có cắt CB nhưng CB không cắt được mạch điện nên bị điện giật tử vong. Nạn nhân chủ quan, không kiểm tra thử điện sau CB, do CB bị hư hỏng nên không cắt được điện…
Trước thực trạng nêu trên, khi chúng tôi hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc kéo giảm tỷ lệ tai nạn điện trong dân, đồng chí Nguyễn Hoàng Dũ thông tin: “Với thực trạng nêu trên, chính quyền địa phương phối hợp với ngành điện cùng các ban ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, nhưng khi mời họp thì bà con đến dự rất ít nên không có được kiến thức an toàn về điện. Sắp tới, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp tuyên truyền về điện cho bà con sử dụng được an toàn hơn”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các vụ tai nạn điện trong nuôi tôm thời gian qua đều có nguyên nhân chủ yếu là do người dân sử dụng điện không an toàn, như: hệ thống điện sau công tơ khách hàng tự đầu tư, tự câu kéo chưa đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, các hộ nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ, câu kéo điện sử dụng theo mùa vụ, không quan tâm đến vấn đề an toàn, chủ yếu là câu kéo điện làm sao cho ít tốn chi phí nhất, không đúng kỹ thuật, không đảm bảo an toàn. Qua thời gian sử dụng, người dân không thay thế, sửa chữa kịp thời dẫn đến rò điện ra vỏ môtơ hoặc dàn quạt.
Nhiều trường hợp để tiết kiệm chi phí chỉ kéo 1 dây nóng, dây nguội đấu xuống đất, ao hồ. Trong quá trình kéo lưới bắt tôm, vô tình chạm vào dây dẫn điện ghim dưới ao tôm và bị điện giật. Hoặc do bà con tự ý sửa chữa điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất nhưng không có kiến thức về an toàn điện. Sử dụng thiết bị điện (máy khoan, máy mài…) không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Theo số liệu mới nhất, trong 9 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ tai nạn điện trong dân làm chết 11 người; trong đó có đến 6 vụ tai nạn điện xảy ra trong vuông nuôi tôm nước lợ ở các huyện, thị xã có diện tích nuôi tôm.
Trước thực trạng nêu trên, Công ty Điện lực Sóc Trăng đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn cho mỗi khách hàng. Vừa qua, công ty cũng đã lắp đặt miễn phí 40 bộ thiết bị an toàn cho hệ thống điện trong nhà và ở 1 ao nuôi tôm cho hộ có điều kiện về kinh tế ở các vùng nuôi tôm trong tỉnh. Theo đó, khuyến khích các hộ này lắp đặt hệ thống an toàn ở toàn bộ các ao nuôi tôm khác của mình. Tuy nhiên, sau 6 tháng trở lại kiểm tra, rất nhiều hộ vẫn giữ nguyên hiện trạng cũ. Điều này cho thấy, hộ sử dụng điện trong nuôi tôm vẫn thờ ơ với việc thực hiện đúng theo quy trình, kỹ thuật an toàn khi sử dụng điện nên đã dẫn đến những tai nạn hết sức thương tâm như đã nêu.