Việc ngư phủ ứng tiền chủ ghe rồi âm thầm “chuồn” mất không phải là chuyện hiếm gặp ở các cửa biển, nhưng hiện nay vụ việc xảy ra ngày càng nhiều. Nguyên nhân là do chủ tàu và ngư phủ chỉ hợp đồng với nhau bằng miệng, không có gì ràng buộc, chủ ghe bị ngư phủ giật tiền thì đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, tìm nhân công mới để kịp cho chuyến biển.
Cần có giải pháp để đảm bảo lợi ích cho cả chủ phương tiện và ngư phủ, giúp nghề khai thác biển phát triển bền vững.
Vấn đề này đã từng được Báo ảnh Đất Mũi phản ánh, tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra, rất cần ngành chức năng có giải pháp căn cơ để giúp ngư dân yên tâm bám biển.
Đã qua, có thể nói, đối tượng lao động theo nghề biển chưa được các ban, ngành thực sự quan tâm. Chẳng hạn, Trung tâm Giới thiệu việc làm (thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) thường xuyên mở phiên giao dịch việc làm để doanh nghiệp tuyển dụng lao động, nhưng chưa có lần nào mở phiên giao dịch việc làm dành cho những lao động hành nghề đánh bắt trên biển. Hầu hết ở những cửa biển, chủ ghe và ngư phủ tự tìm tới nhau để giải quyết nhu cầu công việc.
Chính vì nắm bắt được tâm lý này nên thời gian gần đây xuất hiện nhiều “cò” làm môi giới ngư phủ cho chủ ghe. Anh Nguyễn Ngọc Phú, một chủ tàu ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, bức xúc: “Những đối tượng này mình chỉ mới biết qua “cò” giới thiệu, thuê làm được vài con nước thì “trở chứng”, mượn tiền tiêu xài, tới khi gần ra ghe thì lặn mất tăm, mình chẳng biết nắm trách nhiệm ai”.
Anh Phú chia sẻ, cứ mỗi chuyến ra khơi, gia đình anh mất ít nhất vài chục triệu đồng tiền cho ngư phủ mượn rồi trốn đi mất. Không cho thì không được, còn cho rồi thì họ lại không đi với mình mà qua ghe của người khác. Vì khan hiếm ngư phủ nên khi có người hỏi đi là ai cũng mừng. Anh Phú nhẩm tính, với 3 tàu đánh bắt công suất lớn, mỗi tàu cần 20 ngư phủ, mỗi con nước một ngư phủ mượn 5 triệu đồng thì coi như mất khoảng 100 triệu đồng. Xong chuyến biển, nếu sản lượng thấp thì số tiền chia cho ngư phủ thấp; thấy họ khó khăn, không nỡ trừ tiền vay, cứ gối đầu như thế. Tính đến nay, số tiền anh cho ngư phủ mượn có trên vài tỷ đồng.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Sáng (Ấp 3, xã Khánh Tiến, huyện U Minh) khi đến con nước đều phải chạy đôn chạy đáo đi tìm “bạn ghe”. Để giữ chân ngư phủ, ông đã cho họ mượn hàng chục triệu đồng, thế nhưng cứ đến con nước là thiếu người, vì họ không giữ đúng lời đã hứa.
Đa phần lực lượng lao động trên biển từ nhiều nơi khác đến, không trình báo với chính quyền địa phương nên việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn.
Chính vì không bị quản lý, không ràng buộc trên pháp lý nên thời gian gần đây xảy ra nhiều trường hợp ngư phủ ra tới biển lại ôm đồ nhảy xuống biển trốn, hòng quỵt nợ chủ ghe, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng. Như mới đây, Đồn Biên phòng Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển) vừa cứu vớt được 3 đối tượng là ngư phủ của phương tiện cào đôi, tàu mang biển kiểm soát CM 99637 TS, do bà Nguyễn Thị Kim Tiền (Khóm 6, thị trấn Sông Đốc) làm chủ. Phương tiện khi đang hoạt động trên biển có 9 ngư phủ, thì có 5 ngư phủ “rủ” nhau nhảy xuống biển bỏ trốn, trong đó có 3 ngư phủ trôi dạt, được Đồn Biên phòng Đất Mũi cứu vớt. Hai người còn lại tự tách ra và bơi vào hàng đáy khơi ngang Hòn Khoai, hiện vẫn chưa rõ tung tích. Nguyên nhân dẫn đến việc họ bất chấp tính mạng nhảy xuống biển là do trước đó các đối tượng này được “cò” giới thiệu đến đi “bạn ghe” cho tàu bà Tiền. Cả 3 ngư phủ đều có mượn trước của chủ phương tiện số tiền 15 triệu đồng/người, làm thuê trừ dần. Nhưng trong quá trình đánh bắt, các đối tượng bàn với nhau tìm cách bỏ trốn, nhằm quỵt tiền của chủ ghe.
Thông tin từ Đồn Biên phòng Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), mới đây đơn vị cũng cứu được 2 đối tượng nhảy xuống biển trốn với lý do tương tự.
Ông Huỳnh Hoàng Tương, Chủ tịch UBND xã Khánh Hội, huyện U Minh: “Một bất cập là việc quản lý con người gặp rất nhiều khó khăn, vì đa phần lao động từ nhiều nơi khác nhau tụ họp về đây, cả khi đến và đi đều không trình báo với chính quyền địa phương. Các đơn vị Đồn Biên phòng thì chỉ quản lý về số lượng ngư phủ trên tàu”.
Là ngư phủ có hơn 15 năm đi biển với nghề lái tàu, anh Nguyễn Hữu Phước (Khóm 3, thị trấn Sông Đốc), chia sẻ: “Làm nghề “bà cậu” này phải giữ chữ tín, mình tin tưởng chủ thì chủ mới tin tưởng giao tàu cho mình lái. Không chỉ riêng tôi, mà nhiều ngư phủ khác đều cần có công việc ổn định, nên cần thiết phải có hợp đồng, có thời hạn, có phụ cấp rõ ràng để ngư phủ và thuyền viên yên tâm, đồng thời cũng tránh được tình trạng ngư phủ lừa tiền chủ ghe như hiện nay”. Đồng quan điểm, anh Diệp Hồng Kỳ, chủ tàu ở Khóm 1, thị trấn Sông Đốc: “Cần thành lập trung tâm giới thiệu việc làm hoặc nghiệp đoàn nghề cá để quản lý ngư phủ. Ai có nhu cầu tìm người, tìm việc thì có hợp đồng lao động và hồ sơ quản lý chặt chẽ. Làm được như vậy, có thể giảm thiểu tối đa tình trạng chủ tàu cá bị giật tiền, cũng như giúp ngư phủ có thể an tâm lao động trên biển vì họ có bảo hiểm, có quyền lợi của một người lao động chân chính”.