Bao giờ phục hồi danh dự cho người lấy nợ cá tra đã được đình chỉ điều tra?

Chưa có đánh giá về bài viết

Như Tạp chí Thủy sản Việt Nam phản ánh, ngày 24/3/2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng có Quyết định số 02 đình chỉ điều tra bị can Phạm Thị Mai trong vụ án lấy nợ cá tra từ năm 2011 vì “đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm”. Sau đó, bà Mai có đơn yêu cầu “phục hồi danh dự” nhưng đến nay chưa được giải quyết.

Vụ án gần 9 năm

Theo hồ sơ, ngày 24/9/2009, một nhóm nông dân ở xã Tân Lộc Tây (Thốt Nốt, Cần Thơ) bán 335.317 kg cá tra, trị giá 4.929.159.900 đồng cho DNTN Vạn Hưng có nhà máy chế biến ở xã Vĩnh Châu (huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng). Sau đó, bị nợ 1.630.000.000 đồng kéo dài nên nhóm nông dân cử bà Mai đi đòi.

Đến ngày 20/1/2011, chủ DNTN Vạn Hưng là ông Khưu Chí Thức và bà Huỳnh Dù Táng thỏa thuận bán nhà máy với giá 5.500.000.000 đồng cho nhóm bà Mai, tiền nợ thành tiền đặt cọc. Hợp đồng này được xác nhận của UBND xã Vĩnh Châu. Tháng sau, bà Mai thuê người tháo 1 máy phát điện, 2 tủ đông lạnh đem ra ngoài thì DNTN Vạn Hưng cho rằng bị “cưỡng đoạt tài sản” và Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng khởi tố vụ án hình sự vào ngày 13/4/2011. Bà Mai bị khởi tố bị can tội “cưỡng đoạt tài sản” và “cố ý làm hư hỏng tài sản”, cáo trạng của VKSND tỉnh Sóc Trăng cũng truy tố bà Mai hai tội này.


Bà Phạm Thị Mai với đơn đề nghị phục hồi danh dự

Ngày 22/3/2013, TAND tỉnh Sóc Trăng xử sơ thẩm, tuyên bị cáo Mai 7 năm 6 tháng tù cho hai tội. Bản án này bị Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.Hồ Chí Minh hủy ngày 26/9/2013 yêu cầu điều tra lại.

Tiếp đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng có kết luận điều tra nội dung như cũ nhưng VKSND tỉnh Sóc Trăng đình chỉ điều tra tội “cố ý làm hư hỏng tài sản” và ngày 8/10/2015 ra cáo trạng truy tố tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Ngày 18/11/2015 TAND tỉnh Sóc Trăng xử sơ thẩm lần hai, tuyên bị cáo Mai 7 năm tù nhưng bản án này lại bị TAND cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh “Hủy toàn bộ bản án sơ thẩm (…) để điều tra theo quy định” vào ngày 18/8/2016.

Bản án phúc thẩm lần này đặt ra hai nội dung chính yêu cầu điều tra làm rõ: Hợp đồng mua bán nhà máy và hành vi của bị cáo Mai lúc lấy tài sản. Ngày 24/3/2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng có “Bản kết luận điều tra vụ án hình sự trong trường hợp đình chỉ điều tra” do Phó thủ trưởng Lê Hoàng Điện ký. Theo đó, hợp đồng mua bán nhà máy “không vi phạm pháp luật”, tài sản bà Mai lấy “chưa vượt quá số tiền mà doanh nghiệp Vạn Hưng nợ của Mai”. Hành vi của bà Mai “không đủ yếu tố cấu thành tội phạm “Cưỡng đoạt tài sản” theo Điều 170 Bộ Luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam. Do đó, bị can không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mà bị can đã thực hiện”.

Cùng ngày 24/3/2020, ông Lê Hoàng Điện ký quyết định đình chỉ điều tra bị can Phạm Thị Mai do “đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm”. Theo quyết định, bà Mai cũng được “Hủy bỏ biện pháp ngăn chặn: Cấm đi khỏi nơi cư trú theo Quyết định số 08 ngày 21/7/2011 của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng”.


Đề nghị phục hồi danh dự

Ngày 20/4/2020, bà Mai gửi đơn “đề nghị phục hồi danh dự cho người bị án oan” đến TAND tỉnh Sóc Trăng. Đơn của bà viết, TAND tỉnh Sóc Trăng xử phúc thẩm lần hai tuyên bà 7 năm tù, bản án này bị TAND cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh hủy và nay điều tra không chứng minh được tội phạm, đã đình chỉ điều tra bị can, “Vì vậy, căn cứ theo quy định của pháp luật,tôi đề nghị TAND tỉnh Sóc Trăng đăng báo đính chính và công khai xin lỗi để khôi phục danh dự cho tôi. Rất mong được TAND tỉnh Sóc Trăng chấp thuận và thông báo cho tôi biết kết quả”.

Ngày 11/5, TAND tỉnh Sóc Trăng có văn bản do Phó chánh án Lê Thanh Vũ ký trả lời bà Mai: “TAND tỉnh Sóc Trăng đang khẩn trương xem xét đề nghị của bà và đang thực hiện các thủ tục theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”.

Đến nay, bà Mai vẫn chờ đợi. Luật sư Phạm Quốc Việt ở Văn phòng Luật sư Bình Nguyên (Đoàn Luật sư Cần Thơ) cho rằng: “Bà Mai gửi đơn yêu cầu phục hồi danh dự đã hơn 15 ngày mà TAND tỉnh Sóc Trăng chưa tổ chức xin lỗi và cải chính công khai là không thực hiện đúng quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”. Luật sư Việt dẫn quy định tại Điều 41 và Điều 57 của Luật này “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đồng ý hoặc yêu cầu của người bị thiệt hại về việc phục hồi danh dự, Thủ trưởng trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm tổ chức xin lỗi và cải chính công khai”.

Theo Luật sư Việt, vụ này khi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đã ra quyết định đình chỉ điều tra nên còn có trách nhiệm của VKSND tỉnh Sóc Trăng. Luật sư Việt phân tích, theo quy định tại Khoản 3 Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định đình chỉ điều tra kèm theo hồ sơ vụ án của cơ quan điều tra, nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra có căn cứ thì Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền; Nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra không có căn cứ thì hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra và yêu cầu cơ quan điều tra phục hồi điều tra.

“Trong trường hợp này, VKSND tỉnh Sóc Trăng khi nhận được quyết định đình chỉ điều tra đã không trả lại hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra, cũng không có quyết định tố tụng nào sau 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định đình chỉ điều tra là vi phạm về thời gian thực hiện kiểm sát quyết định đình chỉ điều tra”, Luât sư Việt nói.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!