Bất cập vấn đề thủy lợi cho thủy sản diễn ra từ lâu, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có giải pháp triệt để. Cũng do thiếu sự “phân luồng” này nên đã dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh thủy sản xảy ra ngày càng nhiều.
ĐBSCL có khoảng 1,1 triệu ha nuôi trồng thủy sản (NTTS), chiếm 55% tổng diện tích NTTS cả nước. Diện tích NTTS tăng nhanh, chủ yếu nuôi tôm và cá tra. Để có 1 kg cá da trơn thành phẩm, nông dân phải sử dụng 3 – 5 kg thức ăn. Thực tế chỉ 17% thức ăn được cá hấp thu; phần còn lại hòa lẫn trong môi trường nước trở thành các chất hữu cơ phân hủy. Ước tính, với 1 triệu tấn thủy sản thì ít nhất 3 triệu tấn chất thải hữu cơ thải ra môi trường nước. Trong khi đó, hệ thống kênh lấy nước và kênh xả chưa tách bạch. Lưu lượng thiết kế kênh không theo kịp sự gia tăng quá lớn diện tích NTTS. Tần số lấy nước và xả nước ra kênh dẫn từ các ao nuôi thủy sản nhiều hơn canh tác lúa 2 – 3 lần.
Chính sự bất cập trong hệ thống thủy lợi, chưa hoàn chỉnh và phù hợp là nguyên nhân chính dẫn đến lây lan dịch bệnh. Tỉnh Sóc Trăng có vùng nuôi thủy sản hơn 68.600 ha, trong đó gần 50.000 ha nuôi tôm nước lợ. Thế nhưng trong 2 năm qua, dịch bệnh hoành hành khắp vùng nuôi tôm sú thâm canh. Một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng này là hạ tầng thủy lợi, hệ thống cống, đập cũ kỹ; mỗi vùng nuôi thường chỉ sử dụng một con kênh đảm nhận 2 nhiệm vụ cấp và thoát nước, do đó mầm bệnh dễ lây lan. Tương tự, vùng nuôi tôm tại Bạc Liêu gần 200.000 ha, chiếm 3/4 diện tích đất nông nghiệp (vùng trồng lúa 54.000 ha) nhưng điều kiện hạ tầng bất cập, đầu tư theo kiểu chắp vá chưa thể đáp ứng yêu cầu.
Ngành thủy sản cần có hệ thống thủy lợi riêng – Ảnh: Huy Hùng
Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, khi nuôi trồng thủy sản bắt đầu được đầu tư, Viện đã có những nghiên cứu về hệ thống thủy lợi phục vụ riêng cho nuôi thủy sản, có cả quy hoạch mặn, ngọt và đã được phê duyệt nhưng không triển khai được vì thiếu vốn. Một số tỉnh có đầu tư lớn nhưng chủ yếu là để cải tạo những công trình hiện có chứ không phải để phát triển hệ thống thủy lợi riêng cho ngành thủy sản.
Để cải thiện tình hình, vừa qua, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt “Đề án tái cơ cấu ngành thủy lợi”, mục tiêu nâng cao hiệu quả ngành thủy lợi phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Đặc biệt, Đề án nhấn mạnh việc cần nhanh chóng đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi phục vụ vùng thâm canh NTTS với đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, TTCT…) ở ĐBSCL, các khu vực ven biển Trung bộ. Trong đó, yêu cầu ngành thủy lợi các tỉnh này phải đầu tư hạ tầng để lấy nước chủ động (mặn, ngọt) cho các ao nuôi thủy sản, kết hợp với phương pháp nuôi tiết kiệm nước và xử lý nước, đảm bảo môi trường nước cho các khu vực nuôi thủy sản tập trung theo quy mô công nghiệp.
>> PGS-TS Dương Văn Viện, Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam bộ: Trong quy hoạch thủy lợi cho thủy sản, công tác cấp, thoát nước không thể xem nhẹ, vì cả 2 mặt có liên quan chặt chẽ và ảnh hưởng tới nhau rất rõ rệt. Do vậy, tùy theo điều kiện gần hay xa nguồn cấp nước mà bố trí tách rời ở các cấp kênh khác nhau cho hợp lý. |