Chiều 14-10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, trưởng Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai chủ trì họp ứng phó với bão số 11, lưu ý rằng bão vào trong hoàn cảnh nhiều địa phương vừa trải qua mưa lũ lớn, thiệt hại nặng nề.
“Mưa lũ đã tàn phá làm thiệt hại về người và kinh tế. Các địa phương đang gồng mình khắc phục hậu quả. Đây là diễn biến bất lợi cho ứng phó với bão 11. Vì vậy công tác ứng phó tuyệt đối không được chủ quan ngay từ bây giờ” – ông Cường lưu ý.
Bão số 11 sẽ gây mưa lớn điện rộng
Ông Hoàng Đức Cường, giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết hồi 13 giờ ngày 14-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 117,9 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600km về phía Đông Đông Bắc.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 13.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và còn mạnh lên.
Đến 13 giờ ngày 15-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc, 114,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 360km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão; gió mạnh cấp 7-9, sau tăng lên cấp 10-12, giật cấp 15, biển động dữ dội.
Vùng biển Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ), khu vực biển Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm các đảo Hòn Ngư, Cù Lao Chàm, Lý Sơn có gió mạnh cấp 6, từ ngày mai (15-10) tăng lên cấp cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh.
Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới có gió mạnh cấp 6 trở lên được xác định phía Bắc từ vĩ tuyến 14,0 độ Vĩ Bắc, phía Đông kinh tuyến 111,0 độ Kinh Đông.
Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Nam mỗi giờ đi được khoảng 20km.
Đến 13 giờ ngày 16-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,9 độ Vĩ Bắc, 108,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 13.
Dự báo trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu dần.
Ông Cường lưu ý bão số 11 có khả năng gây mưa lớn trên diện rộng.
Do ảnh hưởng của rìa phía Tây Nam hoàn lưu bão số 11, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận-Cà Mau, Cà Mau-Kiên Giang có mưa rào và dông, trong cơn dông khả năng có gió giật cấp 7-8.
Dự báo đường đi của cơn bão số 11 – Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương Các hồ cơ bản đầy nước
Đại tá Trần Dương Kiên, trưởng phòng cứu hộ cứu nạn – Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết đã chỉ đạo cho bộ đội biên phòng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Phú Yên thực hiện các nhiệm vụ phòng chống bão số 11.
“Lực lượng bộ đội biên phòng đã thông báo cho các địa phương thông tin cho các chủ tàu thuyền biết được vị trí bão để di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm” – ông Kiên cho biết.
Theo ông Kiên, hiện còn 68 tàu với hơn 500 lao động đang hoạt động tại khu vực phía Bắc của Hoàng Sa. Tất cả các tàu đều đã nhận được thông tin về vị trí của bão số 11.
Thiếu tướng Trương Đức nghĩa – chánh văn phòng Uỷ ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn – cho biết bão số 11 ảnh hưởng trong hoàn cảnh thiệt hại từ lũ vẫn còn nhiều người mất tích chưa được tìm thấy, ngập lụt còn chia cắt ở nhiều nơi, sạt lở còn có nguy cơ xảy ra.
“Tôi có đến điểm sạt lở ở thôn Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, Hoà Bình. Đến đó tôi cũng không thể hiểu được vụ sạt lở đó diễn ra thế nào. Lịch sử chưa có vụ lở đất nào đưa hàng vạn m3 đất đá ụp xuống rồi lại đưa hàng nghìn m3 đất đá văng đi vùi cả 4 ngôi nhà.
Vì vậy, tuyệt đối không được chủ quan trong công tác phòng chống, đừng có khái niệm mới là áp thấp nhiệt đới” – ông Nghĩa nhấn mạnh.
Theo ông Nghĩa, cần tranh thủ thời gian trước khi bão ảnh hưởng tập trung cao độ tìm kiếm người mất tích, ổn định những khu vực bị chia cắt.
“Bão số 11 không được chủ quan, đặc biệt là công tác phối hợp, thực hiện công tác 4 tại chỗ ngay từ cơ sở. Không chủ quan với tai nạn trên biển. Rút kinh nghiệm và cổ vũ 4 tại chỗ. Ví như có 6 công nhân bị chia cắt ở Yên Bái, có đề nghị cả máy bay nhưng lực lượng tại chỗ đã cứu được 6 công nhân này” – ông Nghĩa lưu ý.
Ông Ngô Sơn Hải – phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực VN – thì cho biết hiện các hồ thuỷ diện đã gần đầy. Dung tích trong hồ còn xấp xỉ 300 triệu m3, mực nước trong hồ Hoà Bình đang ở mức 115m so với mực nước dâng bình thường theo quy trình vận hành liên hồ chứa là 117m.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh – tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi cũng cho biết các hồ thuỷ lợi cũng đã cơ bản đầy nước.
“Những hồ chứa lớn hiện nay đều đã chủ động điều tiết hạ thấp mực nước xuống, khó nhất là các hồ nhỏ. Nếu những vùng đó mà tiếp tục mưa là rất là lo. Vì vậy, đang triển khai các lực lượng xung kích xử lý các nguy cơ tại chỗ” – ông Tỉnh nói.
Theo ông Tỉnh, hiện còn 126.500ha đất nông nghiệp bị ngập, diện tích mất trắng hơn 13.500ha, trong đó Thái Bình còn diện tích ngập nhiều nhất, hơn 10.000ha.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị báo cáo những hồ nào được xác định hồ nguy hiểm, theo ông Tỉnh, hiện tại cả ba tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh đều xác định có hồ nguy hiểm.
Ông Trần Quang Hoài – tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai – còn chơ rằng rất cần cảnh báo tình trạng sạt lở đất.
“Với bão số 11, Ban chỉ đạo sẽ huy động các nhà mạng cùng phát tin cảnh báo tới người dân” – ông Hoài cho biết.