Bão số 11 tiếp tục gây thiệt hại miền Trung

Chưa có đánh giá về bài viết

Tính đến 7h30’ sáng 15/10, bão số 11 làm 7 người Đà Nẵng bị thương. Tại Quảng Trị mất điện trên toàn huyện đảo Cồn Cỏ.

Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, 6h sáng 15/10, vùng tâm bão số 11 đã đổ bộ vào khu vực Đà Nẵng – Quảng Nam, với sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 11, cấp 12.

Theo đánh giá chung, các địa phương đã thực hiện nghiêm Công điện 1616 của Thủ tướng về công tác chỉ đạo ứng phó với diễn biến bão số 11 và các Công điện của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương. Ứng phó trước, trong và sau bão, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân khu 4, Quân khu 5, tiếp tục duy trì lực lượng ứng trực tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Đà Nãng, Quảng Nam, Quảng Ngãi sẵn sàng đối phó các tình huống mưa bão. Ứng phó bão số 11 các địa phương từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đã chủ động sơ tán, di dời hơn 34.000 hộ với khoảng 124.000 người đến nơi an toàn.

 

Bão số 11 làm hư hỏng nhà cửa tại Đà Nẵng

Văn phòng Ban chỉ đạo cảnh báo: bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam, và sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc và Trung Trung bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, các tỉnh Bắc và Trung trung bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Ở khu vực Tây Nguyên. các hồ chứa vừa và lớn hầu hết nước đã tích trên 80% dung tích thiết kế. Hiện có 5/13 hồ lớn đã đầy và qua tràn như: Đắk Uy, Đắk Yên (Kon Tum), Biển Hồ (Gia Lai) Hồ Buôn Yong, Ea Kao (Đắk Lắk).  Hiện 14 trong tổng số 20 hồ thủy điện ở miền Trung – Tây Nguyên đang xả nước điều tiết.


Đà Nẵng: 7 người bị thương, nhiều nhà cửa tốc mái

Đến 7h30’ sáng 15/10, tại thành phố Đà Nẵng, gió đã bớt giật hơn rạng sáng nhưng vẫn còn rít liên hồi. Ngay phía trước UBND thành phố Đà Nẵng, cây đổ ngang không qua lại được. Nhiều tấm kính nhà kính rơi vỡ. Bão đổ bộ vào đất liền các tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng gây gió giật cấp 11, mưa to nhiều nơi. Trong đêm 14 đến sáng 15/10, mưa tại Nam Đông, A Lưới, TT Huế, Tam Kỳ, Tây Giang.

Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, bão số 11 đã làm 7 người bị thương trong đó có 4 người ở quận Ngũ Hành Sơn, 1 người Sơn Trà, 2 người ở huyện Hòa Vang bị thương nặng.

 

Một showroom ô tô bị gió đập vỡ kính

Hiện số người bị thương đã được đưa đi cấp cứu. Chưa có thông tin về số người chết. 95 % phụ tải ở thành phố mất điện, nhiều nơi mất liên lạc. Nhà cửa bị tốc mái, đổ ngã nhưng chưa có số liệu cụ thể.

Tại xã đảo Tân Hiệp, Cù Lao Chàm có 10 nhà bị tốc mái, huyện Lý Sơn có hơn 10 nhà bị tốc mái. Nhiều nhà cửa, resort ven biển thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam bị tốc mái. Xe cộ dừng lưu thông.

Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo điện lực Đà Nẵng chạy mạch vòng đảm bảo cấp điện trở lại trong thời gian sớm nhất.

Ngay sau khi bão tan sẽ sử dụng lưc lượng công an quân đội để cưa cây mở đường phục vụ khắc phục hậu quả bão. Chỉ đạo các đơn vị Viên thông khôi phục lại liên lạc để phục vụ khắc phục hậu quả bão


Quảng Trị  mất điện trên toàn huyện đảo Cồn Cỏ

Ông Lê Quang Lanh, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị cho biết: Tính đến 6h sáng ngày 15/10, ngay sau bão số 11 đi qua địa phận đảo Cồn Cỏ với sức gió mạnh cấp 11, cấp 13, sóng biển dâng cao, một số công trình xây dựng trên địa bàn huyện đang được sửa chữa do bão số 10 gây thiệt hại vừa qua cũng đã bị tốc mái trở lại; toàn huyện đã bị mất điện. Đặc biệt, hệ thống đê kè chắn sóng biển bị sạt lở một đoạn dài. Rất may không có người bị thương vong. Hiện vẫn chưa thể thống kê thiệt hại do bão số 11 gây ra. 

Hiện chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang trên đảo vẫn đang khẩn trương khắc phục sự thiệt của cơn bão số 11.


Nghệ An chủ động xả lũ hồ Vực Mấu và hồ thủy điện Bản Vẽ

Để đối phó với cơn bão số 11, tỉnh Nghệ An quyết định xả lũ hồ Vực Mấu là một trong những hồ lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Rút kinh nghiệm việc xả lũ hồ Vực Mấu trong cơn bão số 10 gây ngập lụt trên diện rộng, thiệt hại cho thị xã Hoàng Mai trên 830 tỷ đồng, lần này Công ty thủy lợi Quỳnh Lưu và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão hồ Vực Mấu đã thông báo về việc xả lũ đến UBND thị xã Hoàng Mai và các xã, phường trên địa bàn một cách chu đáo, đúng quy định. 

Hồ Vực Mấu bắt đầu xả lũ từ 9h ngày 14/10/2013, từ cao trình mực nước 20,96m xuống 20,5m và xả ở cửa số 3, số 4 và sẽ tiếp tục xả lũ trong những ngày tới nếu lượng mưa tiếp tục tăng. 

Công ty thủy điện Bản Vẽ cũng có thông báo về việc vận hành xả lũ hồ thủy điện Bản Vẽ đến UBND huyện Tương Dương và một số xã nằm trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng cao. Theo kế hoạch, hồ thủy điện Bản Vẽ sẽ bắt đầu xả lũ vào ngày 16/10/2013, với tổng lưu lượng xả từ 300 m3/s đến 1.000 m3/s. Đây là hồ thủy điện lớn nhất tỉnh Nghệ An nên việc xả lũ được các đơn vị liên quan phối hợp với các địa phương tiến hành một cách thận trọng, đúng quy trình, nhằm giảm đến mức các thiệt hại cho các địa phương. 

Tỉnh Nghệ An hiện có 625 hồ đập, trong đó có 55 hồ có dung tích trên 1 triệu m3 nước; 11 hồ có dung tích nước trên 5 triệu m3 nước; còn lại là các hồ vừa và nhỏ. Đến sáng 15/10, tất cả các hồ đều đã đầy nước, để đảm bảo an toàn các hồ đập, hiện các công ty thủy lợi và ban quản lý các hồ đang tổ chức công tác tuần tra, canh gác; bổ sung lực lượng, phương tiện, vật tư để gia cố, sửa chữa ngay những vị trí bị rò rỉ, sạt lở đất đá; lên phương án xả lũ theo đúng quy trình.

PV

VOV online

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!