Bảo vệ môi trường trong phát triển tôm nước lợ đồng bằng sông Cửu Long

Chưa có đánh giá về bài viết

Nuôi tôm ở Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đã và đang phát triển mạnh trong những năm gần đây, trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hàng triệu người dân ven biển và nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho đất nước. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường đang ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của con tôm tại khu vực này.


Dịch bệnh phát triển

Diện tích nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL tập trung tại 8 tỉnh ven biển gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang với hai đối tượng chính là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Đến năm 2014, diện tích nuôi tôm nước lợ toàn vùng đạt 637.410 ha, tăng trưởng bình quân 3,4%/năm so với 2005 (471.322 ha).

Môi trường đất, môi trường nước và các hệ sinh thái trong phát triển nuôi trồng thủy sản bị biến đổi gây suy thoái, ô nhiễm môi trường. ĐBSCL là vùng tập trung nhiều loại đất phèn tiềm tàng và phèn hoạt động. Các nguồn thải ra sông rạch đã tác động làm cho môi trường nước bị biến đổi. Chất lượng nước trong các ao nuôi thủy sản đặc biệt nuôi tôm nước lợ thâm canh đã cho thấy ô nhiễm hữu cơ có sự xuất hiện các thành phần độc hại như H2S, NH3+ và chỉ số vi sinh Coliforms đã cho thấy nguồn nước thải ngày cần phải được xử lý triệt để trước lúc thải ra sông rạch. Chất thải trong nuôi tôm nước lợ là bùn thải chữa phân, thức ăn dư thừa thối rữa bị phân hủy, các chất tồn dư của các loại vật tư sử dụng như: hóa chất, vôi và các loại khoáng chất Diatomit, Dolomit…

Cùng với sự gia tăng về diện tích nuôi tôm nước lợ thì môi trường ngày càng bị ô nhiễm dẫn đến tình hình dịch bệnh xảy ra nhiều hơn. Vì vậy, bảo vệ môi trường trong phát triển nuôi trồng thủy sản ở khu vực ÐBSCL nói chung và nuôi tôm nước lợ nói riêng là vấn đề cực kỳ quan trọng. Có hai vấn đề cần phải quan tâm để hướng tới sản xuất bền vững về mặt môi trường: Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vai trò, ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường của người dân trong cộng đồng. Thứ hai, công tác kiểm tra, kiểm soát, phối hợp liên ngành cần phải được thắt chặt để quản lý nguồn tài nguyên.

Nuôi tôm đem lại hiệu quả cao song cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ – Ảnh: Huy Hùng

 

Đảm bảo môi trường

Trong quy hoạch phát triển nuôi tôm của vùng, vấn đề đánh giá tác động của môi trường lên nghề nuôi thủy sản cũng như ảnh hưởng của nghề nuôi thủy sản đối với môi trường xung quanh là điều cần thiết.

Đối với các khu nuôi tôm thẻ chân trắng phải có 15 – 20% diện tích tự nhiên làm ao lắng, có 5 – 10% diện tích đất tự nhiên làm khu xử lý bùn đáy ao, 5 -10% diện tích tự nhiên làm ao xử lý thải, các tiêu chuẩn chất lượng nước đầu vào và chất lượng nước thải phải theo quy định của ngành.

Cần sớm đầu tư và nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm theo yêu cầu quy hoạch để đảm bảo nhu cầu về nguồn nước nuôi tôm. Hệ thống thủy lợi có hệ thống cấp thoát riêng biệt đối với những khu nuôi tôm tập trung. Hình thành trạm quan trắc môi trường để thực hiện kiểm tra chất lượng môi trường nước cũng như thu nhận thông tin từ các trung tâm cảnh báo môi trường khu vực, nhằm thông tin kịp thời cho người nuôi có biện pháp khắc phục và xử lý kịp thời.

Thành lập các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Chi hội nuôi tôm nhằm tạo các mô hình quản lý cộng đồng về môi trường, đảm bảo cho mục tiêu phát triển bền vững môi trường. Tăng cường công tác truyền thông, phổ biến về Luật Bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức cá nhân về những vấn đề môi trường bức xúc, những tác động về môi trường.

Áp dụng các quy trình nuôi sạch để giảm các loại thuốc và hóa chất dùng trong quá trình sản xuất. Chi cục Nuôi trồng Thủy sản phối hợp các cơ quan chuyên ngành tăng cường công tác kiểm dịch con giống trước khi đưa từ tỉnh ngoài vào đưa xuống ao nuôi thương phẩm, kiểm dịch các loại thức ăn thuốc, hóa chất ở các cơ sở kinh doanh thức ăn và vật tư thủy sản.

Về quản lý cần có các chế tài xử phạt để xử lý các hộ dân trong vùng quy hoạch không tuân theo các quy định và hướng dẫn của các cán bộ chuyên môn và các ban ngành có chức năng. Các dự án thủy sản đều phải được đánh giá tác động môi trường của các cơ quan chuyên ngành, để đảm bảo tính khoa học, khách quan.

Hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Cần tăng cường công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu hiện trạng và dự báo xu thế môi trường trong quá trình phát triển, đặc biệt cần phối hợp thực hiện dự án tổng thể điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên – môi trường nước trên sông rạch.

>> ĐBSCL có tiềm năng rất lớn để phát triển nuôi tôm nước lợ, song muốn phát huy hiệu quả và bền vững thì bên cạnh các giải pháp đồng bộ trong bảo vệ môi trường nêu trên thì rất cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa các ngành nông, lâm và ngư nghiệp.

VIFEP

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!