“Bắt bệnh” ngại áp dụng VietGAP trong nuôi tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Nuôi trồng thủy sản nói chung, tôm nước lợ nói riêng áp dụng tiêu chuẩn VietGAP đã được khẳng định hiệu quả, tuy nhiên, việc nhân rộng còn gặp nhiều khó khăn.

Để giải quyết những vướng mắc, Tổng cục Thủy sản vừa cùng Sở NN&PTNT Khánh Hòa tổ chức hội thảo góp ý lần cuối Dự thảo Hướng dẫn áp dụng VietGAP đối với tôm nuôi nước lợ thay thế Quyết định 1617/QĐ-BNN-TCTS; giúp người dân nắm bắt kỹ thuật, nuôi trồng đạt hiệu quả.


Triển khai đồng bộ

Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, về tình hình triển khai thực hiện chương trình VietGAP giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng giai đoạn 2016 – 2020; trên cơ sở hệ thống văn bản pháp lý, các quyết định, thông tư hướng dẫn triển khai áp dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản do Bộ NN&PTNT xây dựng và ban hành từ năm 2012, Tổng cục Thủy sản đã tham mưu xây dựng hệ thống quản lý đối với các tổ chức chứng nhận, quyết định chỉ định các tổ chức chứng nhận, tham mưu xây dựng và hoàn thiện website VietGAP, hệ thống kiểm tra sự tuân thủ của cơ sở nuôi, chỉ định các tổ chức chứng nhận có năng lực, tổ chức kiểm tra, giám sát các tổ chức chứng nhận, xây dựng mạng lưới chuyên gia đánh giá đều khắp trên cả nước, với hơn 110 chuyên gia được cấp chứng chỉ hành nghề trên tổng số 9 tổ chức chứng nhận và hiện đã có 62 cơ sở nuôi được đánh giá chứng nhận với diện tích trên 690 ha nuôi trồng thủy sản trên cả nước.

Nuôi tôm theo VietGAP cho hiệu quả cao – Ảnh: Phan Thanh Cường

Ngoài việc từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, Tổng cục Thủy sản liên tục đẩy mạnh việc đào tạo và cập nhật kiến thức VietGAP cho đội ngũ chuyên gia, cho các cơ sở nuôi và đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý thủy sản của các tỉnh trên cả nước với 158 giảng viên VietGAP, làm phóng sự truyền hình chuyên đề VietGAP, triển khai thực hiện các mô hình điểm, ban hành nhiều tài liệu hướng dẫn, sổ tay hỏi đáp…; qua đó từng bước đưa VietGAP vào áp dụng đại trà theo lộ trình đề ra.


Tháo gỡ

Thực tế áp dụng VietGAP trong sản xuất của người dân đã bộc lộ nhiều vướng mắc. Đa phần người dân chưa thật mặn mà với VietGAP, vì nhiều lý do (phương thức làm ăn truyền thống nhỏ lẻ; chưa thấy, chưa hiểu hết giá trị từ áp dụng VietGAP vào nuôi trồng thủy sản mang lại; còn tâm lý ngại ghi chép, lưu trữ hồ sơ sổ sách… và rất nhiều lý do khác). Chính vì điều này, việc hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 có hơn 80% số hộ nuôi trên cả nước áp dụng VietGAP khó đạt được.

Để thay đổi nhận thức của người dân nuôi thủy sản, không thể một sớm một chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có lộ trình; tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp (tăng cường xúc tiến thương mại, tìm thị trường cho các sản phẩm thủy sản áp dụng VietGAP; từng bước liên kết các hệ thống phân phối (chợ đầu mối, hệ thống siêu thị, các cơ sở, xí nghiệp chế biến xuất khẩu…); khuyến khích việc các thị trường công nhận lẫn nhau giữa các tổ chức chứng nhận như Global GAP, BAP, ASC, GSSI.

Theo nhiều chuyên gia, trong giai đoạn 2016 – 2020, ngành nuôi tôm nước lợ Việt Nam được dự báo sẽ vẫn còn vô vàn khó khăn từ dịch bệnh, nguồn giống, môi trường, thị trường tiêu thụ sản phẩm… Vì thế, việc sớm triển khai, hoàn thiện hệ thống văn bản VietGAP là điều tất yếu và cần phải thực hiện nhanh.

Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn, nhấn mạnh việc áp dụng VietGAP là vấn đề lâu dài và cần thiết; mặt khác, cần phải bỏ bớt những phần không cần thiết ở Dự thảo và ở các phụ lục, nếu cần có thể tham khảo các bảng, biểu của các công ty sản xuất thức ăn lâu nay người dân quen dùng; là hướng dẫn nên văn phong phải ngắn gọn, súc tích để người dân dễ hiểu và làm theo…

>> Quyết định ban hành hướng dẫn áp dụng VietGAP đối với nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng (P.vannamei), tôm sú (P.monodon) thay thế Quyết định 1617/QĐ-BNN-TCTS 18/7/2011 sẽ sớm được chỉnh lý và trình Bộ NN&PTNT ban hành chính thức cuối năm nay.

Nguyễn Hữu Thi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!