Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, tỉnh Bến Tre đang phấn đấu nhân rộng mô hình phát triển nuôi cá tra theo hướng VietGAP trong năm 2013.
Cần khơi dậy tiềm năng
Nằm trong khu vực ĐBSCL nhưng Bến Tre có môi trường thiên nhiên thuận lợi hơn các tỉnh khác cho phát triển nghề nuôi cá tra. Năm 2012, diện tích nuôi cá tra của Bến Tre ổn định khoảng 680 ha, tập trung tại các huyện Chợ Lách, Giồng Trôm, Châu Thành, Bình Đại, Mỏ Cày Nam, Ba Tri với tổng sản lượng đạt 158.805 tấn. Theo đó, Bến Tre đang phấn đấu đến năm 2015 đưa tổng diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh lên 1.200 ha.
Bến Tre có hệ thống quản lý nuôi thủy sản khá tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các cơ sở nuôi cá phát triển ổn định. Tuy nhiên, nghề nuôi cá tra ở đây không phải tất cả đều suôn sẻ.
Hiện, Bến Tre đã có quy hoạch chi tiết về các vùng nuôi trước khi đưa vào nuôi đại trà – Ảnh: Trần Út
Ông Nguyễn Văn Buội, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Bến Tre cho biết: Tỉnh vẫn chưa xây dựng được trung tâm sản xuất giống đảm bảo chất lượng, nguồn giống sản xuất chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người nuôi. Do đó, người nuôi phải mua giống từ các tỉnh lân cận nên chất lượng chưa ổn định, do chưa kiểm soát được chất lượng cá bố mẹ. Năm 2012, lượng giống sản xuất chỉ đáp ứng được 13,7% tổng lượng giống thả nuôi. Hơn nữa, việc quản lý các yếu tố đầu vào như thức ăn, thuốc, hóa chất, nhiên liệu… liên tục tăng dẫn đến giá thành sản xuất tăng, giá bán cá tra nguyên liệu lại liên tục giảm, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Trong khi đó, nuôi cá tra cần nguồn vốn rất lớn, người nuôi chưa được tiếp cận vốn vay và không đủ điều kiện vay. Việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất cũng chậm triển khai do các nhà máy chế biến có vùng nguyên liệu khá lớn, không muốn liên kết với các cơ sở nuôi. Đồng thời, trong năm qua, người nuôi phải đối diện tình trạng dịch bệnh tràn lan như gan thận mủ, trắng gan trắng mang, xuất huyết, vàng da, ký sinh trùng…
Để vượt qua khó khăn
Thời điểm hiện nay, nghề nuôi cá tra tại Bến Tre cũng gặp nhiều khó khăn như các tỉnh, thành phố khác ở ĐBSCL. Tuy nhiên, Bến Tre đang nỗ lực hết sức để giải quyết các vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất ổn định.
Ông Nguyễn Văn Buội cho biết thêm: “Hiện, Bến Tre đã có quy hoạch nuôi chi tiết về các vùng nuôi trước khi đưa vào nuôi đại trà. Tỉnh cũng đang tổ chức nuôi cá tra theo quy hoạch với quy mô lớn tập trung, có sự chuyển dịch theo hướng an toàn môi trường, an toàn dịch bệnh và ATVSTP, áp dụng quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo các tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thế giới”.
Bên cạnh đó, để khắc phục chất lượng con giống, tỉnh cũng đang chú trọng đầu tư phát triển và nhân rộng đàn cá tra bố mẹ đã được cải tạo di truyền của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II; xây dựng hệ thống ương giống, kiểm soát được quy trình ương giống cá tra.
Song song đó, tỉnh còn phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương xử lý các trường hợp xả thải trực tiếp bùn đáy ao ra ngoài tự nhiên gây ô nhiễm môi trường, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện kiểm tra và tổ chức lấy mẫu thức ăn, thuốc hóa chất định kỳ và đột xuất để kiểm tra chất lượng sản phẩm, vận động tuyên truyền các cơ sở nuôi đăng ký kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y thủy sản.
Hiện nay, diện tích nuôi cá tra của tỉnh đa số tập trung ở các doanh nghiệp (chiếm khoảng 90% tổng diện tích nuôi) nên trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm được nâng lên đáng kể và có khả năng nắm bắt nhanh các tiến bộ kỹ thuật nuôi cá tra công nghiệp theo hướng hiện đại. Các cơ sở nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh từng bước áp dụng các quy trình, tiêu chuẩn nuôi thủy sản an toàn như VietGAP, GlobalGAP, ASC… nhằm tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị xuất khẩu, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
>> Năm 2013, tỉnh Bến Tre dự định thả nuôi cá tra với diện tích khoảng 700 ha, giảm 20 ha so với năm 2012; sản lượng khoảng 140.000 tấn, giảm 18.000 tấn so với năm 2012. |