Ước sản lượng tôm thẻ chân trắng (tôm nước lợ) thu hoạch trên địa bàn toàn tỉnh bình quân từ 3 – 4 ngàn tấn/tháng. Bước vào đợt giãn cách xã hội đầu tiên theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đến nay, tâm lý lo sợ đã khiến người nuôi tôm trong tỉnh nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung đều khẩn trương thu hoạch sớm, khiến giá tôm trên thị trường biến động giảm liên tục, nhất là với tôm size (kích cỡ) 50 – 100 con/kg giảm từ 30 – 50 ngàn đồng/kg, người nuôi lỗ nặng.
Anh N.Q.V, người nuôi tôm theo phương pháp truyền thống (xã An Qui, huyện Thạnh Phú) cho biết, thời điểm trước dịch Covid-19, kể từ ngày 7/7/2021, giá tôm có dấu hiệu “đi xuống”. Cụ thể, tại Nhà máy thủy sản Stapimex (tỉnh Sóc Trăng) giá từ 113 ngàn đồng/kg size 50 con/kg giảm còn 109 ngàn đồng/kg chỉ sau 2 ngày. Giá tới hồ, lái tôm báo bao nhiêu thì bán bấy nhiêu, người nuôi không trả giá được luôn. Đó là trường hợp tôm trong ao khỏe mạnh, ngược lại, tôm gặp rủi ro có bệnh nữa là lỗ nặng hơn.
Đến tuần cuối tháng 8-2021, giá tôm size 100 con/kg tại Nhà máy thủy sản Stapimex là 73 ngàn đồng/kg; size 50 con/kg có giá 96 ngàn đồng/kg (tôm đã xét nghiệm kháng sinh). Do đó, giá lái thu mua tại ao là 62 ngàn đồng/kg với size 100 con/kg và khoảng 80 ngàn đồng/kg size 50 con/kg.
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú.
Anh Nguyễn Văn Thừa, hộ nuôi tôm công nghệ cao tại ấp Thạnh An, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú cho hay, giá tôm size nhỏ hiện nay so với thời điểm tháng 5-2021 đã sụt giảm khoảng 30 – 40 ngàn đồng/kg. Tôm 40 con/kg thì lời khoảng 5 – 10 ngàn đồng/kg. Tôm 50 con/kg là coi như huề vốn. Còn tôm 80 con/kg là 50 – 60 ngàn đồng/kg. Tôm size càng nhỏ thì giá càng giảm mạnh, khiến người nuôi tôm thua lỗ nặng nề, làm nhiều người nuôi lo lắng có ý định dừng hoặc chậm thả nuôi mới.
Bên cạnh giá tôm sụt giảm, người nuôi còn gánh thêm khoản chi phí tăng cao khác trong khâu vận chuyển, lưới kéo, xét nghiệm Covid-19 cho người lao động. “Hồi trước thuê 1 lưới kéo giá 500 ngàn đồng nhưng nay lên tới 1 triệu đồng (4 lưới kéo là 4 triệu đồng). Giá thuê lao động cũng tăng gấp đôi họ mới chịu đi. Tình hình này, người nuôi tôm truyền thống từ lỗ tới lỗ nặng”, anh Nguyễn Văn Thừa cho hay.
Được biết anh Nguyễn Văn Thừa là một trong những hộ nuôi tôm công nghệ cao có hiệu quả của huyện Thạnh Phú và là thành viên Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú huyện. Trong đợt giãn cách xã hội thứ 3, anh quyết định lần lượt thu hoạch các ao tôm đã đến size 20 con/kg, giá 210 ngàn đồng/kg trong ngày 26/8/2021. Theo anh, giá này so với thời điểm giá cao (tháng 5-2021) thì giảm 10 ngàn đồng/kg. Giá tôm size từ 25 con/kg trở lên thì giá ổn định ở mức cao.
Thu hoạch tôm nuôi mô hình công nghệ cao.
“Lợi thế của nuôi tôm công nghệ cao là người nuôi có thể nuôi về size lớn do có thể sang tách ao nhiều giai đoạn. Tôm nuôi ao ương 25 ngày sẽ có thể sang ao thương phẩm và tiếp tục sang tách ao theo các mốc thời gian sau 40 ngày và sau 50 ngày nữa… Mật độ khoảng 50 – 60 con/m2 mới có thể nuôi tôm về size 20 con/kg. Do đó, chỉ nuôi theo mô hình công nghệ cao thì mới có thể tách ao nhiều giai đoạn”, anh Thừa chia sẻ.
Theo Kỹ sư thủy sản Lê Đình Dương (tư vấn người nuôi tôm tại khu vực Thạnh Phú), chi phí cho 1 kg tôm size 50 con khoảng 75 ngàn đồng/kg, nếu giá bán 100 ngàn đồng/kg thì lời khoảng 25 ngàn đồng/kg. Như vậy, phải thu hoạch 24 tấn tôm thì mới có lời khoảng 600 triệu đồng. Còn nuôi tôm công nghệ cao, size 20 con/kg, chi phí từ 85 – 90 ngàn đồng/kg, nếu giá bán 200 – 210 ngàn đồng/kg thì người nuôi có lời 120 – 130 ngàn đồng/kg. Chỉ cần khoảng 5 tấn tôm, người nuôi có lợi nhuận từ 600 triệu đồng trở lên. Do đó, nuôi tôm công nghệ cao có lợi nhuận cao gấp 4 – 5 lần so với nuôi thông thường, nhất là trong điều kiện ảnh hưởng dịch bệnh kéo dài.
“Vua tôm” Bến Tre Đặng Văn Bảy nhận định, nguyên nhân của các biến động về giá tôm như trên là do xu thế các nước xuất khẩu dần chuộng tôm cỡ lớn nhưng do tình hình đại dịch Covid-19 toàn cầu, việc xuất khẩu tôm đang gặp khó khăn. Ảnh hưởng của dịch bệnh và người nuôi tôm ồ ạt thu hoạch sớm ở các size tôm còn nhỏ, khiến giá tôm càng sụt giảm mạnh.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến kéo dài, giá tôm giảm mạnh, khiến người nuôi hầu hết rất lo ngại việc tiếp tục thả tôm vụ mới. Tuy nhiên, theo “Vua tôm” Đặng Văn Bảy, khuyến khích người nuôi nên tiếp tục thả nuôi vì khi hết thời gian thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, tôm nguyên liệu sẽ thiếu, giá tôm trên thị trường sẽ ổn định trở lại.
Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Buội, đối với nuôi tôm nước lợ, các ao tôm nước lợ đang nuôi đạt cỡ tôm thương phẩm từ 100 đến 60 con/kg, môi trường ao, sức khỏe tôm nuôi tốt còn khả năng nuôi về cỡ lớn từ 40 đến 20 con/kg thì không vội thu hoạch. Giai đoạn này cần tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung đầy đủ dinh dưỡng như: men tiêu hóa, Vitamin C, các loại khoáng vi lượng, đa lượng... Tuyệt đối không cho tôm ăn thừa thức ăn và tăng cường phòng bệnh gan tụy, bệnh đường ruột định kỳ trong suốt quá trình nuôi. Nếu có điều kiện nên san thưa để kéo dài thời gian nuôi và nâng kích cỡ tôm lớn sẽ có giá bán tốt hơn. Đối với các ao đang chuẩn bị thả giống tôm nước lợ để nuôi, người nuôi tôm cần chuẩn bị thật kỹ môi trường nước, khi đạt yêu cầu mới tiến hành thả giống (độ mặn trên 10%o, độ kiềm trên 80 mg/l, pH từ 8.0 - 8.5). Trong giai đoạn này, người nuôi tôm nước lợ nên ương giống từ 20 - 25 ngày thả ra nuôi (nếu có ao ương), hoặc thả giống rải vụ (nếu có nhiều ao nuôi). Mật độ thả nuôi đối với tôm thẻ chân trắng trung bình 50 con/m2, tôm sú 15 - 20 con/m2. Người nuôi tôm nước lợ chuẩn bị đầy đủ các vật tư đầu vào như thức ăn, thức ăn bổ sung, nhiên vật liệu… để chủ động trong sản xuất.
Bài, ảnh: Cẩm Trúc
Nguồn: Báo Đồng Khởi