(TSVN) – Theo Nghị quyết số 04-NQ/TU, tỉnh Bến Tre chú trọng các đối tượng nuôi truyền thống có nhiều lợi thế như: tôm thẻ chân trắng, tôm sú, nhuyễn thể. Đồng thời, nghiên cứu phát triển các đối tượng nuôi mới có giá trị cao đáp ứng nhu cầu thị trường.
Là ngành mũi nhọn
Là một trong 28 tỉnh, thành tiếp giáp biển, với lợi thế bờ biển dài 65km, tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển, nổi bật là kinh tế thủy sản. Do đó, ngành thủy sản được tỉnh xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn; trong đó, nuôi tôm nước lợ là ngành chủ lực, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tỉnh.
Theo ông Nguyễn Văn Buội, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bến Tre, hiện nay, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của địa phương được duy trì và phát triển khá ổn định, với hơn 50.000 ha diện tích tiềm năng nuôi thủy sản. Giai đoạn 2021 – 2024, tỉnh khai thác được diện tích nuôi thủy sản 47.800 ha; tổng sản lượng nuôi đạt 329 nghìn tấn, trên 90% sản lượng nuôi có giá trị kinh tế cao, chất lượng tốt phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao được nhân rộng tại nhiều địa phương. Ảnh: BCP
Tỉnh đã xác định thủy sản là một trong 2 ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, lấy đối tượng xuất khẩu làm chủ lực phát triển. Hiện nay, tỉnh tập trung 5 đối tượng nuôi chủ yếu: tôm chân trắng, tôm sú, cá tra, nghêu và tôm càng xanh. Ngoài ra, còn chú ý phát triển một số đối tượng nuôi khác như: cá chẽm, cá điêu hồng, cá rô phi dòng Gift, cua biển và sò huyết.
Trong cơ cấu diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh thì nuôi tôm nước lợ chiếm khoảng 75,3%. Năng suất nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao (CNC) đạt 40 – 60 tấn/ha; thâm canh, bán thâm canh ngày được nâng cao như tôm thẻ chân trắng đạt 12 – 15 tấn/ha, tôm sú 6 – 8 tấn/ha; quảng canh, tôm lúa, tôm – rừng đạt 250 kg/ha. Ước tính giá trị ngành tôm nước lợ của tỉnh chiếm 77% so với tổng giá trị mang lại trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Theo Nghị quyết số 04-NQ/TU, tỉnh Bến Tre chú trọng các đối tượng nuôi truyền thống có nhiều lợi thế như: tôm thẻ chân trắng, tôm sú, nhuyễn thể. Đồng thời, nghiên cứu phát triển các đối tượng nuôi mới có giá trị cao đáp ứng nhu cầu thị trường. Mục tiêu năm 2025, diện tích nuôi toàn tỉnh đạt 41.500 ha, sản lượng 114 nghìn tấn/năm. Đến năm 2030, diện tích nuôi đạt 42.000 ha, sản lượng 150 nghìn tấn/năm.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục rà soát, điều chỉnh vùng nuôi, hình thức nuôi và đối tượng nuôi thủy sản phù hợp với định hướng thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn nuôi thủy sản với chế biến, xuất khẩu. Phát triển các hình thức nuôi ứng dụng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh, môi trường và vệ sinh thực phẩm, tạo ra giá trị sản phẩm hàng hóa lớn.
Đồng thời, đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển các vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại 3 huyện biển. Mặt khác, tỉnh tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, khai thác nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trên cơ sở quy hoạch, tỉnh chủ trương đầu tư phát triển ngành thủy sản chủ lực theo tư duy hệ thống và chuỗi giá trị. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt và là động lực của toàn chuỗi giá trị. Hiện tại, Bến Tre đang triển khai đồng bộ các giải pháp từ cơ chế, chính sách đến đầu tư hạ tầng, phát triển khoa học công nghệ; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, nhất là đầu tư nuôi tôm công nghệ cao và đầu tư nhà máy chế biến tôm,… để nâng cao năng suất, sản lượng và phát triển bền vững.
Thanh Hiếu