Trong những năm gần đây, nuôi tôm biển tại tỉnh Bến Tre nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung gặp không ít khó khăn. Người nuôi tôm luôn phải đối mặt với những thách thức lớn, như: ô nhiễm môi trường, dịch bệnh trên tôm nuôi xuất hiện ngày càng phức tạp, giá thức ăn, thuốc hóa chất tăng, trong khi giá bán tôm nguyên liệu luôn ở mức thấp, chất lượng con giống không cao…
Từ đầu năm đến nay, Bến Tre đã kiểm soát được 3,6 tỷ con tôm giống cung cấp cho người nuôi. Trong đó, di nhập tỉnh đạt 3,1 tỷ con; sản xuất trong tỉnh 500 triệu con. Giống tôm biển di nhập vào tỉnh cung cấp hơn 80% lượng giống cho người nuôi, còn lại khoảng 20% lượng giống sản xuất trong tỉnh. Hiện nay, chất lượng giống đang giảm sút nghiêm trọng do các chủ cơ sở sản xuất giống ít quan tâm đến khâu tuyển chọn tôm bố mẹ. Tôm bố mẹ được sử dụng cho sinh sản nhiều lần, chế độ nuôi vỗ không đúng quy trình kỹ thuật…
Để quản lý tốt giống tôm biển, trong thời gian qua, ngành đã tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
– Tập huấn, tuyên truyền chủ trương, chính sách và các quy định của pháp luật về quản lý giống tôm biển cho các tổ chức, cá nhân biết để thực hiện đúng. Tổng hợp kết quả kiểm dịch hàng ngày của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống trong tỉnh để đăng tải trên trang web của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; định kỳ hàng tuần gửi đến Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 3 huyện biển để thông tin cho người dân biết và lựa chọn con giống có chất lượng tốt.
– Thực hiện công tác kiểm dịch tôm giống nhập tỉnh và sản xuất trong tỉnh, lấy mẫu 100% tôm giống biển nhập tỉnh để tái kiểm tra các bệnh thuộc danh mục bắt buộc phải kiểm dịch.
– Phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập đội kiểm tra liên ngành tỉnh, huyện để thanh tra, kiểm tra các hoạt động di nhập, mua bán và sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh, nhằm quản lý tốt chất lượng giống cung cấp cho người nuôi.
– Tăng cường công tác quản lý giống trong thời gian tạm ngưng vụ nuôi, thực hiện kiểm dịch và giám sát xuất bán tôm biển giống, niêm phong phương tiện vận chuyển đúng theo quy định.
– Đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng sản xuất giống cho các cán bộ kỹ thuật ở các Trại sản xuất tôm giống trong tỉnh,… làm nền tảng cho ngành công nghệ sản xuất giống ngày càng bền vững và hiệu quả.
– Tổ chức tập huấn nâng cao trình độ cán bộ quản lý về bệnh; thực hiện chương trình quản lý dịch bệnh, thông báo, dự báo tình hình bệnh, hướng dẫn người sản xuất quy trình xử lý dịch bệnh.
– Thực hiện công bố chất lượng giống đối với thủy sản, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y thủy sản cho các cơ sở sản xuất giống đủ tiêu chuẩn.
– Liên kết với viện, trường để hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất giống chất lượng và cung ứng các loại giống thủy sản đã được chọn lọc phục vụ nuôi an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm xã hội hóa việc sản xuất giống, đào tạo lực lượng sản xuất tại chỗ và quản lý trại sản xuất giống, góp phần chủ động và đẩy mạnh sản xuất giống về số lượng cũng như chất lượng, đáp ứng yêu cầu của người nuôi, góp phần nâng cao chất lượng giống tôm biển.