(TSVN) – Cá rô phi là một trong hai đối tượng nuôi chủ lực ở nước ngọt ở Việt Nam cũng như trên thế giới, tuy nhiên trong những năm gần đây tình hình dịch bệnh ở cá diễn biến ngày càng phức tạp.
Có nhiều khu vực nuôi xảy ra hiện tượng cá rô phi nuôi chết hàng loạt do sốc môi trường và dịch bệnh; trong đó, nhóm mầm bệnh do virus đã ảnh hưởng lớn đến sản lượng loài cá này hàng năm.
Ảnh: José Gustavo Ramírez-Paredes và cs., 2018
Những năm gần đây, chúng ta thường quan tâm đến bệnh TiLV; tuy nhiên, trên thực tế ngoài dịch bệnh do TiLV, cá rô phi còn bị ảnh hưởng bởi Betanodavirus (gây ra bệnh hoại tử thần kinh do virus – VNN) và bệnh do Iridovirus. Trong đó, bệnh hoại tử thân và lá lách do virus (Infectious Spleen and kidney Necrosis Virus – ISKNV) bởi Megalocytivirus thuộc giống Iridovirus gây ra đã được xác định nguyên nhân chính gây ra tỷ lệ chết cao (60 – 90%) trong các trang trại nuôi loài cá này ở một vài nước trên thế giới. Mặc dù, ban đầu dịch bệnh này được xác định thường xảy ra ở các ao/lồng nuôi cá thương phẩm, nhưng sau này có những nghiên cứu xác định Megalocytivirus là tác nhân chính gây ra hiện tượng chết hàng loạt ở cá rô phi bột và giai đoạn cá hương. Như vậy, Megalocytivirus đã được xác định gây bệnh cho tất cả các giai đoạn phát triển của cá rô phi.
Cá bệnh thường thể hiện một loạt các dấu hiệu lâm sàng, bao gồm cá kém ăn hoặc bỏ ăn, bơi lờ đờ gần mặt nước hoặc bám thành lồng; thân cá bị mất sắc tố hoặc tối sẫm và trên thân có nhiều nhớt; trên da và vây có hiện tượng bị ăn mòn, vẩy có thể bị rụng; mắt mờ đục hoặc lõm, bụng chướng (Hình 1). Khi tiến hành giải phẫu cơ quan nội tạng, cho thấy xoang bụng chứa nhiều dịch trong, các cơ quan sưng to và xuất huyết bao gồm lá lách, tim, não, mang, nhưng đáng chú ý nhất là gan và thận. Đường tiêu hóa không có thức ăn chứa nhiều dịch trong suốt tương tự dịch ở xoang bụng.
Hiện nay chưa có phương pháp hiệu quả để ngăn chặn bệnh do virus nói chung và ISKNV một khi bệnh bùng phát. Đặc biệt, một số trường hợp xảy ra hiện tượng ghép bệnh giữa ISKNV với các bệnh do vi khuẩn gây lên như bệnh xuất huyết do Streptococcus sp [José Gustavo Ramírez-Paredes và cs., 2018].
Vì vậy, mọi giải pháp để kiểm soát bệnh này là tập trung vào công tác phòng bệnh, bao gồm: Thực hiện triệt để công tác an toàn sinh học trong nuôi cá rô phi (kiểm tra mầm bệnh ISKNV trước khi thả giống); Tăng cường sức đề kháng cho cá bằng vitamin và các hoạt chất tăng cường hệ miễn dịch của cá; Giảm thiểu tối đa các hiện tượng sốc do môi trường, do đánh bắt và vận chuyển cá… hoặc sốc do mật độ nuôi cao [OIE, 2018].
>> Bệnh tích bên ngoài và dấu hiệu lâm sàng ở cá rô phi sông Nile bị bệnh ở hồ Volta. A – Một con cá đang trưởng thành có biểu hiện gầy mòn, bụng trướng nhẹ (mũi tên), mắt nõm (đầu mũi tên trái) và da có nhiều chất nhầy (đầu mũi tên phải). B – Cá bị bệnh vi mô đầu mũi tên trái), xuất huyết da (đầu mũi tên giữa) và loét da (đầu mũi tên phải). C – cá hương bị đi ngoài ra máu (đầu mũi tên trái), chướng bụng (mũi tên) và mất vảy, nhiều chất nhầy và xuất huyết (đầu mũi tên phải). D – Nhìn toàn cảnh cá con có biểu hiện cổ trướng nặng mũi tên đen và xuất huyết da (đầu mũi tên). |