Bí quyết để có vụ nuôi thắng lợi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – NTTS nói chung, nuôi tôm nói riêng hiện vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn rủi ro từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh… Theo đó, để có được những vụ mùa thành công là điều mà các hộ nuôi mong đợi. Cùng lắng nghe chia sẻ đến từ các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp trong việc tìm ra giải pháp giúp nâng cao hiệu quả nuôi trồng và phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ninh Thuận

Chú trọng giải pháp nâng cao chất lượng tôm giống

Để nâng cao chất lượng tôm giống phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân trong tỉnh cũng như các địa phương khác, Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh có cơ chế khuyến khích các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ liên kết thành những cơ sở doanh nghiệp lớn, đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng các quy trình công nghệ tiên tiến để tạo ra con giống chất lượng tốt; đồng thời, vận động các cơ sở liên kết hỗ trợ nhau về kỹ thuật, vốn, thị trường, xây dựng thương hiệu mạnh để nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh. Triển khai có hiệu quả Nhãn hiệu chứng nhận tôm giống Ninh Thuận và nâng cao nhận thức cơ sở sản xuất về Sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm tôm giống sản xuất tại Ninh Thuận. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo xây dựng dự án và tìm kiếm nguồn lực đầu tư nâng cấp, mở rộng Khu sản xuất giống thủy sản tập trung An Hải (Ninh Phước) và Nhơn Hải (Ninh Hải) thành khu sản xuất hiện đại, ứng dụng các công nghệ tiên tiến.

 

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu

Cần có quy trình nuôi hiệu quả hơn cho mô hình tôm - lúa

Hiện nay, tỷ lệ sống của tôm nuôi theo mô hình tôm - lúa là rất thấp. Các kết quả khảo sát của Khoa Thủy sản, Trường ĐH Cần Thơ cho thấy, chưa tới 30% nên năng suất tôm nuôi thường rất thấp. Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là chất lượng con giống, điều kiện hạ tầng ao nuôi, quy trình nuôi… Đa số mô hình tôm - lúa dành rất ít diện tích đất để làm ao chứa, xử lý nước nhằm cung cấp đủ nước cho ao nuôi khi cần thiết. Mực nước trên mặt trảng ao nuôi cũng rất thấp, phổ biến chỉ 40 cm, trong khi yêu cầu kỹ thuật là phải từ 60 cm trở lên. Về quy trình nuôi, hầu hết không có bổ sung thức ăn trong khi mật độ nuôi lại rất cao (trừ hao tỷ lệ chết). Vì vậy, để nâng cao năng suất, hiệu quả mô hình này, cần đúc kết, hướng dẫn lại quy trình kỹ thuật nuôi từ khâu hạ tầng cho đến chọn giống, ương dưỡng, xử lý nước…

Ông Nguyễn Duy Nhân, Giám đốc Marketing, Tập đoàn Việt Úc

Kiểm soát tốt chi phí đầu tư

Khi bắt đầu một vụ nuôi người dân cần xác định được mục tiêu cuối cùng của một vụ nuôi thành công là gì. Hiệu quả sản lượng cao, giá tốt, hay tôm về được kích cỡ lớn? Và điều quan trọng nhất vẫn là: Làm sao để có lợi nhuận cao hơn. Một trong những bí quyết thành công để tối ưu hóa lợi nhuận đó chính là việc cân đối, tiết kiệm các khoản chi phí đầu tư. Tổng chi phí thức ăn một vụ nuôi phụ thuộc vào các yếu tố cơ bản như: Chất lượng tôm giống, chất lượng thức ăn, cách cho ăn, chất lượng nước nuôi và đặc biệt là mô hình nuôi; trong đó chi phí thức ăn chiếm trên 50%. Do đó, quản lý tốt hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) đóng vai trò quan trọng, không chỉ giúp tiết kiệm chi phí thất thoát do lãng phí nguồn thức ăn dư thừa, mà còn tránh các tác động xấu đến sức khỏe tôm nuôi, dịch bệnh hay tác động tới môi trường. Hay với chi phí tôm giống đầu vào, đây chỉ là một khoản chi phí rất nhỏ chiếm bình quân 7 - 8% tổng giá thành sản xuất; nhưng con giống chất lượng cao lại là yếu tố then chốt, ảnh hưởng lớn đến thành bại của một vụ nuôi. Việc lựa chọn tôm giống tốt sẽ giúp tôm phát triển khỏe mạnh, tăng trưởng tốt, đạt đầu con hơn, từ đó sẽ không cần tốn quá nhiều chi phí khác. Đặc biệt, tôm giống của các tập đoàn hàng đầu đã có sự nghiên cứu, đầu tư kỹ và đảm bảo sự đồng đều, ổn định về chất lượng giúp người nuôi an tâm hơn.

 

Ông Trần Quang Duy, Giám Đốc Điều hành Công ty TNHH Thần Vương 

Tối ưu chi phí, gia tăng lợi nhuận cho người nuôi

Theo đó, các giải pháp mà chúng ta cần lưu ý: Đối với người nuôi: Chọn và đầu tư cho mình mô hình nuôi tối ưu nhất bằng các hình thức vốn khác nhau: trong những năm gần đây và ngay tại thời điểm hiện tại, nuôi tôm ao lót bạt đang là xu thế, sẽ giảm rủi ro dịch bệnh và mang lại thành công cao nhất. Chọn đối tác đầu tư vốn: có thể sử dụng đòn bẩy tài chính từ nhà phân phối hoặc ngân hàng thông qua các tổ chức - liên doanh mới. Nghĩa là các nhà cung cấp sẽ cung cấp giải pháp và đầu tư hạ tầng với cam kết sử dụng dịch vụ trọn gói: con giống, thuốc, thức ăn, dịch vụ kỹ thuật (miễn phí). Cập nhật kỹ thuật, công nghệ sản phẩm luôn là yếu tố quan trọng nhằm chuẩn bị và đối phó các tình huống dịch bệnh, định hướng cho tiết giảm chi phí, nhưng vẫn mang lại thành công, lợi nhuận tốt. Trực tiếp kiểm soát tốt rủi ro, tránh chạy theo quy mô hay mật độ thả, dựa trên tiêu chí: khả năng tài chính, nhân lực, điều kiện tự nhiên tại vùng nuôi, hạ tầng đầu tư, kinh nghiệm kỹ thuật. Thời điểm thả nuôi là yếu tố rất quan trọng đối với người nuôi tôm: điều đầu tiên nhất là cố gắng lựa chọn thời điểm thời tiết khá thuận lợi để nhằm giảm bớt các rủi ro dịch bệnh bùng phát, cũng như tạo thêm thuận lợi cho vụ mùa thành công. Nâng cao trách nhiệm cộng đồng để bảo vệ môi trường, giảm rủi ro dịch bệnh cho vùng nuôi. Đối với nhà phân phối: Đồng hành và chọn lựa các đối tác giá trị và có chất lượng, cùng nhau thực hiện giải pháp tối ưu, giảm giá cho khách hàng nuôi, trong điều kiện rất nhiều liên doanh mới hình thành và môi trường kinh doanh số hóa hiện này. Linh động trong việc điều chỉnh mô hình kinh doanh để theo kịp sự thay đổi của thị trường: liên kết chặt chẽ với các nhà cung cấp vật tư, ngân hàng, đối tác tài chính để gia tăng lợi nhuận cho khách hàng nuôi bằng cách: cập nhật kỹ thuật nuôi tiên tiến, sản phẩm mới, quy trình nuôi thành công, thực hiện bảo lãnh vay vốn cho người nuôi nhằm giảm giá thành sản phẩm, vật tư.

Ông Lê Tấn Trí, Công ty TNHH Sản xuất giống Thủy sản Tuấn Hà 

Chú trọng khâu chăm sóc, quản lý

Theo đánh giá tình hình nuôi tôm nước lợ ngày càng gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ nuôi thành công vẫn thấp đối với nhiều hộ dân nhỏ và lẻ. Theo đó, để bắt đầu mùa vụ mới thành công hơn, người nuôi cần chú trọng đến một số vấn đề. Đầu tiên là thời tiết, người nuôi nên lựa chọn thời điểm xuống giống phù hợp. Để giảm thiểu biến động nhiệt độ tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát, khung lịch mùa vụ đối với TTCT bắt đầu từ giữa tháng 2 cho đến cuối tháng 8 âm lịch. Yếu tố tiếp theo là cải tạo và xử lý môi trường. Loại bỏ các mầm bệnh, tránh để lây lan các mầm bệnh hiện có trong ao nuôi. Xử lý nguồn nước mới loại bỏ các mầm bệnh đến từ bên ngoài và các yếu tố gián tiếp lây nhiễm. Điều cuối cùng là thay đổi và áp dụng các kỹ thuật tiên tiến cho vụ nuôi thành công hơn. Người nuôi nên tham khảo các quy trình và ứng dụng mới để áp dụng vào mô hình nuôi và kèm theo đó là lựa chọn con giống phù hợp với quy trình nuôi góp phần tạo hiệu quả tối ưu.

Nhóm PV

Thực hiện

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!