T2, 06/07/2020 11:11

Biển gọi

Chưa có đánh giá về bài viết

Ba má không chọn nghề cá khi cho Lê Văn Sang đi học ngành du lịch. Nhưng có lẽ do cái nghiệp, anh cử nhân trẻ theo cha đi biển chơi (năm 2010) rồi không bỏ được biển. Chỉ khác ông và cha, Lê Văn Sang ra biển với cách nhìn của một doanh nhân.

Con tàu khủng

Dài 26,3 m, cao và rộng hơn 6 m, tàu dịch vụ ĐNa 90444 TS do Lê Văn Sang (sinh năm 1985, trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) làm chủ, là một tàu gỗ khủng. Theo Sang, để có nó phải tốn 100 m3 gỗ kiền kiền loại tốt nhất, cùng 15 thợ giỏi làm việc 3 tháng liền. Sang cho lắp 3 máy tàu hiệu Mitsubishi với tổng công suất 1.200 CV, nó đủ sức cõng 160 tấn hàng trong 27 khoang tàu, đồng thời chịu được sóng cấp 7 – 8.

Chưa ra khỏi cửa biển, máy bộ đàm đã réo: “Tới đâu rồi, 97 (mã riêng tàu ĐNa 90444 TS, ngư dân dùng gọi nhau), mấy giờ thì tới? Ông mà ra muộn, ươn cá tui đó nghe”. Buổi tối biển Hoàng Sa bao trùm màu xanh đen. Biển êm, tàu mở 3 máy chạy 15 hải lý/giờ. Sau hơn 7 giờ, tàu đã tới tọa độ 17,09 E – 109,40 N, cách đất liền 104 hải lý, kịp hẹn với tàu TH 90097 TS.

Lúc này đã hơn 1 giờ sáng. 15 thuyền viên trên tàu đã xắn tay áo chuẩn bị tiếp đá, tiếp dầu cho tàu bạn. Tàu TH 90097 công suất 350 CV, với 20 ngư dân. “Mẻ lưới được đánh xuống từ 3 giờ chiều qua, đã kéo lên từ đầu giờ tối. Mệt rã người nhưng vui, mấy chục tấn cá”, chủ tàu TH 90097 kể. Sau khi 200 cây đá cùng 30 thùng dầu được đưa sang tàu TH 90097, Lê Văn Sang mua của tàu bạn 10 tấn cá nục suôn. 40 ngư dân trên hai tàu cùng nhau dùng tấm bạt to kéo trải trên hai mạn tàu dùng ròng rọc kéo cá từ TH 09907 sang tàu Sang. Thêm hơn 1 giờ vật nhau với cá, chục tấn cá đã nằm yên trong kho lạnh tàu dịch vụ, hai bên đều hồ hởi.

 

Tàu hậu cần ĐNa 90444 TS tiếp đá, nguyên liệu và thu mua thủy sản cho tàu bạn – Ảnh: Đình Thiên

“Cứu bồ”, “lãi ở cái tình”

Đi thêm 20 hải lý, tàu Sang gặp tàu QB 91211TS do Nguyễn Văn Nam làm chủ. Nhảy qua tàu Nam, thấy cá xấu quá nhiều; không trong kế hoạch nhưng Sang vẫn mua 8 tấn cá trích với giá 22 triệu đồng. Nam vui vẻ: “Gặp luồng cá trích cần tàu ra mua nhanh vì sợ để lâu nó hỏng nhưng đợi hoài vẫn chưa thấy tàu hậu cần của Huế ra. Cũng may có tàu ông ấy, không thì cá hư hết, vô bờ chỉ bán làm mắm 300 – 400 đồng/kg, lỗ sặc máu”. Chia tay tàu QB 91211 TS, Sang tâm sự: “Cú này mua giúp nhau thôi, không lãi đồng nào, nhưng lãi ở cái tình”.

Không kịp dọn xong lô cá, tàu lại phóng đi thật nhanh. “Cứu bồ”, Sang nói, đành vừa chạy vừa xếp cá vào khoang, trong sóng phủ lên rào rào. Tàu bạn cách 80 hải lý đang lệch mạn vì… cá. Gần tới tàu QB 90067 TS, thấy ớn thiệt, tàu đã bị nghiêng về trái, mạn tàu chỉ cách mặt nước chừng 0,5 m. Mất mấy vòng quần, hơn nửa giờ, tàu dịch vụ của chúng tôi mới áp mạn được tàu bạn. Tung xong cái bạt nối, mấy chục anh em cả hai tàu cùng nhảy lên reo. Cứu được mấy chục tấn cá, gần 200 triệu  đồng.

Chủ tàu QB 90067 kể: Tàu đóng mới 3 tháng, trị giá hơn 6 tỷ đồng, đang gồng lưng trả nợ, đồng tiền quý lắm. Cũng cậy tàu mới, lưới ngon mà liều “ôm” hết mẻ cá này, cũng trông vào “lão” (Lê Văn Sang) này nữa”. Tháng này tàu anh làm được gần được 1 tỷ đồng rồi, có tàu dịch vụ không phải chạy ra chạy vào, giữ được mạch cá.

 

Truyền lửa và giấc mơ nghề

Đã gần 90 tuổi nhưng cụ Lê Điệp (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) trông vẫn rắn rỏi. Đời cụ gắn liền với biển. Cụ khởi nghiệp với cái thúng nhỏ ra biển bán vài gói thuốc, ít rau xanh… cho tàu cá gần bờ. Bất kể nắng mưa, còn tàu trên biển là cụ còn chưa về. Mấy chục năm như thế, đến năm 1982, cụ có con tàu 20 CV truyền lại cho con trai (Lê Mến) kèm lời dặn: “Con hãy ráng giữ nghề. Phải làm sao cho bà con đánh cá trên biển luôn thấy cần con”. Với vốn liếng con tàu rất lớn vào ngày ấy và khoản vốn lớn hơn nữa là lòng tin của ngư dân, ông Lê Mến tiếp nghiệp cha và mở rộng, không chỉ bán lương thực, thực phẩm mà còn cung cấp dầu, đá và mua luôn cá cho ngư dân. “Họ luôn mong có người cung cấp dầu, đá và mua sản phẩm của họ ngay trên biển. Tôi đã đáp ứng điều đó. Nhiều lúc rất khó khăn, thua lỗ dài, nhưng kiên trì rồi cũng ổn. Gần 20 năm nối nghề cha, ông Mến đã có tàu 350 CV. “Để cõng thật nhiều, không phụ lòng bà con trên biển, mà mình cũng thêm lãi”, ông nói.

Năm 2010, Lê Văn Sang bắt đầu ra biển cùng cha, không ít lần thấy ngư dân đổ cá đi vì không tải hết. “Cá có giá trị nhưng mau hư, phải đổ đi, chỉ vì không biết bán ngay cho ai. Mỗi lần thấy vậy, tôi tiếc hoài” – Sang tâm sự. Anh bàn với ba và ông nội (Lê Điệp) cho đóng mới thêm con tàu có công suất lớn hơn, có thể chạy từ Đà Nẵng ra Hoàng Sa mua cá rồi quay lại bờ trong 4 ngày. Tàu 1.200 CV, lớn bậc nhất miền Trung ra đời, trở thành trụ cột của cụm mấy chục tàu cá trên vùng biển Hoàng Sa. Không dừng ở mức gia đình, Lê Văn Sang chủ trì lập Tổ hợp tác dịch vụ hậu cần nghề cá số 1 của Đà Nẵng; thêm nhiều tàu bạn góp sức, mỗi tháng mua hơn 700 tấn cá.

Đầu tháng 7/2014, tổ hợp tác của Sang đã nhận tàu sắt SANG FISH 01, trong loạt tàu sắt hiện đại đầu tiên của cả nước, để bổ sung vào đội tàu. Ngày 13/8/2014, chúng tôi có mặt ở cảng cá Thọ Quang, con tàu mới đang chuẩn bị ra khơi chuyến đầu tiên.

>> Lê Văn Sang cũng chuẩn bị cho một hành trình mới, đi Nhật học thêm về nghề cá; đồng thời đóng con tàu nữa khủng hơn. “Phải thay đổi. Phải hình thành chuỗi sản xuất tinh giản trên biển, để đưa về con cá ngon nhất, bán được giá cao nhất. Phải đảm bảo được đời sống anh em ngư dân theo mình. Mong một ngày không xa, mình sẽ mua bảo hiểm xã hội được cho các thuyền viên, để về già họ có lương hưu”, anh nói.

Đình Thiên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!