Bình An báo động sóng gió

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thuỷ sản Việt Nam) – Thông tin về nợ của Công ty CP Thủy sản Bình An (Công ty Bình An) ở Cần Thơ những ngày qua, như một lời báo động với ngành thủy sản.

Nợ nần

Theo báo cáo ngày 17/3 của Công ty Bình An, tổng số nợ 1.275 tỷ 265.416.711 đồng. Gồm nợ tiền cá của dân và 9 ngân hàng, với 930 tỷ 426.747.711 đồng và 16.420.889 USD. Ngày 23/3, trả lời báo chí, Tổng Giám đốc Trần Văn Trí cho biết, đã bán mấy khu đất giảm nợ ngân hàng khoảng 200 tỷ đồng và trả 16 tỷ đồng cho nông dân, hạ tổng số tiền nợ xuống còn khoảng 1.000 tỷ đồng.

 

Nhà máy chế biến cá của Công ty Bình An

 

Hơn 40 hộ nuôi cá còn bị Công ty Bình An nợ gần 250 tỷ đồng. Người ít mấy trăm triệu, người nhiều mấy chục tỷ đồng, và đây là món nợ đang gây bức xúc xã hội lớn nhất. Ông Thái Bá Thi, người nuôi cá ở Thốt Nốt (Cần Thơ), cho biết, ông bán cá cho Công ty Bình An hơn 12 tỷ đồng, trong nửa năm đi đòi tiền 66 lần, 33 lần được thanh toán và hiện còn bị nợ hơn 2 tỷ đồng. “Tôi cũng nợ nhiều người khác từ đại lý giống, thức ăn thủy sản, thuốc thú y và liên tục bị đòi xiết nợ nhà cửa, rất khổ tâm”, ông Thi nói.

Công nhân của Công ty Bình An cũng khốn đốn trong vòng vây nợ nần. Hồi tháng 2, tháng 3 bị nợ lương và nhiều người trở thành con nợ từ chủ nhà trọ đến bà bán gạo, bán rau. Khi được trả lương lại không có bao nhiêu vì ngày lao động ít và từ đầu tháng 3, nhà máy tạm ngừng hoạt động, hơn 2.400 công nhân hợp đồng dài hạn và hàng nghìn công nhân thời vụ mất việc làm.

Vòng nợ nần khó gỡ đang làm lãng phí nguồn nhân lực, khó nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân, là cản trở lớn nhất với sự phát triển ngành thủy sản hiện nay. Ông Nguyễn Định Cường, đại diện quản trị thông tin truyền thông đại chúng của Công ty Bình An, cho biết, vì sản xuất thiếu ổn định nên công nhân thích thì đến làm việc, không thích cuối tuần nhận lương xong là đi nơi khác. Lại có lớp công nhân là sinh viên, học sinh chỉ làm 3 tháng hè, chủ yếu học nghề với lương tháng 700.000 đồng, cơm ngày ba bữa nhưng thành nghề lại biến mất.

 

Viện Nghiên cứu Thủy sản Bình An

 

Vấn đề nhân lực thủy sản, Tổng cục Thủy sản đầu năm 2012 đã cảnh báo “thiếu lực lượng lao động có tay nghề (…). Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản trong vùng cũng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề nhân lực”.

 

Cản trở

Năm 2005, Công ty Bình An khởi công xây dựng nhà máy chế biến tại lô 2.17, khu công nghiệp Trà Nóc 2, TP Cần Thơ. Sau một năm xây dựng, đi vào hoạt động với công suất chế biến ban đầu 250 tấn cá tra nguyên liệu/ngày, sau tăng lên 300 tấn và năm 2008 hoàn chỉnh 500 tấn. Bên cạnh là xưởng phụ phẩm, nhà máy nước mắm. Hai khu nuôi cá tra, tổng diện tích khoảng 100 ha. Năm 2009, thành lập Bianfishco USA vốn 90 tỷ đồng. Năm 2010, tháng 7 khánh thành viện nghiên cứu 111 tỷ đồng, tháng 8 hoàn thành kho lạnh 10.000 tấn, tháng 12 hoạt động nhà máy sản phẩm giá trị gia tăng 3.000 tấn/năm. Tháng 6/2011, khánh thành nhà máy sản xuất nước uống collagen trị giá 145 tỷ đồng.

 

Công ty Bình An khánh thành nhà máy sản xuất nước uống collagen ngày 30/6/2011      Ảnh: Sáu Nghệ

 

Đầu tư lớn, phân tán, khi có chính sách thắt chặt tiền tệ và lãi suất tiền vay tăng, Công ty Bình An đã gặp phải khó khăn tức thì và ngày thêm trầm trọng. Tổng Giám đốc Trần Văn Trí cho biết, một số công trình mở rộng không đạt hiệu quả kinh tế như mong muốn. Hiện nay, phải cơ cấu lại, rút văn phòng ở Mỹ, tạm dừng nhà máy sản xuất nước uống collagen, thu hẹp hoạt động của viện nghiên cứu.

Qua đó, lại thấy rõ, nhà máy sản phẩm giá trị gia tăng (GTGT) rất được kỳ vọng đã bị chìm lấp giữa nhiều công trình khác “hoành tráng” mà kém hiệu quả. Kỳ vọng phát triển sản phẩm GTGT để nâng cao giá trị cá tra, có ý nghĩa không chỉ với Công ty Bình An mà còn với cả ngành sản xuất và chế biến cá tra. Tổng cục Thủy sản cho biết, khoảng 100 cơ sở chế biến cá tra ở ĐBSCL “phần lớn vẫn chế biến ra sản phẩm thô sơ chế, tỷ lệ hàng GTGT thấp nhất trong tất cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực (1-5% sản phẩm GTGT) nên hiệu quả kinh tế chung chưa cao”.

Báo động khẩn thiết từ Công ty Bình An chính là việc đầu tư thiếu trọng điểm, thiếu tập trung, không thúc đẩy phát triển sản xuất đi vào chiều sâu, ngược lại còn cản trở sự phát triển. Tại sao các ngân hàng cho Công ty Bình An vay quá nhiều tiền để đầu tư không hiệu quả? Các công cụ kiểm tra, giám sát của ngân hàng và nhiều cơ quan khác ở đâu? Mọi tài sản đều là nguồn lực quốc gia, sử dụng không hiệu quả sẽ gây thiệt hại cho xã hội.

>>  Chế biến tôm cũng đang gặp nhiều khó khăn. Tỉnh Cà Mau có nhiều tôm nhất nước, dự kiến năm 2012 xuất khẩu 1 tỷ USD, ông Lý Văn Thuận, Thư ký Hiệp hội Chế biến Tôm xuất khẩu Cà Mau, cho biết: “Cà Mau có 34 nhà máy chế biến tôm xuất khẩu hoạt động chỉ khoảng 40% công suất nhưng lại không đều. Những doanh nghiệp có vốn, trả tiền sớm mới mua được tôm, công nhân có việc làm. Những doanh nghiệp thiếu vốn, không mua được nguyên liệu, công nhân thiếu việc làm. Đại bộ phận công nhân chế biến thủy sản Cà Mau hiện nay thiếu việc làm, lương thấp, đời sống khó khăn”.

Tiến Hưng

 

            Sáu Nghệ

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!