(TSVN) – Theo Kế hoạch chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái, tỉnh Bình Định sẽ thực hiện phân loại, chuyển đổi và cắt giảm đội tàu cá hoạt động vùng bờ, vùng lộng và tàu làm nghề lưới kéo.
Toàn tỉnh Bình Định hiện có 5.310 chiếc. Trong đó, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên hoạt động vùng khơi 3.240 chiếc (chiếm 61,02%); tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 đến dưới 15 m hoạt động vùng lộng 847 chiếc (chiếm 15,95%) và tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 đến dưới 12 m hoạt động vùng bờ 1.223 chiếc (chiếm 23,03%).
Bình Định có một số nhóm nghề khai thác có tính xâm hại nguồn lợi thủy sản cao cần phải nghiên cứu để chuyển đổi sang các nghề thân thiện với môi trường khác hoặc cần có chính sách hỗ trợ để “xả bản” nhằm giảm cường lực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Cụ thể, tàu cá hoạt động vùng bờ và vùng lộng. Đội tàu này có số lượng lớn và thường sử dụng lưới có kích thước mắt lưới tương đối nhỏ nên khai thác được nhiều cá con và hoạt động không hiệu quả; Nghề lưới kéo – được coi là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và nguồn lợi thủy sản.
Tỉnh Bình Định sẽ chuyển đổi hoạt động nhiều tàu cá nhằm từng bước cân bằng cường lực khai thác. Ảnh: Văn Chương
Theo kế hoạch, giai đoạn đến năm 2025, tỉnh sẽ chuyển đổi 342 tàu cá hoạt động ở vùng biển ven bờ, vùng lộng đang làm khai thác hải sản có tính xâm hại nguồn lợi thủy sản cao (gồm nghề lưới kéo (giã cào), lưới lồng, nghề ngư cụ kết hợp ánh sáng) sang các nghề khai thác hải sản khác có ảnh hưởng ít hơn (218 chiếc) hoặc sang các ngành nghề khác ngoài khai thác hải sản (124 chiếc).
Giai đoạn từ năm 2026 – 2030, chuyển đổi 198 tàu cá hoạt động ở vùng lộng và vùng khơi đang làm nghề lưới kéo và nghề câu mực kiêm lưới mành sang các nghề khai thác hải sản khác có ảnh hưởng ít hơn (133 chiếc) hoặc sang các ngành nghề khác ngoài khai thác hải sản (65 chiếc).
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tổ chức tập huấn, đào tạo nghề cho 1.000 ngư dân có tàu cá chuyển đổi nghề phù hợp với nghề chuyển đổi mới (kể cả ngư dân bị ảnh hưởng bởi chuyển sang lĩnh vực khác ngoài khai thác hải sản và ngư dân chuyển đổi sang nghề khai thác khác).
Theo UBND tỉnh Bình Định, mục tiêu của việc chuyển đổi này là để từng bước cân bằng lại cường lực khai thác phù hợp với khả năng phục hồi tái tạo nguồn lợi thủy sản; từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả đội tàu cá trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi; cải thiện môi trường làm việc và đảm bảo 100% ngư dân chuyển đổi nghề có việc làm ổn định, thu nhập đảm bảo cuộc sống sau khi chuyển đổi nghề, góp phần khắc phục cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu.
Hồng Hà