T2, 06/07/2020 09:47

Bình Định: Đẩy mạnh công tác quan trắc môi trường

Chưa có đánh giá về bài viết

(Tạp chí Thủy sản VN) – Hoạt động quan trắc môi trường (QTMT) vùng nuôi do Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Bình Định triển khai, nhằm cung cấp các đánh giá về diễn biến chất lượng nước từ môi trường chung của từng vùng được quan trắc, nhằm đề xuất các giải pháp xử lý kịp thời.

Cơ sở khoa học của hoạt động QTMT

Địa điểm: Để đánh giá chất lượng nước tại các điểm quan trắc có độ tin cậy cao và khách quan thì việc lựa chọn địa điểm quan trắc có tính chất đại diện của một vùng: chung chế độ thủy văn, nguồn nước và dễ tiếp cận thu mẫu. Trên cơ sở đó triển khai thực hiện (QTMT) vùng nước nuôi trồng thủy sản ở vùng bờ biển, vùng đầm nước lợ tại các huyện, thành phố ven biển với 10 điểm lấy mẫu quan trắc, cụ thể: 4 vị trí đại diện cho môi trường nuôi đầm Thị Nại; 3 vị trí đại diện cho môi trường nuôi đầm Đề Gi; 1 vị trí đại diện cho môi trường nuôi trên cát huyện Phù Mỹ; 2 vị trí đại diện cho môi trường nuôi cửa sông huyện Hoài Nhơn.

QTMT để đảm bảo chất lượng môi trường trong nuôi trồng TS                Ảnh: Phan Thanh Cường

 Thời gian và chỉ tiêu quan trắc: Thực hiện QTMT bắt đầu từ lúc chuẩn bị vụ nuôi đến khi kết thúc (từ 1 đến tháng 10), theo con nước thủy triều trong tháng, với tần suất 2 lần/tháng vào thời điểm gần đỉnh triều. Theo dõi chất lượng con nước, bao gồm: Mẫu thuỷ sinh (thực vật phù du), mẫu thủy lý, thủy hóa (độ mặn, pH, COD, độ kiềm, NO2-N, NO3-N,  NH3-N , PO4), vi khuẩn Vibrio.

Kết quả quan trắc: Việc phân tích các mẫu nước quan trắc được thực hiện trong phòng thí nghiệm bởi các chuyên viên kỹ thuật của chi cục nuôi trồng thủy sản, cho kết quả có độ chính xác cao. Thông qua tổng hợp và phân tích số liệu, chi cục đã đề xuất các biện pháp kỹ thuật đối với từng kết quả quan trắc. Về lâu dài, đây là cơ sở xây dựng dữ liệu kết quả phân tích chất lượng môi trường nước, dự báo chất lượng nước phục vụ NTTS nhằm hỗ trợ tích cực cho phong trào nuôi tôm bền vững của tỉnh.

  

Mối quan hệ hữu cơ

Thông tin kịp thời kết quả QTMT: Chi cục phối hợp với Đài Truyền hình (trong chuyên mục “Nông nghiệp và phát triển nông thôn”), bản tin “Sản xuất và thị trường nông lâm sản và thủy sản”, do Sở NN&PTNT Bình Định phát hành, thông báo kết quả quan trắc để thông tin trực tiếp đến người nuôi. Đồng thời, gửi kết quả quan trắc cho Phòng NN&PTNT, phòng Kinh tế các huyện, thành phố có vùng nuôi. Tùy vào kết quả quan trắc mà Chi cục khuyến cáo người nuôi những lưu ý trong quản lý, chăm sóc môi trường ao nuôi theo từng giai đoạn phát triển của tôm nuôi (ao chuẩn bị nuôi, đang nuôi, đã và đang chuẩn bị thu hoạch) cho phù hợp với diễn biến chất lượng nước. Bên cạnh đó, Chi cục còn đề xuất giải pháp xử lý chất thải theo hướng thân thiện môi trường.

Tổng kết, rút kinh nghiệm: Để nâng cao hiệu quả phục vụ người nuôi thủy sản tốt hơn, ngày 19/11/2011, Chi cục tiến hành tổ chức Hội nghị Tập huấn cộng tác viên QTMT năm 2010. Hội nghị đã báo cáo tổng kết QTMT nước NTTS năm 2010, phương pháp quan trắc, thảo luận, góp ý của các cộng tác viên quan trắc, đặc biệt là rút kinh nghiệm trong công việc, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình phổ biến thông tin nhanh chóng, chính xác, thông qua chi hội, nhóm cộng đồng nuôi tôm để thông tin đến với người nuôi kịp thời.

Hy vọng, mối quan hệ hữu cơ giữa phong trào NTTS và kết quả của hoạt động QTMT (chất lượng con nước đầu vào) sẽ thể hiện ngày càng tích cực để có sự đồng thuận của người nuôi tôm trong thời gian tới, nhằm hỗ trợ phong trào nuôi tôm Bình Định phát triển theo hướng bền vững.

 

Diện tích nuôi  tôm nước lợ ở Bình Định tập trung 3  vùng triều của Đầm Thị Nại, Đề Gi, cửa sông huyện Hoài Nhơn (cửa Tam Quan và An Vũ) và vùng ven biển. Trao đổi nước với môi trường chung là hoạt động thường xuyên và bắt buộc đối với các ao nuôi thủy sản. Do vậy, chất lượng nước đầu vào (từ đầm, biển) là yêu cầu hết sức cần thiết đối với người nuôi tôm nước lợ dưới nhiều hình thức.

 

Phạm Thanh Nhân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!