Sáng 31/10, Ủy ban nghề cá Nghị viện châu Âu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và công tác triển khai các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về IUU trên địa bàn tỉnh này.
Đoàn công tác làm việc với UBND tỉnh Bình Định
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, báo cáo với Đoàn Ủy ban nghề cá Nghị viện châu Âu tổng quan về công tác quản lý khai thác thủy sản tại Bình Định.
Để triển khai chống khai thác IUU và các khuyến nghị của EC, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành 13 văn bản, Sở NN&PTNT ban hành 16 văn bản tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC.
Năm 2018, Bình Định đã quyết liệt xử lý tàu cá vi phạm khai thác trái phép. Tàu cá nào vi phạm, chủ tàu bị thu hồi giấy phép khai thác; công bố danh sách tàu cá vi phạm lên trang thông tin của Bộ NN&PTNT; tổ chức kiểm điểm và công bố danh sách tàu cá, chủ tàu và thuyền viên vi phạm trên Đài Phát thanh của địa phương; chuyển hồ sơ tàu vi phạm cho cơ quan chức năng để tiếp tục thu thập chứng cứ; xử lý hành vi vi phạm của chủ tàu và thuyền trưởng. Lãnh đạo các xã: Cát Minh, Cát Tiến (huyện Phù Cát); Hoài Thanh, Hoài Hương, Tam Quan Nam, Tam Quan Bắc và Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn); Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) để xảy ra vi phạm đã bị kiểm điểm. Đặc biệt, UBND tỉnh Bình Định đã kiểm điểm trách nhiệm cá nhân hai lãnh đạo huyện Phù Cát và Hoài Nhơn, những địa phương để xảy ra vi phạm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu đã trả lời cụ thể những vấn đề mà các nghị sĩ EC đặt ra tại buổi làm việc. Ông Trần Châu khẳng định, sau khi EC phạt “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, tỉnh Bình Định đã có nhiều nỗ lực để thực hiện các khuyến nghị của EC, chống đánh bắt IUU. “Chúng tôi hy vọng đến 1/1/2019, EC sẽ gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam”, ông Châu nói.
Đoàn công tác làm việc với UBND tỉnh Bình Định
Sau khi làm việc với UBND tỉnh Bình Định, Đoàn công tác của EC đã đi kiểm tra, giám sát việc thực hiện chống đánh bắt IUU và các khuyến nghị của EC tại Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định). Ban quản lý Cảng cá Quy Nhơn đã giới thiệu sơ lược về quá trình hình thành, quy mô, chức năng, công tác quản lý, kiểm soát tàu cá và truy xuất nguồn gốc theo IUU tại đơn vị.
Thay mặt đoàn, nghị sĩ Gabriel Mato Adrover cho rằng việc tổ chức kiểm sát, giám sát tàu thuyền ra vào Cảng cá Quy Nhơn tương đối tốt. Việc kiểm tra, giám sát tàu thuyền, số người trên tàu, điều kiện an toàn của tàu cũng như số lượng về đánh bắt, cấp chứng nhận cho sản phẩn xuất khẩu… là cần thiết để chống đánh bắt IUU. Ông Gabriel cũng đánh giá cao việc Ban quản lý Cảng cá Quy Nhơn phối hợp với các lực lượng khác trong việc chống đánh bắt IUU.
Đoàn công tác lên tàu ngư dân
“Chính phủ Việt Nam và UBND tỉnh Bình Định đưa ra những quy định pháp luật trong đánh bắt IUU, kiểm soát tàu thuyền nhưng cảng cá mới là nơi thực thi những chính sách pháp luật đó. Nếu không có thực thi tại hiện trường như thế này hoặc thực thi không có hiệu quả thì những quy định pháp luật đó chỉ nằm trên giấy tờ”, ông Gabriel nhấn mạnh.
Tại Cảng cá Quy Nhơn, đoàn công tác của EC cũng đã kiểm tra trực tiếp việc đăng ký, nộp hồ sơ, xác nhận nguồn gốc thủy sản… Sau đó, đoàn còn kiểm tra thực tế trên 1 tàu đánh bắt xa bờ, trao đổi với chủ tàu về quá trình đánh bắt, vị trí đánh bắt, bảo quản, xuất bán sản phẩm…