Bình Phước: Triển vọng mô hình nuôi cá rô phi đơn tính

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Đề tài “Ứng dụng công nghệ sản xuất cá rô phi toàn đực và đánh giá khả năng phát triển, hiệu quả kinh tế của cá rô phi nuôi thương phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Phước” do Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Phước thực hiện bước đầu cho kết quả khả quan.

Bình Phước có 1.701 ha ao nuôi, 348 ha nuôi mặt nước lớn và 239 lồng nuôi.  Hiện cá rô phi được người dân trong tỉnh nuôi khá nhiều, tỷ lệ cơ cấu nuôi trong ao chiếm 60 – 70%, chủ yếu là nuôi thương phẩm. Để tăng chất lượng đàn cá, cũng như tăng thu nhập cho người nuôi, mô hình nuôi cá rô phi toàn đực đang được triển khai. Mô hình được nuôi thử nghiệm tại gia đình ông Chu Văn Trọng ở thôn Tân Hòa, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng có 1.700 m2 ao. Với 5.000 con cá rô phi, sau 8 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng từ 0,7 – 1 kg/con. Với giá bán hiện nay 35.000 đồng/kg, ông Trọng thu về gần 150 triệu đồng.

Cá rô phi đơn tính toàn đực dễ nuôi, ít bị bệnh. Ảnh: ST

Theo ông Trọng, bí quyết thành công của ông là ao nuôi phải rộng, thoáng, môi trường nước sạch và được diệt khuẩn trước khi thả cá. Về kỹ thuật nuôi, ban đầu chọn giống cá khỏe, ít dịch bệnh, thức ăn chủ yếu là bột bắp, khoai mì, bèo trứng cá, bèo tấm, cỏ và sử dụng thêm thức ăn công nghiệp. Mỗi ngày cho cá ăn 2 lần vào sáng và tối, đồng thời tạo luồng khí tăng điều tiết bề mặt ao sẽ giúp cá sinh trưởng, phát triển tốt. Cá rô phi có thực quản ngắn, dạ dày nhỏ, ruột dài xoắn nhiều rất phù hợp với tập tính ăn tạp.

Cá rô phi toàn đực là loại cá mang lại giá trị thương phẩm và kinh tế rất cao cho nông dân. Đặc tính là con đực lớn nhanh và kích cỡ vượt trội so với con cái. Nuôi cá rô phi đực hạn chế sinh sản không mong muốn làm gia tăng mật độ cá trong ao, vì vậy, cá lớn nhanh hơn và kích cỡ thu hoạch đồng đều. Thịt cá chắc, thơm, trọng lượng vượt trội so với cá rô phi thông thường. Cá có sức đề kháng cao, chống chịu tốt với điều kiện thất thường của thời tiết và chất lượng môi trường nước.

Qua thử nghiệm thực tế, cá rô phi đơn tính toàn đực là loài dễ nuôi, ít bị nhiễm dịch bệnh. Nhân rộng mô hình này sẽ tận dụng được diện tích mặt nước hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Vì vậy, nếu đề tài thành công, được nghiệm thu sẽ là hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bình Phước.

Anh Dũng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!