T3, 12/07/2022 11:06

Bình Thuận: Đau đáu làng nghề cá cơm Mũi Né

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Là một làng nghề nổi tiếng từ rất lâu, sản phẩm cá cơm đã mang đến cuộc sống ấm no cho nhiều gia đình, thế nhưng, nhiều năm trở lại đây, làng cá cơm Mũi Né đã “đuối sức” trước sự phát triển của nền kinh tế hiện đại. Trong làng đã không còn mấy gia đình lưu giữ được nghề, còn sản phẩm không thể vươn xa hơn vì người dân không đủ lực.

Nức tiếng cá cơm Mũi Né

Trong rất nhiều đặc sản nổi tiếng của Phan Thiết – Mũi Né, cá cơm là một phần không thể thiếu. Từ xưa, vùng biển Phan Thiết – Mũi Né nổi tiếng có nguồn cá cơm dồi dào cung cấp nguyên liệu cho ngành nghề nước mắm truyền thống và hấp cá cơm khô xuất khẩu.

Vào mùa đánh bắt cá cơm, mỗi ngày ở Mũi Né có hơn trăm chiếc ghe, tàu ghé vào bán cá, chiếc nào cũng đầy ắp. Đây cũng là thời điểm người dân địa phương có nhiều công ăn việc làm, tăng nguồn thu nhập từ đánh bắt, chế biến cá cơm. Ngoài làm mắm và hấp, cá cơm còn được chế biến thành nhiều món ngon như: cá cơm kho tiêu, cá cơm khô rim nước mắm, cá cơm tẩm bột chiên giòn…

Từ cá cơm, nghề làm mắm xuất hiện đầu tiên, còn nghề hấp cá cơm xuất hiện muộn hơn. Theo nhiều người dân trong làng, có lẽ xuất hiện từ năm 1997, bởi khi đó cá cơm nhiều vô kể, người dân làm nước mắm không hết nên đem cá đi hấp rồi phơi khô vừa dễ dàng để dành vừa để tăng thêm thu nhập. Cá cơm biển phơi khô của Mũi Né nức tiếng thơm ngon, không những được tiêu thụ ở nhiều nơi trong nước mà còn xuất khẩu.

Thời đó, làng nghề cá cơm Mũi Né hưng thịnh nhất, cả làng có đến hàng trăm cơ sở chế biến cá cơm hấp, lao động khắp nơi đổ về làm thuê, không khí rất nhộn nhịp, thu nhập của chủ lò hấp và người lao động đều rất khá.

Cơ hội hồi sinh làng nghề?

Hiện nay, làng nghề này dần bị thu hẹp, nguyên nhân đầu tiên là bởi trữ lượng cá cơm giảm. Có người nói rằng do thời tiết không thuận lợi, nhưng nhiều người khẳng định là do khai thác quá mức, khai thác tận diệt con non nên không còn cá cơm nguyên liệu phục vụ các nghề truyền thống tại đây. Sản lượng khai thác giảm, giá thu mua lại không cao khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn, băn khoăn trong mỗi lần vươn khơi.

Chưa kể, theo các cơ sở sản xuất cá cơm hấp – sấy khô, dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Lan, chủ một cơ sở sản xuất cá cơm khô ở Mũi Né cho biết, hiện nay, các nước đều tiêu thụ rất chậm, kể cả thị trường truyền thống là Trung Quốc hay các thị trường mới như Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc… Bây giờ họ rất kén hàng và hàng của các thương lái bị trả về khá nhiều.

Đầu vào khó khăn, đầu ra trở ngại trong khi nhiều ngành nghề khác mở ra đã khiến cho lao động nghề này hao hụt dần. Ông Nguyễn Nam Long, Chủ tịch UBND phường Mũi Né, tâm sự: “Trước đây nghề này đã đem về thu nhập rất lớn cho người dân, nhưng đến nay nhiều cơ sở đã bỏ nghề, hoặc chỉ hoạt động cầm chừng”.

Khi được hỏi rằng vì sao sản phẩm cá cơm của làng không thể quay trở lại thời kỳ hoàng kim trước đó, bà Cẩm, chủ một cơ sở thừa nhận, hiện nay, ngư trường đang dần thu hẹp, nguồn cá ngày càng cạn kiệt trong khi giá thành thứ gì cũng tăng nhưng cách làm của làng lại quá lạc hậu, nên chất lượng cá cơm chưa đạt tiêu chuẩn để vươn ra thị trường nước ngoài.

Để minh chứng cho điều này, bà Cẩm cho biết thêm, cơ sở của bà từng có khách từ Hàn Quốc đặt vấn đề mua sản phẩm nhưng phải theo một quy trình nghiêm ngặt. Và chi phí để đầu tư được một lò sản xuất cá cơm khô đạt tiêu chuẩn xuất ngoại lên đến hàng tỷ đồng là điều quá sức với người dân nơi đây. Cứ thế, cá ngày càng ít, sản phẩm làm ra không nhiều, tiêu thụ khó khăn trong khi tiền công thấp và vất vả nên người dân đã bỏ nghề ngày một nhiều.

Hiện nay, nguồn tiêu thụ cá cơm khô của làng chủ yếu là xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng giống như các sản phẩm khác, việc phụ thuộc vào thương lái và một thị trường sẽ gánh nhiều bất lợi, giá cả phụ thuộc vào thương lái. Để có thể “Đông Sơn tái khởi”, làng cá cơm Mũi Né cần một phương án thật khả thi, thế nhưng, cả người làm nghề và chính quyền địa phương vẫn khá lúng túng. Họ thiếu lực để đẩy mạnh xuất khẩu cũng không thể tận dụng được lợi thế của “thiên đường du lịch” ngay sát bên cạnh.

Vì vậy, để có được giải pháp thực sự khả thi, rất cần sự tham gia của các cơ quan chức năng. Trước mắt có lẽ cần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá cơm giúp tăng giá trị và sức sức cạnh tranh của sản phẩm này. Đồng thời, cần hỗ trợ thêm cơ chế, chính sách cũng như nguồn vốn để cá cơm Mũi Né bắt kịp được yêu cầu xuất khẩu. Quan trọng hơn, để đảm bảo phát triển bền vững, không ảnh hưởng đến các ngành kinh tế khác, cần khắc phục được vấn đề nan giải từ các lò hấp cá, đó ô nhiễm môi trường.

Mặc dù có rất nhiều rào cản để làng cá cơm Mũi Né quay lại giai đoạn đỉnh cao một lần nữa, thế nhưng, vẫn còn không ít hộ gia đình mong muốn duy trì nghề truyền thống này. Có lẽ sẽ có nhiều giải pháp được đưa ra từ chính quyền để không mất đi một đặc sản địa phương, điều này còn cần sự phối hợp hiệu quả với người dân sản xuất lẫn ngư dân khai thác. Tiên quyết, muốn duy trì nghề lâu dài, nhất thiết đảm bảo nguồn nguyên liệu. Chỉ có không làm mất đi nguồn lợi cá cơm, hy vọng sẽ còn.

Hồng Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!