T2, 06/07/2020 10:20

Bình Thuận: Khai thác hải sản xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần

Chưa có đánh giá về bài viết

Giá trị sản lượng đội tàu xa bờ tỷ trọng còn khiêm tốn

Theo số liệu Sở Nông nghiệp & PTNT, trong khoảng 8 năm nay, tàu cá 90 CV trở lên trong tỉnh có khả năng đánh bắt xa bờ tăng nhanh. Từ 903 chiếc vào năm 2005 đến nay đã lên 2.011 chiếc, bình quân 281 CV/tàu, phân bổ ở các địa phương có nghề cá phát triển như: TX. La Gi, TP. Phan Thiết, Tuy Phong, Phú Quý. Đội tàu này hoạt động chủ yếu các nghề chính như: lưới kéo đôi (204 chiếc), kéo đơn  (151), lưới vây (251), câu, lưới rê, mành đèn, mành mực. Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho hay, chỉ có nghề lưới vây khơi, câu khơi, rê thu ngừ thường xuyên hoạt động khai thác ở các vùng biển xa bờ; còn nhóm tàu nghề mành đèn, mành mực chỉ đánh bắt ngư trường khơi khi thời tiết thuận lợi, hoặc di chuyển ngư trường theo mùa vụ. Qua thực tế đánh bắt, ngành chức năng thống kê chỉ có trên 300 tàu công suất lớn hành nghề vây rút chì, câu khơi thường xuyên bám vùng biển khơi đảo Phú Quý, Côn Sơn, quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1, vùng biển tiếp giáp với các nước trong khu vực Đông Nam Á, nhiều tàu còn di chuyển ra quần đảo Hoàng Sa, vịnh Bắc Bộ… Tàu vây rút chì khai thác gần như quanh năm, có nhiều chuyến biển kéo dài từ 30 – 60 ngày. Đội tàu này trang bị đồng bộ, với 100% có máy liên lạc vô tuyến tầm trung (Galaxy, Fujicom, Garmin) và tầm xa (Icom, Alinco, Vx1700), máy định vị vệ tinh GPS, máy dò ngang giúp phát hiện đàn cá nổi từ xa như: nục, ngừ, sòng, bạc má, chỉ… Trong khi tàu câu khơi đánh bắt những loài có giá trị kinh tế cao hơn như cá: mập, nhám, cờ, thu; cá rạn: mú, đổng, cam, hồng, mó, gáy…

 Cùng với các nghề khác, khai thác của đội tàu đánh bắt xa bờ chiếm 52% sản lượng hải sản toàn tỉnh (90.800 tấn/175.352 tấn); giá trị đạt 2.071 tỷ đồng, chiếm 48,8% tổng giá trị hải sản khai thác… Tuy nhiên, nếu chỉ tính phần của nhóm tàu đăng ký khai thác xa bờ (chia tuyến theo Nghị định số 33 của Chính phủ) thì đạt 46.728 tấn, bằng 26,6% tổng lượng hải sản toàn tỉnh.

 

Tàu khai thác hải sản ở Trường Sa.

Qua đó cho thấy, đóng góp của đội tàu xa bờ chiếm tỷ trọng còn khiêm tốn trong sản lượng khai thác. Nguyên nhân do cơ cấu nghề chưa phù hợp, sản phẩm của nghề lưới kéo chiếm số lượng khá lớn (gần 36.000 tấn) trong khi hải sản thu được có giá trị kinh tế cao như mực, tôm, cá đáy chiếm tỷ lệ thấp. Nghề lưới vây khơi đánh bắt chủ yếu cá nổi như: nục, ngừ; nghề câu mập, câu cá chân rạn số lượng cũng chưa nhiều… Bên cạnh đó, hệ thống bảo quản sản phẩm trên tàu đánh bắt xa bờ hầu hết chưa đảm bảo, hải sản bị suy giảm chất lượng khi đi dài ngày, giá bán thấp hơn. Theo phản ánh của nhiều ngư dân, việc tiêu thụ sản phẩm trên biển còn bị chèn ép; nhiều tàu nghề vây khơi trong tỉnh bán sản phẩm trên biển (cá nục, ngừ…) cho đội tàu thu mua Tiền Giang với giá bằng một nửa giá bán ở đất liền…

Cần dịch vụ hậu cần mạnh

Trong khi đó, số lượng tàu dịch vụ hậu cần toàn tỉnh phục vụ hoạt động xa bờ là 84 chiếc, chủ yếu tập trung tại địa bàn Phú Quý với 82 chiếc, chỉ có 2 chiếc ở La Gi. Đội tàu này chuyên thu mua các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như mực, cá (mập, nhám, cờ, thu…) vận chuyển vào đất liền phục vụ nhà máy xuất khẩu, đồng thời cung cấp nhu yếu phẩm cho các tàu đang khai thác trên biển. Qua đó, quá trình khai thác hải sản liên tục, giảm nhiều chi phí trung gian, chất lượng sản phẩm đảm bảo hơn. Trong đó, nhiều tàu Phú Quý trang thiết bị hệ thống cấp đông, hầm cách nhiệt, bảo quản tốt sản phẩm giá trị cao cho xuất khẩu… Tuy nhiên đội tàu này chiếm hầu hết ở Phú Quý, thu mua chủ yếu cho đội tàu xa bờ huyện đảo; trong khi nhiều tàu xa bờ khác phải bán nguyên liệu cho tàu dịch vụ tỉnh ngoài, giá cả thua thiệt. Do vậy, Sở Nông nghiệp & PTNT trong kiến nghị “Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ tàu khai thác xa bờ theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg, bổ sung thêm chính sách hỗ trợ đối với tàu dịch vụ hậu cần trên biển xa”. Tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi cùng với huy động các nguồn vốn khác (như mô hình HTX dịch vụ hậu cần), đẩy mạnh đội tàu dịch vụ tỏa khắp ngư trường, mới khuyến khích 1.700 tàu công suất lớn khác thực sự khai thác xa bờ khu vực Trường Sa, Hoàng Sa… nhằm tăng sản lượng. Cùng với đó, cơ cấu lại thuyền nghề phù hợp (giảm số lượng tàu trên 90 CV làm nghề lưới kéo dưới 15%), hỗ trợ ngư dân thông qua các mô hình nghề cá (tổ đội sản xuất trên biển), chuyển đổi tàu công suất lớn vươn khơi; đưa được một vạn ngư dân thường xuyên bám biển…

T. Khoa

Báo Bình Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!