T2, 06/07/2020 10:06

Bình Thuận: Mùa chằn chằn

Chưa có đánh giá về bài viết

Chằn chằn tựa như nghêu, con to nhất chỉ bằng đầu ngón tay út. Người vùng biển không phải ai cũng biết chằn chằn bởi nó sống ở nơi có nước biển.

Biển rút đến đâu chằn chằn theo đó. Vì thế cào chằn chằn giống như cào nghêu, cứ phải dầm người dưới nước. Chằn chằn xuất hiện từ đầu mùa mưa, kéo dài đến tháng mười, tháng mười một, có năm đến cận tết. Động vật này vì quá nhỏ nên chẳng mấy ai ăn cho dù có kiên trì như ăn ốc ruốc. Thế nhưng, với người nuôi tôm, nuôi vịt, chằn chằn là nguồn thực phẩm bổ sung chất dinh dưỡng cho vật nuôi. Với vịt đàn chằn chằn cung cấp chất vôi, muối và một số vi chất cần thiết. Với tôm thẻ,  chằn chằn xay nhỏ thay thế thức ăn công nghiệp, giúp tôm nhanh lớn.

 

Cào chằn chằn

Tuy vậy, không phải đoạn bờ biển nào và lúc nào cũng có chằn chằn. Mấy năm gần đây, chằn chằn thường xuất hiện ở  bờ biển Tân Thuận, Tân Thành (Hàm Thuận Nam), còn trước đó nữa thì xuất hiện ở bờ biển thôn Hiệp An, xã Tân Tiến (thị xã La Gi). Hiện nay người cào chằn chằn đa phần ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Họ thường đi đêm  đến  Tân Thành, Tân Thuận vào lúc rạng sáng và cào đến xế chiều. Mỗi người với chiếc cào rộng bản, nối với một túi bằng lưới dài thường  cào được 7 – 8 bao (mỗi bao 50 kg) trong ngày. Bán trên đường về với giá 60.000 đồng/bao, nhưng nếu về đến xã Lộc An (Xuyên Mộc,  Bà Rịa – Vũng Tàu), nơi có nhiều người nuôi vịt đàn thì mỗi bao giá 80.000 đồng.  

Người cào chằn chằn thu nhập trên dưới 350.000 đồng/ngày (sau khi đã trừ chi phí). Tại Bình Thuận, nhiều người nuôi vịt thả đồng ở xã Hàm Phú, Hàm Trí (Hàm Thuận Bắc), thường cho vịt ăn bổ sung chằn chằn trong giai đoạn nuôi đầu và giai đoạn sắp đẻ để vịt lớn nhanh và  lòng trứng có màu đỏ tươi cũng như thành vỏ trứng dày. Mùa cào chằn chằn dù ở đâu trên vùng biển Bình Thuận cũng làm cho bức tranh quê trở nên sinh động và  tươi màu no ấm.

Hà Thanh Tú

Báo Bình Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!