Năm 2013 chưa kết thúc, nhưng với ngư dân khi vào vụ bấc, thì hoạt động đánh bắt hải sản dường như tạm nghỉ để tu sửa tàu thuyền chuẩn bị cho vụ cá nam năm sau. Nhìn lại hoạt động khai thác hải sản năm 2013 trong bối cảnh ngư trường ngày càng cạn kiệt, thời tiết mỗi năm thêm bất lợi vì biến đổi khí hậu, nhưng con số hải sản khai thác 11 tháng đạt 173.131 tấn, tăng 3% so cùng kỳ, bằng 93,6% kế hoạch năm, đã nói lên sự cố gắng bám biển của ngư dân.
Điểm sáng trong hoạt động đánh bắt
Như diễn biến những năm gần đây, nguồn lợi hải sản của vùng biển Bình Thuận qua mỗi năm ngày một suy giảm. Minh chứng rõ nhất trong năm 2013 là đàn cá cơm xuất hiện áp lộng ở các năm trước kéo dài mỗi đợt từ 1 – 2 tháng, nhưng năm nay chỉ xuất hiện 1 tuần hoặc từ 2 – 3 ngày mỗi đợt là chấm dứt, đặc biệt không có đàn cá cơm lớn. Tỷ lệ hải sản có giá trị cao giảm nhiều, 40% không đạt tiêu chuẩn nhất là chất lượng mực để chế biến xuất khẩu giảm 50% so năm 2012, nên các cơ sở chế biến hải sản trong tỉnh phải nhập nguyên liệu để chế biến.
Hải sản khai thác 11 tháng đạt 173.131 tấn, tăng 3% so cùng kỳ. Ảnh: Đ.H
Trong hoàn cảnh khó khăn đó, ngư dân trong tỉnh đã ngày càng biết tính toán chi phí kỹ lưỡng, nắm thông tin ngư trường chặt chẽ trước khi xa khơi thông quan các tổ đoàn kết, bạn thuyền. Nổi bật là hình thức liên kết tổ, nhóm cùng nhau đánh bắt và đưa hải sản vào bờ ở bà con ngư dân La Gi; thu mua hải sản trên biển của ngư dân huyện đảo Phú Quý, hành nghề vây rút chì của ngư dân Phú Hài, Đức Long (Phan Thiết)… Năm nay nhờ sự hỗ trợ của Chi cục Thủy sản, Công ty TNHH Hải Nam và một số bà con ngư dân La Gi “gặp nhau” bắt tay liên kết trong đánh bắt và thu mua toàn bộ cá câu (gồm cá thu, mú, đổng, thiều) ở một đội tàu gồm 15 chiếc, nên chất lượng cá đảm bảo cho xuất khẩu và ngư dân cũng có thu nhập tăng cao so với bán cho nậu vựa. Hiện nay Công ty TNHH Hải Nam đang xây dựng thương hiệu sản phẩm cá câu La Gi. Đề án “Xây dựng mô hình quản lý cộng đồng về bảo vệ, tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lợi điệp quạt tại vùng biển ven bờ xã Phước Thể – Tuy Phong” đã đi vào thực hiện. Chủ thể đầu tư chủ yếu cho dự án là Công ty TNHH Hải Nam, hứa hẹn hiệu quả cho cái bắt tay 3 nhà (Nhà nước, công ty và ngư dân). Dự án nhằm khôi phục nguồn lợi đang bị cạn kiệt qua việc thả nuôi và quản lý, khai thác, bảo vệ cho đến thu mua để chế biến xuất khẩu. Năm nay nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, các tàu đánh bắt xa bờ có chiều hướng phát triển về số lượng và gia tăng tính hiệu quả, nhiều tàu đã có thu nhập từ 8 – 10 tỷ đồng trong năm nay…
Những cản ngại vươn khơi
Ngoài yếu tố thời tiết, ngư trường ngày càng bất lợi thì các chính sách hỗ trợ cho ngư dân vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập. Trước hết ngồn vốn cho vay, hỗ trợ ngư dân phát triển đánh bắt qua đổi mới công nghệ vẫn còn chưa phù hợp thực tế. Đơn cử đầu tư thiết bị bảo quản hải sản phải mua thiết bị có 60% nội địa hóa mới được thụ hưởng chính sách, nhưng thực tế trong nước đâu có sản xuất. Ngư dân vẫn chưa được sự hưởng ứng và đồng cảm của ngành ngân hàng trong cho vay phát triển đánh bắt, bởi cản ngại tâm lý trước đây về nợ “khó đòi” trong ngư dân. Các chính sách của tỉnh về quy hoạch đánh bắt, bảo vệ nguồn lợi, sắp xếp ngành nghề khai thác, mặc dù được cấp ủy, chính quyền tỉnh quan tâm, nhưng do ngân sách còn khó khăn nên triển khai thực hiện trong thực tế còn hạn chế. Sự ra đời của tổ đoàn kết trên biển là tất yếu trong xu hướng đánh bắt hiện đại, nhưng các chính sách hỗ trợ, kích thích cho tổ đoàn kết hoạt động hiệu quả vẫn còn khiêm tốn, chỉ tập trung mở diện rộng còn chiều sâu chưa rõ, chỉ các tổ đoàn kết mang tính gia đình, dòng họ là hoạt động rõ nét và tính hiệu quả cao.
Với những điểm sáng tiếp tục nhân rộng, khắc phục hạn chế, hy vọng sẽ có những chuyển biến mới trong hoạt động khai thác hải sản năm 2014.