Quy định của Nghị định 36, đến cuối năm 2015, cá tra nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP mới được chế biến xuất khẩu. Đây là một trong những biện pháp nâng cao chất lượng cá tra, tuy nhiên, mốc thời gian trên khó đạt.
Tỉnh Đồng Tháp có diện tích nuôi cá tra lớn nhất ĐBSCL, theo Chi cục Thủy sản tỉnh là khá thuận lợi trong việc thực hiện VietGAP vì hơn 75% diện tích thuộc các doanh nghiệp. Thế nhưng, đến cuối tháng 5, trong hơn 1.400 ha nuôi cá tra, có 938 ha đã và đang áp dụng tiêu chuẩn VietGAP nhưng mới hơn 490 ha (35% tổng diện tích nuôi) được cấp chứng nhận VietGAP.
Số liệu của Tổng cục Thủy sản, đến nay, hầu hết các tỉnh chưa phê duyệt kinh phí thực hiện VietGAP theo Quyết định số 01/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Đây đang là một trở ngại, vì thực hiện VietGAP tốn kém, nhất là trong tình hình nhiều khó khăn hiện nay. Ông Lê Đình Châu ở xã An Nhơn (Châu Thành, An Giang) cho biết: “Mấy tháng trước, tôi bán hơn 70 tấn cá, trị giá 1,4 tỷ đồng nhưng đến nay mới nhận được 600 triệu đồng, còn lại quá hạn hợp đồng hơn hai tháng rồi vẫn bị doanh nghiệp hứa. Nuôi cá tra VietGAP để đảm bảo chất lượng nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến thì doanh nghiệp cũng phải giữ uy tín, mới bền vững”.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất trong thực hiện VietGAP là quan niệm “không bình thường” đang tồn tại ở nước ta, như phân tích của Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Võ Hùng Dũng. Theo ông Dũng, nuôi cá tra cũng như các loại thủy sản khác, phải đảm bảo an toàn là điều bình thường, điều bắt buộc. “Cá tra có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì mới bán được, người tiêu dùng mới mua, nếu không thì không bán được. Đó là điều bình thường. Chứ không phải nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì phải có giá cao”, ông Dũng nói.
Quan điểm “bình thường” ấy cũng được khẳng định bởi ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc HTX Thủy sản Châu Phú ở xã Khánh Hòa (Châu Phú, An Giang), vừa đi dự Hội chợ thủy sản Brussels ở Bỉ. Đây là hội chợ chuyên ngành thủy sản thường niên lớn nhất thế giới, quy tụ hàng nghìn nhà sản xuất, chế biến và tiêu thụ thủy sản uy tín trên thế giới. Ông Nguyên kể: “Tôi thấy gian hàng thủy sản của các nước khác rất chú trọng giới thiệu tiêu chuẩn chất lượng. Tên các tiêu chuẩn quốc tế như ASC, SQF, GlobalGAP… được dán to tướng nơi gian hàng. Còn ở nước ta trước nay dù nuôi cá đã theo tiêu chuẩn quốc tế cũng chưa chú trọng quảng bá, trong khi người tiêu dùng thế giới đã rất coi trọng tiêu chuẩn chất lượng”. Ông Nguyên còn nhìn thấy thực tế, sản phẩm cá tra chỉ chiếm phần nhỏ bé giữa không gian rộng lớn đủ các loại thủy sản khác nhau.
Nghiêm túc nhìn nhận đúng vị trí của sản phẩm cá tra để nỗ lực nâng cao chất lượng từ nuôi đến chế biến, phân phối. Tuy nhiên, bên cạnh tiêu chuẩn VietGAP còn nhiều bộ tiêu chuẩn về an toàn như ASC, GlobalGAP, BAP… Để tiêu chuẩn VietGAP được các thị trường nhập khẩu cá tra công nhận cũng là vấn đề đang đặt ra.