Bổ sung góp ý kết quả nghiên cứu về nuôi cá tầm

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 8/1/2014, tại Hà Nội, Tổng cục tổ chức cuộc họp “Đánh giá kết quả nghiên cứu và thử nghiệm nuôi các loài cá tầm tại Việt Nam”. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền chủ trì.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản (NTTS) III, hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc, Duyên hải miền Trung, khu vực Tây Nguyên có điều kiện khí hậu và nguồn nước phù hợp để phát triển nuôi cá tầm. Có 4 loài cá tầm đã và đang được phát triển nuôi phổ biến tại Việt Nam: cá tầm Nga, Xiberi, Sterlet và Beluga. Qua đánh giá kết quả và thử nghiệm của Viện Nghiên cứu NTTS III, các yếu tố về môi trường, nhiệt độ thích hợp để phát triển nuôi cá tầm đã được nghiên cứu, đề xuất tại rất nhiều khu vực nuôi cá tầm tại Việt Nam. Tình trạng an toàn sinh thái thủy vực ở cá khu vực nuôi còn tốt nhưng tác động từ ương nuôi chưa nhiều. Hiệu quả kinh tế, xã hội của nghề nuôi cá tầm tương đối cao so với các đối tượng nuôi khác, hạn chế rủi ro từ việc nhập, sản xuất giống, nuôi thương phẩm có giảm thiểu khi cá tầm được đưa vào danh mục nuôi tại Việt Nam. Những nghiên cứu về sản xuất giống nhân tạo và thức ăn ở Việt Nam thời gian qua là cơ sở và triển vọng để chủ động về thức ăn và con giống cho nghề nuôi cá tầm.

Nuôi cá tầm ở Bình Thuận – Ảnh: Huy Hùng

Tại cuộc họp, một số ý kiến của các đại biểu đã bổ sung những vấn đề để nghiệm thu hoàn chỉnh nghiên cứu; theo đó, khẳng định cá tầm có thể nuôi và phát triển được tại Việt Nam (do chủ yếu nuôi dựa vào tự nhiên nên chưa phát sinh nhiều bệnh nguy hiểm). Đồng thời, sớm có kiến nghị thêm việc cho thí nghiệm lai cá tầm, đưa cá tầm lai vào danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Kết luận tại cuộc họp, ông Nguyễn Huy Điền cho biết, đề tài sẽ được nghiệm thu vào tháng 1/2015, sau đó trình lên Bộ NN&PTNT để sớm đưa vào danh mục cho phép sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu NTTS III cần bổ sung các số liệu, thống kê của những đề tài nghiên cứu liên quan để có những nhận xét đánh giá đầy đủ về cá tầm. Ngoài ra, để quy hoạch mang tính khả thi, cần sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam đối với các đối tượng cá nước lạnh nhằm kiểm soát chặt chẽ trong quá trình nuôi. Tổng cục Thủy sản sẽ hỗ trợ, cung cấp số liệu các đề tài nghiên cứu để đơn vị thực hiện hoàn thiện hồ sơ theo đúng tiến độ.

>> Cá tầm được đưa vào nuôi tại Việt Nam từ năm 2005, góp phần khai thác tối đa tiềm năng một số thủy vực nước lạnh. Việc xây dựng hồ sơ đánh giá các loại cá tầm trình Bộ NN&PTNT đưa vào danh mục các loài cá được phép sản xuất kinh doanh nhằm phát triển nghề nuôi cá tầm tại Việt Nam.

Thảo Dương - Nguyễn Nhung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!