Bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu đang là vấn nạn của ngành tôm. Thực trạng này đã và đang khiến con tôm Việt Nam giảm dần vị thế trên thị trường thế giới.
Nan giải
Những người chủ đích bơm chích tạp chất vào tôm là các doanh nghiệp, cơ sở chuyên thu mua tôm nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến. Mục đích nhằm tăng trọng lượng tôm (10 – 15%), làm tôm có độ bóng, căng đều và trông rất tươi. Các chất được bơm vào tôm chủ yếu là tinh bột, nhưng chiếm phần lớn vẫn là agar (rau câu).
Điều đáng nói là nhiều doanh nghiệp đã cố tình bỏ qua, bởi suy nghĩ: Để bù lại nguồn nguyên liệu khan hiếm, và bởi “nếu doanh nghiệp mình không mua thì cũng có doanh nghiệp khác mua”. Do vậy, việc xử lý nạn tôm bơm chích tạp chất chỉ thành công khi tất cả doanh nghiệp đều phải nói không với tôm có chứa tạp chất.
Tuy nhiên, việc tồn tại bất cập này còn phải nói đến trách nhiệm của chính quyền địa phương. Bởi cơ sở thu mua, sơ chế đặt tại địa phương và sử dụng lao động tại chỗ, nên chính quyền địa phương không thể không biết. Nhưng tình trạng này đến nay vẫn chưa chấm dứt, cho thấy sự phối hợp giữa các ngành liên quan và địa phương chưa tốt.
Ngành chức năng kiểm tra tôm nghi nhiễm tạp chất – Ảnh: Thanh Ngân
Chính sự quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm này mà công tác xử lý nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu thời gian qua chưa hiệu quả. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tôm Việt Nam mất đi hình ảnh, vì nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả về do nhiễm tạp chất.
Tăng cường phối hợp
Theo đại diện Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Bạc Liêu, để thực hiện có hiệu quả công tác phát hiện, xử lý nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu, các ngành, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền và kiện toàn ban chỉ đạo. Bởi công tác kiểm tra thời gian qua chưa thường xuyên, bên cạnh đó, tất cả doanh nghiệp cũng phải từ chối tôm tạp chất. Đồng thời, phải làm tốt công tác liên kết và phối hợp. Như việc phát hiện và yêu cầu dừng xe chở tôm phải có sự tham gia của cảnh sát giao thông; hoặc các địa phương khi nghi ngờ, phát hiện cơ sở vi phạm cần thông báo cho ngành quản lý…
Tuy nhiên, ngoài sự kiên quyết của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, nông dân cũng phải vào cuộc. Doanh nghiệp cần liên kết với nông dân theo hợp đồng bao tiêu, nhằm chủ động nguồn nguyên liệu sạch phục vụ chế biến. Bởi nếu không có liên kết sản xuất, khi doanh nghiệp “mạnh tay” thì các cơ sở thu mua lại bán cho thương lái Trung Quốc. Khi đó, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu rơi vào cảnh khủng hoảng nguồn nguyên liệu…
>> Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Bạc Liêu đã tổ chức 3 lượt tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý 2 trường hợp vi phạm tôm sú có chứa tạp chất với số lượng gần 1 tấn. |