“Bốn nhà” phải cùng liên kết

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2012, Việt Nam xuất khẩu tôm sang 92 thị trường, với 2,237 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm 2011, lần đầu tiên trong 5 năm qua, xuất khẩu tôm của Việt Nam giảm giá trị. Để ngành tôm năm 2013 vượt qua chông gai, rất cần những giải pháp tổng thể, cùng với sự phối hợp liên ngành.

TS Nguyễn Văn Hảo – Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II: Nuôi tôm đúng kỹ thuật

Trong 3 năm qua, ngành sản xuất tôm Việt Nam liên tục gặp khó khăn do dịch bệnh xảy ra trên diện rộng. Qua nhiều cuộc nghiên cứu, phân tích tìm nguyên nhân tôm nuôi chết, bước đầu được xác định là do hội chứng hoại tử gan, tụy cấp gây ra (EMS/AHPNS). Bản chất do tác động của độc chất Cypermethrine – một thành phần có trong thuốc diệt giáp xác dùng để xử lý ao nuôi tôm. Giải pháp phòng ngừa dịch bệnh trên tôm, cần chuẩn bị tốt môi trường ao nuôi như xử lý bùn đáy, phơi đáy nhằm kiểm soát chất hữu cơ và tác nhân gây bệnh. Tiệt trùng nguồn nước đầu vào trong ao lắng hoặc ao nuôi trước khi thả tôm. Chú ý cân bằng khoáng trong ao nuôi, nhất là trong điều kiện độ mặn thấp. Thả giống khỏe mạnh từ trại giống uy tín, chất lượng. Cần chú ý kiểm tra tình trạng gan, tụy của tôm giống. Mật độ thả căn cứ vào sức của ao. Kiểm soát việc cho tôm ăn trong tháng nuôi đầu tiên không vượt quá 12kg/100.000 tôm/ngày ở ngày nuôi thứ 30 khi tôm đạt 2 – 2,5g. Giảm cho tôm ăn khi nhiệt độ thấp dưới 2600C. Lượng thức ăn tăng tối đa trong ngày chỉ khoảng 500g/100.000 con. Cung cấp quạt nước ở mức 1 HP/400kg sinh khối tôm.

 

Ông Nguyễn Văn Nhiệm – Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng): Tăng cường quản lý của Nhà nước

Năm qua, ngành tôm gặp quá nhiều khó khăn nhưng chưa có giải pháp căn cơ, người nuôi thiếu hoặc không còn vốn để tiếp tục sản xuất, Nhà nước cũng đã có những gói hỗ trợ kịp thời nhưng chưa thực sự có hiệu quả. Trước tình hình đó, Hiệp hội đã chỉ đạo người dân không bỏ trống ao nuôi, mà thả nuôi với mật độ ít, liều lượng cho ăn phù hợp hơn tùy tình hình để tạo thu nhập. Các doanh nghiệp thu mua cần có chính sách ưu đãi với các hộ nuôi tôm sạch để khuyến khích sản xuất; Các nhà sản xuất thức ăn thủy sản cần mua nguyên liệu thức ăn không chứa Ethoxyquin. Nhà nước đã có những chính sách kịp thời hỗ trợ người nuôi tôm, nhưng hiệu quả chưa cao, người nuôi chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi. Theo đó, các ngành chức năng cần quản lý chặt không để tình trạng giá thức ăn, giống, nguyên liệu đầu vào tăng cao một cách vô lý; đồng thời, người nuôi cần liên kết với nhau, bài trừ những sản phẩm thức ăn không đảm bảo chất lượng.

 

Ông Bùi Đức Quý – Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định NNTS: Cần công bố rõ hàm lượng Ethoxyquin

Về vấn đề Ethoxyquin trong thức ăn nuôi tôm, Trung tâm đã được Tổng cục Thủy sản giao nhiệm vụ “Khảo sát và thử nghiệm thời gian tồn lưu Ethoxyquin trong tôm nuôi thương phẩm”, kết quả cho thấy Ethoxyquin có thể thải loại hoàn toàn trên tôm thương phẩm trong thời gian 4 – 5 ngày tùy theo hàm lượng Ethoxyquin trong thức ăn dùng nuôi thử nghiệm. Trung tâm đã đề xuất phương án quản lý Ethoxyquin trong sản xuất, kinh doanh thức ăn thủy sản. Theo đó, các cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản nói chung và thức ăn dành cho tôm phải công bố hàm lượng Ethoxyquin trên bao bì sản phẩm; không sản xuất thức ăn có chứa hàm lượng Ethoxyquin lớn hơn 150 ppm; Đồng thời, Tổng cục Thủy sản cần tuyên truyền cho người nuôi sử dụng thức ăn đúng phương pháp, ngừng cho ăn từ 4 – 5 ngày trước khi thu hoạch để đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn.

 

Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP): Tháo gỡ rào cản thị trường

Dự báo ngành tôm Việt Nam năm 2013 sẽ phải đối mặt với 4 thách thức chính: Dịch bệnh và hội chứng tôm chết sớm (EMS) đối với tôm nuôi công nghiệp (kể cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng); Cạnh tranh thu mua tôm nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL (khu vực chiếm 75% sản lượng tôm nuôi của cả nước) với lực lượng thu gom tôm cho xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc; Thị trường tiêu thụ tiếp tục khó khăn do sự khó khăn của nền kinh tế nhiều nước nhập khẩu tôm Việt Nam (EU, Mỹ, Nhật Bản…) và rào cản Ethoxyquin từ thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Để ngành tôm vượt qua khủng hoảng, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự phối hợp liên ngành. Cụ thể, để ổn định nguồn nguyên liệu, Bộ NN&PTNT cần tăng cường giải quyết các vấn đề về dịch bệnh, quy hoạch chung vùng nuôi tôm, tạo thế mạnh cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu ngày càng tăng (dự kiến năm 2013 lên tới 70 – 100 triệu USD/tháng), Bộ Tài chính nên tiếp tục xem xét đưa thuế suất thuế nhập khẩu nguyên liệu chế biến xuất khẩu về 0%. Mặt khác, ngân hàng xem xét giãn và cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp, cho vay bổ sung vốn trung và dài hạn.

Trước việc Liên minh công nghiệp tôm vùng Vịnh Mỹ kiện tôm nước ấm nhập khẩu từ 7 quốc gia trong đó có Việt Nam nhận trợ cấp từ Chính phủ, VASEP đang phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) phối hợp để có kế hoạch cụ thể. Ngày 15/1 vừa qua, tại buổi tham vấn với đại diện Cục Quản lý Nhập khẩu thuộc Tổng cục Thương mại quốc tế (ITA), Bộ Thương mại Mỹ (DOC) về những nội dung liên quan tới vụ kiện chống trợ cấp đối với tôm Việt Nam; phía Việt Nam đã chính thức phản đối vụ kiện và sẽ xem xét kỹ các lập luận trong đơn yêu cầu điều tra và lựa chọn pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người nông dân và các doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu. Đại diện DOC khẳng định sẽ giải quyết vụ kiện này một cách độc lập và ITA sẽ đưa ra quyết định sơ bộ vào ngày 11/2 tới.

 

Ông Phan Thanh Châu – ấp Giáp Nước, xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu: Hỗ trợ chia sẻ khó khăn với người dân

Năm 2012, người nuôi tôm gặp rất nhiều khó khăn về tình hình dịch bệnh, sự thay đổi của điều kiện thời tiết, giá tôm nguyên liệu giảm, người nuôi phải treo ao nhiều, sản xuất không có lãi. Trước khó khăn đó, Nhà nước đã có nhiều biện pháp hỗ trợ nhưng hiệu quả chưa thực sự như mong muốn. Đó là vấn đề bảo hiểm tôm nuôi, theo quy định là sau một tháng thì người dân sẽ được nhận hỗ trợ, nhưng thực tế thì người nuôi chưa được nhận khoản trợ cấp này. Năm qua là một năm gặp thất bại lớn nhất của người nuôi tôm tại Bạc Liêu nói riêng và cả nước nói chung. Người dân hầu như không còn tâm lý muốn thả nuôi tiếp khi mọi tài sản dồn vào các đầm tôm đều không thu lại được. Vụ tôm 2013 đang đến gần, nhưng không khí thả nuôi tại các vùng tôm vẫn ảm đạm. Mong muốn lớn nhất của người dân lúc này chính là tiếp cận được sự hỗ trợ của Nhà nước một cách có hiệu quả, để người nuôi tôm có thêm chỗ dựa, và an tâm hơn khi bước vào vụ nuôi mới.

>> Mục tiêu của ngành thuỷ sản trong năm 2013 là tiếp tục giữ vững diện tích nuôi tôm ở mức 1,2 triệu ha, sản lượng đạt 3,3 triệu tấn, tăng hơn 3% so với năm 2012.

Nguyên Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!