Brazil: Tôm sú – Hy vọng mới của ngành thủy sản bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Một nghiên cứu mới cho thấy quần thể tôm giống tại Brazil có tiềm năng lớn để làm nền tảng cho chương trình lai tạo có hệ thống, tập trung vào khả năng kháng bệnh và tăng trưởng bền vững.

Công ty công nghệ sinh học Genic (Canada) vừa công bố nghiên cứu khẳng định tôm sú Brazil (Penaeus monodon) là lựa chọn thay thế đầy triển vọng cho tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương (Litopenaeus vannamei) trong nuôi trồng thủy sản.

Nghiên cứu do các nhà khoa học Đại học Bang Maranhão phối hợp với Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối Thịnh vượng chung (CSIRO) thực hiện, nhằm đánh giá mức độ mầm bệnh và sự đa dạng di truyền của quần thể tôm sú thuần hóa tại bang Ceará, Brazil qua 10 thế hệ. Kết quả xét nghiệm 96 mẫu tôm bằng các phương pháp chẩn đoán phân tử và mô bệnh học không phát hiện mầm bệnh nghiêm trọng, khẳng định tiềm năng của quần thể này làm nền tảng cho chương trình lai tạo tôm sạch bệnh (SPF). 

“Đây là một phát hiện mang tính bước ngoặt đối với ngành nuôi tôm tại Brazil,” bà Melony Sellars, Giám đốc điều hành Genics cho biết. “Việc chứng minh quần thể tôm sú địa phương sạch bệnh và giàu đa dạng di truyền giúp ngành có thêm công cụ tăng sức đề kháng, giảm rủi ro dịch bệnh và phát triển hệ thống nuôi bền vững.”

Phân tích di truyền sử dụng chỉ thị SNP cho thấy hệ số cận huyết thấp (0,03), tương đương với các quần thể tôm tại Việt Nam và Úc. Điều này cho thấy tôm giống Brazil có tiềm năng lớn để làm nền tảng cho chương trình chọn giống bài bản, tập trung vào khả năng kháng bệnh và tăng trưởng bền vững.

“Các quần thể tôm sạch bệnh, đa dạng di truyền là yếu tố then chốt đảm bảo tính bền vững trong nuôi trồng thủy sản,” bà Sellars nhấn mạnh. “Nghiên cứu này không chỉ định hướng cho ngành nuôi tôm tại Brazil mà còn khẳng định tiềm năng của các chương trình lai tạo trong nước trong việc giảm phụ thuộc vào giống nhập khẩu và ngăn chặn dịch bệnh.”

Nghiên cứu nhấn mạnh vai trò quan trọng của sàng lọc mầm bệnh và phân tích di truyền trong quản lý nuôi trồng thủy sản. Dịch vụ ShrimpID P. monodon của Genics sử dụng các chỉ thị di truyền mật độ cao (SNP) để đánh giá chính xác mức độ đa dạng di truyền và truy xuất nguồn gốc. Từ đó, người nuôi tôm có thể định hướng chương trình lai tạo, nâng cao hiệu suất giống, đồng thời góp phần hiện thực hóa sứ mệnh của Genics trong việc thúc đẩy an ninh sinh học và lương thực toàn cầu.

Vũ Đức

Theo Aquafeed

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!