Bức xúc thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Hiện nay, nuôi trồng thủy sản trên cả nước nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng đang thiếu dòng nước trong lành. Đây là gốc rễ khiến dịch bệnh dễ bùng phát và khó kiểm soát. Để giải quyết, rất cần hệ thống thủy lợi cho riêng thủy sản.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Bức xúc lớn nhất đến từ các vùng nuôi tôm. Theo ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), sáu tháng đầu năm, các thành viên Hiệp hội chỉ thả 20% diện tích (trong tổng số 2.700 ha) nhưng 1/2 trong số đó thất bại. “Nhiều năm trước Hiệp hội nổi tiếng cả nước vì nuôi tôm luôn thành công,. Thế nhưng dăm năm nay bị dịch bệnh nên lao đao và chưa biết bao giờ thoát ra được. Nguyên nhân chính là thiếu hệ thống thủy lợi cho tôm”, ông Nhiệm cho biết thêm.

Như nhiều nơi khác ở ĐBSCL, vùng nuôi tôm tỉnh Sóc Trăng được chuyển đổi chủ yếu từ vùng sản xuất lúa trước đây. Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, hệ thống thủy lợi trước đây phục vụ sản xuất lúa có khẩu độ nhỏ do nhu cầu cấp và thoát lưu lượng nước nhỏ; NTTS không chỉ cấp thoát nước mà còn cần thau rửa ao nuôi nên nhu cầu trao đổi nước rất lớn. Chính vì thế, hệ thống thủy lợi không phù hợp cả quy mô và cấu trúc, bố trí công trình.

Sóc Trăng có vùng nuôi tôm công nghiệp lớn nhất ĐBSCL với diện tích gần 50.000 ha, nên càng bức xúc về hệ thống thủy lợi. Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh này thừa nhận: “Mỗi năm, tỉnh đầu tư chưa đến 60 tỷ đồng cho thủy lợi nói chung, không tương xứng nhu cầu”. Nguồn vốn đầu tư thủy lợi của tỉnh Sóc Trăng lại chỉ tập trung xây dựng công trình mới, chưa chú trọng nâng cấp hoặc cải tạo hệ thống thủy lợi cũ cho phù hợp NTTS. NTTS hiện đại còn cần hệ thống cấp nước tách biệt với thải nước, để đảm bảo nguồn nước vào ao nuôi trong lành, chống lây lan dịch bệnh. Vì thế dịch bệnh mỗi khi xảy ra thường lan rộng và kéo dài, vì hệ thống thủy lợi bất cập.

Tỉnh Bạc Liêu có diện tích nuôi tôm công nghiệp lớn, hệ thống thủy lợi bất cập đang để lại những hậu quả không thể coi thường. Dịch bệnh lây lan khiến một số diện tích nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp ven biển Đông phải bỏ hoang, có dấu hiệu bị sa mạc hóa, trở thành đất chết.

Tỉnh Hậu Giang ở trung tâm ĐBSCL, có sông rạch chằng chịt, nguồn nước ngọt dồi dào cho việc nuôi cá tra, rô đồng, thát lát, lóc, bống tượng… Tuy nhiên, chưa có hệ thống thủy lợi cho nuôi trồng thủy sản nên đang ngăn cản sự phát triển.

Ngành thủy sản cần có hệ thống thủy lợi riêng – Ảnh: Huy Hùng  

Ông Phan Thành Hưng nuôi cá tra ở xã Đại Thành (thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang) nói: “Trước nay, chúng tôi nuôi cá tra bằng cách lấy nước sông lên. Khi nguồn nước bị ô nhiễm là đối mặt nhiều rủi ro. Nhất là khi nông dân làm lúa bơm nước trong ruộng ra, nước chứa nhiều chất ô nhiễm, người nuôi cá đón dòng nước ấy dù có xử lý trước khi sử dụng thì cũng đầy khó khăn và không thể an toàn tuyệt đối”.

 

Tăng cường đầu tư

Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng cho biết: Nước ô nhiễm về cơ bản không gây ngộ độc cho tôm cá nhưng làm giảm lượng ôxy, khi đó các vi sinh vật có hại sẽ tăng và gây bệnh cho thủy sản nuôi trồng. Vì vậy, phải quản lý môi trường nước tốt thì NTTS mới phát triển bền vững. Chính là yêu cầu phải xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ NTTS.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Kiên Giang đồng quan điểm khi cho rằng, để phát triển NTTS bền vững, hệ thống thủy lợi ở ĐBSCL cần được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, hoàn thiện đồng bộ. Hiện, hệ thống thủy lợi cho NTTS khu vực ĐBSCL chưa đảm bảo nên người nuôi chưa thật an tâm trong sản xuất và Nhà nước cần tăng cường đầu tư.

“Bộ NN&PTNT quy hoạch nuôi tôm nước lợ khu vực ĐBSCL là rất cần thiết. Song, để phát triển bền vững, lâu dài, trước hết cần đầu tư và hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm. Tránh tình trạng hằng năm diễn ra việc tranh chấp mặn – ngọt giữa người trồng lúa và người nuôi tôm”, Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau nhấn mạnh thêm.

Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam tính toán nhu cầu vốn theo quy hoạch và xây dựng hệ thống thủy lợi khu vực ĐBSCL khoảng 20.000 tỷ đồng. Trong thời điểm này, Viện đã sắp xếp, tập trung đầu tư các dự án, công trình thủy lợi cấp thiết ở các tỉnh ven biển ĐBSCL từ nay đến năm 2020 khoảng 7.000 tỷ đồng. Đồng thời, ưu tiên đầu tư 12 dự án thủy lợi phục vụ nuôi tôm quảng canh cải tiến, thâm canh – bán thâm canh ở các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang, Long An.

Huyện Cái Nước có diện tích nuôi tôm chiếm khoảng 11% của tỉnh Cà Mau nhưng diện tích nuôi công nghiệp chiếm tới 20%. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nguyễn Thanh Giảng cho biết, thủy lợi rất kém, không có kênh cấp nước riêng với tiêu nước theo quy chuẩn, chỉ tận dụng kênh mương của hệ thống canh tác lúa trước đây nhưng nạo vét khơi thông dòng chảy cũng chưa được. Cả huyện có hơn 300 con kênh cấp hai và ba, hằng năm kinh phí chỉ đủ nạo vét 10 con.

>> Trong một lần trả lời phỏng vấn, lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) bức xúc: Xuất khẩu thủy sản mỗi năm mang về 6 – 7 tỷ USD, nhưng đầu tư thủy lợi cho thủy sản còn quá “èo uột”.

Thanh Hải

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!