Cà Mau: Khuyến cáo chăm sóc tôm nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hiện đang trong mùa mưa, chất lượng nước ao sẽ có khả năng suy giảm, các thông số chỉ thị ô nhiễm hữu cơ và dinh dưỡng có khả năng tăng cao do các hiện tượng xói mòn và rửa trôi vật chất trên đất liền vào thủy vực. Trước điều kiện thời tiết trên, Chi cục Thủy sản Cà Mau khuyến cáo đến người nuôi trồng thủy sản một số biện pháp chăm sóc tôm nuôi để phòng tránh thiệt hại trong sản xuất.

Nuôi trồng thủy sản ổn định

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Cà Mau, sản lượng nuôi trồng thủy sản trong tháng (15/7 – 15/8) ước đạt 33.000 tấn; trong đó, sản lượng tôm ước đạt 19.000 tấn. Lũy kế đến ngày 15/8, sản lượng ước đạt 273.162 tấn đạt 65,82% kế hoạch, tăng 1,17% so cùng kỳ; tôm 160.900 tấn đạt 66,21% kế hoạch, tăng 0,79% so cùng kỳ.

Lũy kế đến 15/8, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến đạt 187.621,8 ha, đạt 100,33% kế hoạch năm 2024 (187.000 ha), tăng 4,32% so cùng kỳ (diện tích cùng kỳ đạt 179.854,8 ha). Trong đó: U Minh: 18.721 ha, Thới Bình: 16.200 ha, Trần Văn Thời: 15.072 ha, TP Cà Mau: 5.500 ha, Đầm Dơi: 48.000 ha, Cái Nước: 28.700 ha, Phú Tân: 27.152,8 ha, Năm Căn: 14.451 ha, Ngọc Hiển: 13.825 ha.

Thường xuyên kiểm tra các yếu tố thủy lý, hóa trong ao và biểu hiện hoạt động của tôm nuôi, để kịp thời phát hiện. Ảnh: Bích Ngọc

Bên cạnh đó, tình hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh ổn định. Lũy kế đến ngày 15/8 diện tích nuôi ước đạt 6.525,04 ha/7.378 hộ, đạt 95,96% kế hoạch năm 2024 (6.800 ha), tăng 2,26% so cùng kỳ (diện tích cùng kỳ 6.380,57 ha/7.653 hộ). Trong đó: Cái Nước: 1.102 ha/1.463 hộ; Đầm Dơi:1.590 ha/2.155 hộ; Năm Căn: 718,971 ha/486 hộ; Ngọc Hiển: 383,86 ha/137 hộ; Phú Tân: 1.326,53 ha/1.630 hộ; Thới Bình: 89,68 ha/93 hộ; Trần Văn Thời: 814 ha/850 hộ; TP Cà Mau: 500 ha/564 hộ. Diện tích đang nuôi là 4.720 ha chiếm 72,34% (diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng chiếm khoảng 96%), diện tích đang cải tạo chuẩn bị thả nuôi khoảng 1.805,04 ha chiếm 27,66%. Trong đó:

Diện tích nuôi tôm siêu thâm canh ổn định. Lũy kế đến ngày 15/8 đạt 4.997,76 ha/5.075 hộ nuôi, đạt 96,11% kế hoạch năm 2024 (5.200 ha), tăng 7,67% so cùng kỳ (cùng kỳ 4.641,86 ha/4.791 hộ).

Diện tích nuôi tôm thâm canh ổn định. Lũy kế diện tích đến ngày 15/8 ước đạt 1.527,25 ha/2.303 hộ, đạt 95,45% kế hoạch năm 2024 (1.600 ha), bằng 85,32% so cùng kỳ (cùng kỳ 1.790,09 ha).

Toàn tỉnh hiện có 1.341,8 ha nuôi cá chình, bống tượng; trong đó, diện tích cá chình 730 ha, cá bống tượng 611,8 ha.

Diện tích nuôi cá sặc rằn (cá bổi) thâm canh trên địa bàn tỉnh là 143,3 ha/495 hộ nuôi (tập trung tại huyện Trần Văn Thời – đến ngày 15/8 đã thả nuôi được 105,3 ha/355 hộ). Huyện U Minh chủ yếu là nuôi cá bổi kết hợp với trồng lúa và nuôi kết hợp các loài cá khác thả trong khu vực lâm phần rừng tràm để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên với diện tích khoảng 150 ha.

Diện tích còn lại nuôi cá đồng truyền thống.

Phòng tránh thiệt hại

Hiện đang trong mùa mưa, chất lượng nước có khả năng suy giảm, các thông số chỉ thị ô nhiễm hữu cơ và dinh dưỡng có khả năng sẽ tăng cao do các hiện tượng xói mòn và rửa trôi vật chất trên đất liền vào thủy vực. Môi trường có khả năng biến động lớn, sẽ gây bất lợi cho động vật thủy sản. Các biến đổi bất thường về nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa… gây nên các hiện tượng “sốc môi trường” cho thủy sản nuôi, làm tăng mức độ mẫn cảm của vật nuôi đối với mầm bệnh, từ đó dễ dẫn đến các trường hợp bùng phát dịch bệnh và lây lan trên diện rộng. Trước điều kiện thời tiết trên, Chi cục Thủy sản khuyến cáo đến người nuôi trồng thủy sản một số biện pháp chăm sóc tôm nuôi để phòng tránh thiệt hại trong sản xuất. Cần cải tạo ao/vuông thật kỹ, đúng quy trình sao cho có thể loại bỏ được mầm bệnh còn tồn đọng. Lắng, lọc, diệt khuẩn và xử lý nước trước khi lấy vào ao/vuông nuôi, nhất là những thủy vực có hàm lượng các chất ô nhiễm, vi khuẩn cao. Nên chủ động nguồn nước sạch và có nơi trữ nước để cung cấp, thay nước cho ao/vuông nuôi khi cần thiết. Hạn chế trao đổi nước trực tiếp với môi trường bên ngoài sông, rạch khi chưa qua xử lý.

Tập trung gia cố bờ bao, cống để tránh sạt lở và nước tràn bờ làm thủy sản thất thoát. Nên tháo bỏ lớp nước mặt trong và sau khi mưa, đồng thời tăng cường quạt nước để tránh hiện tượng phân tầng nước. Dùng vôi nông nghiệp, hoặc vôi sống tạt trên bờ trước khi mưa, sau khi mưa hòa vôi trong nước tạt đều quanh ao/vuông nuôi (từ 10 – 20 kg/1.000 m2 ao nuôi).

Chủ động giảm hoặc ngưng cho tôm ăn trong thời gian có mưa vì khi mưa tôm nuôi dễ bị sốc môi trường và giảm khả năng bắt mồi. Thường xuyên kiểm tra các yếu tố thủy lý, hóa trong ao/vuông và biểu hiện hoạt động của tôm nuôi, để kịp thời phát hiện diễn biến mầm bệnh, nhất là vào những ngày mưa to. Duy trì pH ở mức thích hợp 7,5 – 8,5 và dao động giữa sáng và chiều không quá 0,5 đơn vị.

Sau khi mưa cần bổ sung các chất tăng sức đề kháng, chế phẩm vi sinh giúp ổn định môi trường, hạn chế khí độc trong ao/vuông nuôi. Ngoài ra, định kỳ bổ sung men tiêu hóa, vi lượng, khoáng chất, vitamin,… đặc biệt là Vitamin C vào khẩu phần ăn hằng ngày để tăng sức đề kháng cho tôm nuôi.

Hộ nuôi lưu ý chọn con giống tốt, đã qua xét nghiệm để thả nuôi, thả tôm với mật độ vừa phải, đối với tôm thẻ chân trắng nuôi ao đất mật độ 60 – 70 con/m2, ao lót bạt 100 – 150 con/m2, đối với tôm sú 15 – 20 con/m2.

Ngoài ra, hộ nuôi nên thường xuyên theo dõi các thông báo, khuyến cáo tại địa phương, các tin tức trên báo, đài và các trang thông tin điện tử để nắm bắt thông tin từ đó có biện pháp ứng phó kịp thời.

Nguyễn Hằng

(Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!