Tờ mờ sáng, nhà anh Tư Thới (Nguyễn Minh Thới, ấp Rạch Nhum, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời) đã bắt đầu rộn ràng. Bà con hàng xóm đến ngày một đông, người thì lo căng băng rôn, người lo dọn bàn ghế chuẩn bị cho buổi bế giảng lớp chuyển giao kỹ thuật nuôi cá trê vàng. Trong khi đó, gia đình anh Tư Thới đang tất bật ngoài ao, chuẩn bị thu hoạch vụ nuôi cá trê vàng đầu tiên. Mô hình của anh cũng là mô hình trình diễn của lớp học.
Lớp kỹ thuật nuôi cá trê vàng thuộc khóa học thứ 3 Trung tâm Dạy nghề (TTDN) huyện chuyển giao và là khóa học thứ 10 những ngành nghề nông nghiệp được TTDN phối hợp với UBND xã Khánh Bình Ðông đào tạo trên địa bàn xã, nhằm mở rộng nhiều nghề mới cho lao động nông thôn. Kỹ thuật nuôi cá trê vàng được đào tạo tại địa phương đã mang lại hiệu quả thiết thực và phù hợp với nhu cầu của lao động nông thôn. Với 50 kg cá giống ban đầu, sau 3 tháng nuôi, anh Tư Thới thu hoạch được 700 kg, trừ chi phí đầu tư con giống, thức ăn… gia đình anh có lợi nhuận khoảng 25 triệu đồng.
Gia đình anh Tư Thới thu hoạch cá trê vàng.
“Thu nhập chưa phải là cao lắm, nhưng nuôi cá trê vàng ít rủi ro, ít thiệt hại, không tốn nhiều thời gian chăm sóc. Trong quá trình nuôi, mình có thể làm nhiều việc khác để tăng thu nhập gia đình”, anh Tư Thới bộc bạch.
Bà Phạm Phương Liên, Phó Giám đốc TTDN huyện Trần Văn Thời, cho biết: “Trong công tác đào tạo, TTDN luôn đảm bảo yêu cầu chất lượng và hiệu quả sau đào tạo. Sau khi lao động nông thôn được đào tạo về kiến thức ngành nghề nông nghiệp, cụ thể như kỹ thuật nuôi cá trê vàng, sẽ ý thức được trách nhiệm trong lao động và có tâm lý vững vàng. Ðiều đó sẽ tác động tích cực đến suy nghĩ lao động nông thôn, tiếp tục phát huy nghề mà mình đã lựa chọn cho bản thân”.
Tuy nhiên, để duy trì đủ thời lượng hướng dẫn, bảo đảm số lượng học viên trong quá trình đào tạo lớp kỹ thuật nuôi các trê vàng này, TTDN và UBND xã gặp không ít khó khăn vì độ tuổi và trình độ học viên không đồng đều. Mặt khác, thời gian đào tạo lại trùng với thời vụ xả nước, sạ lúa, thời tiết thay đổi thất thường… nên việc duy trì lớp học theo lịch là không dễ. Song, học tại chỗ, học viên giảm được chi phí đi lại, vừa học được nghề lại vừa đảm bảo được công việc gia đình. Cùng với tinh thần cầu thị, học viên đã phấn đấu vượt khó khăn, kiên trì học tập để đạt được những kết quả tốt nhất.
Hướng cho học viên có việc làm sau khi đã được đào tạo nghề, trung tâm chú trọng hiệu quả, đi sâu xây dựng nội dung chương trình sát với thực tế và nhu cầu của học viên khi đã quyết định lựa chọn nghề cho bản thân nên lao động sau đào tạo ở một số địa phương có việc làm đạt khá cao, từ 80-90%, tập trung ở một số ngành nghề nông nghiệp và chăn nuôi thú y. Bởi, những ngành nghề này, các lớp học đều có những mô hình trình diễn rất gần gũi với thực tiễn, tạo cho học viên tinh thần hăng say học tập.
Theo bà Phạm Phương Liên, thời gian qua, TTDN chú trọng đến mạng lưới thông tin, kịp thời phối hợp, lựa chọn một số ngành nghề mang tính thiết yếu và thế mạnh của từng địa phương, có tiềm năng và lợi thế đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Thế nhưng hiện nay, TTDN còn thiếu thiết bị dạy nghề, nhất là lĩnh vực kỹ thuật may dân dụng, không đủ máy phục vụ, thiếu giáo viên cơ hữu giảng dạy một số ngành. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận lao động nông thôn còn nhiều hạn chế, trình độ văn hóa không đồng đều, nhiều đối tượng nằm trong diện hộ nghèo và hộ cận nghèo không chịu học nghề, không có ý chí vượt khó trong cuộc sống, không có sự tích luỹ. Một số học viên thiếu tính kỷ luật trong học tập, dẫn đến việc tuyên truyền chiêu sinh, đào tạo, mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn thời gian qua gặp không ít khó khăn.
Vì vậy, thời gian tới, TTDN mong được sự hỗ trợ của các ngành, các cấp chính quyền, tạo mọi điều kiện tốt hơn nữa để TTDN tiếp tục mở rộng các ngành nghề đào tạo, nhất là một số ngành nghề mà địa phương rất cần trong thời điểm hiện nay và đào tạo một số ngành nghề theo yêu cầu người học. Ðó cũng chính là mục tiêu, quyết tâm của trung tâm để thu hút ngày càng nhiều đối tượng lao động nông thôn theo học, tạo và tìm việc làm ổn định, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội ở nông thôn./.
>> Từ đầu năm đến nay, TTDN huyện Trần Văn Thời đã đào tạo được 43 lớp với trên 1.500 học viên tham gia học nghề, trong đó đào tạo theo Đề án 1956 được 40 lớp với gần 1.400 học viên, đào tạo ở lĩnh vực nghề nông nghiệp được 20 lớp có trên 660 học viên, tập trung ở một số ngành nghề: kỹ thuật nuôi cá trê vàng, kỹ thuật nuôi lươn, kỹ thuật nuôi tôm quảng canh cải tiến, kỹ thuật trồng hoa kiểng, trồng rau màu… Bên cạnh đó, đào tạo nghề ở lĩnh vực phi nông nghiệp được 20 lớp, có gần 700 học viên tham gia, ngành nghề chủ yếu là: may dân dụng, điện dân dụng, nữ công gia chánh… |