Cà Mau: Trọng tâm công tác khuyến ngư

Chưa có đánh giá về bài viết

Là trung tâm lớn về nuôi trồng và khai thác, chế biến thủy sản trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau có nhiều biện pháp thúc đẩy phát triển thủy sản, đặc biệt chú trọng công tác khuyến ngư.


Mục tiêu phát triển

Theo quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Cà Mau đến năm 2020, Chương trình phát triển nuôi tôm công nghiệp đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, tỉnh Cà Mau đã quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản đến năm 2020, điều chỉnh bổ sung quy hoạch sản xuất tôm giống đến năm 2020, quy hoạch các vùng nuôi tôm thâm canh tập trung ở các huyện và thành phố Cà Mau.

Tỉnh Cà Mau cũng chú trọng đẩy mạnh xây dựng liên kết 4 nhà để giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả, phát triển bền vững. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, giảm dịch bệnh, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích. Tăng cường đào tạo tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. Phấn đấu đến năm 2020 trên 90% người nuôi tôm nắm vững kiến thức kỹ thuật.

Toàn tỉnh hiện có 32 công ty và 41 nhà máy chế biến, trong đó có 33 nhà máy chế biến tôm, 4 nhà máy bột cá, 2 nhà máy chế biến chả cá, 2 nhà máy chế biến đầu vỏ tôm. Ngoài ra, địa phương này còn có 876 cơ sở sản xuất con giống và 223 cơ sở kinh doanh con giống. Trên địa bàn tỉnh Cà Mau còn có gần 200 cơ sở dịch vụ thức ăn, thuốc thú y thủy sản với hơn 800 cơ sở thu mua tôm gắn kết giữa nhà máy chế biến với vùng nuôi. Với số lượng cơ sở sản xuất và kinh doanh con giống nói trên, hàng năm, từ các cơ sở này đã cung cấp ra thị trường khoảng 8 – 9 tỷ con giống tôm sú, đáp ứng khoảng 40% lượng tôm giống thả nuôi trong tỉnh. Số tôm giống còn lại được nhập từ các tỉnh khác về vào khoảng 10 – 11 tỷ con tôm sú và khoảng 3 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng.

Tỉnh Cà Mau cũng đã đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất, thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, khắc phục hệ thống thủy lợi cũ để phù hợp khi chuyển dịch sang nuôi trồng thủy sản. Để phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản được thuận lợi, Cà Mau đã đầu tư hệ thống điện lưới khá toàn diện, toàn bộ các trung tâm xã, thị trấn đều có hệ thống mạng lưới điện trung thế hầu hết các xóm, ấp đều có điện sinh hoạt và sản xuất với hơn 96% tổng số hộ trong tỉnh. Lưới điện đã đưa đến 82/82 xã, đạt 100% số xã có điện.

khô cá bổi cà mau

Cá bổi làm khô mang lại hiệu quả cao cho nhiều hộ dân tộc Khmer – Ảnh: Huỳnh Lâm

Cùng với việc đầu tư, nâng cấp các cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển thủy sản, thời gian qua, công tác khuyến ngư cũng được các ngành chức năng của tỉnh Cà Mau quan tâm, theo đó, hệ thống khuyến ngư cơ sở đã hình thành đến tất cả các xã, với một lực lượng cán bộ được đào tạo cơ bản, có năng lực chuyên môn và có nhiều kinh nghiệm. Công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân luôn được tăng cường, thực hiện từ nhiều nguồn chương trình, dự án khác nhau.

 

Hướng đến đồng bào thiểu số

Cà Mau là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tập trung ở các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình… Để phát triển khuyến ngư, giúp đồng bào Khmer thoát nghèo bền vững, tỉnh đã tăng cường đội ngũ cán bộ khuyến nông về cơ sở; đồng thời, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số về ý nghĩa, tầm quan trọng việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống, qua đó, nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Anh Phạm Thanh Tùng, Trưởng trạm Khuyến nông – Khuyến ngư U Minh, cho biết: Người dân Khmer ở U Minh chủ yếu làm nghề nông, vốn cần cù, siêng năng lao động nhưng do tập quán canh tác lạc hậu, ít quan tâm việc đưa tiến bộ khoa học – kỹ thuật mới vào sản xuất. Vì vậy, chúng tôi mở lớp tập huấn, chỉ dẫn bà con cách chọn giống lúa có năng suất cao; cách bón phân, chăm sóc, diệt trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi… Kết quả là nhiều mô hình làm ăn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Điển hình là anh Trà Sơn, người dân tộc Khmer, ở Ấp 10, xã Khánh Thuận, huyện U Minh. Mô hình kinh tế tổng hợp nuôi tôm – cua – cá kết hợp, trồng cây ăn trái, nuôi gà bằng chế phẩm sinh học của anh Sơn phần lớn là nhờ vào khoa học công nghệ: Điện thoại di động để liên hệ làm ăn, mua máy vi tính lên mạng tìm hiểu cách canh tác nông nghiệp… nhờ đó mà anh Sơn có kiến thức theo kịp sự phát triển xã hội.

Bên cạnh đó, một số mô hình khác như nuôi cá bổi, lươn, cá sấu… mang lại lợi nhuận khả quan. Điển hình phải kể đến 14 hộ dân tộc Khmer ở ấp Đá Bạc A – đây là một trong những mô hình khuyến nông mang lại hiệu quả cao ở huyện Trần Văn Thời. Tiêu biểu là mô hình của ông Danh Col và bà Thạch Thị Cum, áp dụng kỹ thuật lai tạo thành công cá giống tại địa phương nên giá thành rẻ, thời gian nuôi 6 – 7 tháng, cá đạt cỡ 7 con/kg. Ngoài nuôi cá, ông Col còn cải tiến lò sấy làm khô cá bổi được quanh năm, bất kể thời tiết mưa nắng. Mỗi năm gia đình ông Col lợi nhuận gần 200 triệu đồng…

>> Trong mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh Cà Mau luôn coi trọng đến công tác chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật; nhất là việc lồng ghép vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội địa phương; đặc biệt ưu tiên vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hỗ trợ vốn để họ có nguồn lực đầu tư ứng dụng tiến bộ học – kỹ thuật vào sản xuất, từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Khmer.

Huỳnh Lâm - Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!