Cà Mau: Ứng dụng cơ giới hoá trong cải tạo đầm nuôi thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Đây là mô hình được Trung tâm Khuyến nông Cà Mau triển khai tại ấp Tân Phong, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước nhằm giúp nông dân nuôi tôm đạt hiệu quả hơn.

Mô hình được triển khai với diện tích 20 ha, có 12 hộ dân ấp Tân Phong tham gia. Tổng vốn đầu tư trên 335 triệu đồng, trong đó nông dân đối ứng hơn 290 triệu đồng, phần còn lại do Nhà nước hỗ trợ. Ðiểm mới của mô hình là sử dụng máy để cày hoặc trục đầm nuôi thủy sản. Bởi sau nhiều năm sản xuất, đầm vuông tôm luôn ở trong môi trường ngập nước, phát sinh một số loại khí độc gây bất lợi cho tôm nuôi, thậm chí tôm nuôi có thể bị thiệt hại do các yếu tố môi trường biến động. Thêm vào đó, nguồn thức ăn tự nhiên trong vuông ngày càng cạn kiệt, không đảm bảo cung cấp cho tôm nuôi, dẫn đến tôm chậm phát triển và năng suất giảm.

Nuôi tôm hai giai đoạn ở Cà Mau. Ảnh: ST

Ðể khắc phục vấn đề này, mô hình đã đưa cơ giới vào cải tạo đầm, kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học cải thiện các yếu tố môi trường, tái tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm nuôi, kết hợp ứng dụng quy trình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn. Với sự kết hợp đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học – kỹ thuật, mô hình ứng dụng cơ giới hoá, sau 4 tháng thả nuôi, tôm phát triển nhanh, tỷ lệ đạt đầu con cao, trọng lượng trung bình từ 30 – 35 con/kg, năng suất ước đạt 350 kg/ha, cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với hình thức nuôi quảng canh truyền thống. Theo Trung tâm Khuyến nông Cà Mau, việc sử dụng cơ giới hóa trong cải tạo đầm vuông tôm nhằm làm cho đất thoáng và giải phóng các hợp chất hữu cơ tồn tại trong nền đáy vuông tôm, tạo điều kiện cho hệ sinh thái phát triển, kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học cải thiện môi trường, làm cho đất đai màu mỡ hơn, tạo nguồn thức ăn tự nhiên giúp tôm nuôi quảng canh cải tiến đạt hiệu quả hơn.

Thái Dương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!