Cá tra “khát” giống

Chưa có đánh giá về bài viết

Tại Hội nghị “Triển khai nhiệm vụ phát triển ngành hàng cá tra năm 2018” do Bộ NN&PTNT cùng UBND TP Cần Thơ tổ chức ngày 16/3, ba vấn đề nóng bỏng được các đại biểu nêu lên. Đó chính là chất lượng con giống, quản lý vùng nuôi và chế biến, xuất khẩu.

Hiện cá tra giống chất lượng không đủ đáp ứng nhu cầu nuôi   Ảnh: Phan Thanh Cường

Hiện cá tra giống chất lượng không đủ đáp ứng nhu cầu nuôi Ảnh: Phan Thanh Cường

Chất lượng giống

Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Dương Nghĩa Quốc nói: “Hiện nay nóng nhất là con giống”. Ông Quốc cũng là người nuôi hàng chục ha cá tra nhiều năm nay cho biết cứ thả 3 con giống thì chỉ có một con sống sót thành cá thịt. “Mỗi năm ĐBSCL cần 2 tỷ con giống, từ khoảng 20 tỷ con cá tra bột nhưng thực tế có thể cần tới 26 – 27 tỷ cá tra bột, như thế bao nhiêu cá tra bố mẹ mới đáp ứng nhu cầu? Đây là vấn đề rất căn bản để đảm bảo ngành cá tra phát triển bền vững”, ông Quốc bày tỏ.

Ông Huỳnh Văn Mừng, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Mừng Liên ở Đồng Tháp, cũng lo lắng trước thực trạng chất lượng giống cá tra đã giảm ở mức báo động. Theo ông, tỷ lệ ở các khâu sản xuất giống hiện nay, bình quân từ cá bột lên cá hương chỉ sống dưới 20%, từ cá hương lên cá giống chỉ sống dưới 40%, đều rất thấp. Ông Mừng kiến nghị: “Các cơ quan ban ngành quan tâm khẩn cấp giúp người dân và doanh nghiệp ở vụ chính nuôi cá tra trước mắt của năm nay, để có đủ cá nguyên liệu chế biến cho cả năm 2018”.

Chất lượng cá giống ngày càng giảm có nguyên nhân, chủ yếu sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, chưa được đào tạo kỹ thuật. Khảo sát của Sở NN&PTNT Đồng Tháp, địa phương có số cơ sở sản xuất cá giống nhiều nhất cũng như diện tích nuôi cá tra lớn nhất ĐBSCL, hiện nay, 99% số cơ sở sản xuất giống là hộ gia đình với diện tích mỗi hộ chủ yếu 0,2 – 2 ha. Trong đó, 90% sản xuất theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo kỹ thuật và có đến 80% số cơ sở chỉ đạt tỷ lệ dưới 9% cá bột thành cá giống.

Bên cạnh là chất lượng cá tra bố mẹ chưa đáp ứng yêu cầu. Đại diện Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II cho biết, năm 2010 – 2012, cung cấp cho ĐBSCL 101.000 cá hậu bị chọn giống và lúc đó đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu cá tra bố mẹ. Đến nay, số cá hậu bị chỉ còn khoảng 60.000 con và sắp hết thời gian sản xuất giống. Tổng cục Thủy sản thông tin, đang chuẩn bị phát tán đàn hậu bị nâng cao chất lượng di truyền vào đầu vụ sinh sản năm 2018, dự kiến mỗi năm 15.000 con cho đến năm 2020. Hiện rất thiếu cá tra giống, giá trong 3 tháng đầu năm 2018 lên tới 64.000 – 75.000 đồng/kg với cỡ 30 con/kg và 70.000 – 81.000 đồng/kg với cỡ 50 con/kg (gấp 3 – 4 lần giá thành) mà không có con giống để mua.

Quản lý nuôi

Số liệu của Tổng cục Thủy sản, tính đến 10/3/2018, lũy kế diện tích thả nuôi cá tra là 1.927 ha, tăng 0,4% so cùng kỳ năm 2017. Trong lúc, diện tích thu hoạch 460 ha và lũy kế sản lượng thu hoạch 151.280 tấn ha. Còn theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, năng suất trung bình hiện đã đạt 334 tấn/ha, tăng so năm 2017 chỉ 308 tấn/ha.

Với tình hình cá tra giống chất lượng thấp, để đạt năng suất cao, phải thả giống mật độ cao. Đại diện các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và nghiên cứu đều cho rằng, mật độ thả giống hiện 80 – 100 con/m2 là quá dày. Đại diện Cục Thú y phân tích, do nuôi quá dày, thức ăn đưa xuống nhiều, cá ăn không hết gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh phát sinh. Nếu dùng thuốc trị bệnh cho cá càng gây ô nhiễm môi trường, lại tăng dịch bệnh. Đại diện Sở NN&PTNT Đồng Tháp cũng đánh giá: “Cá bệnh nhiều, khó điều trị… Từ đó, việc sử dụng thuốc hóa chất ngày càng nhiều hơn đã làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường”.

“Có những vùng nuôi đạt năng suất đến khoảng 600 tấn/ha, quá cao”, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Dương Nghĩa Quốc cho biết thêm. Hậu quả môi trường ô nhiễm, dịch bệnh sẽ ảnh hưởng tới chất lượng an toàn thực phẩm cá tra. Nên các ý kiến phát biểu thống nhất: cần nuôi thưa, khoảng 50 con/m2. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long Liêu Cẩm Hiền đề xuất: “Khuyến khích đầu tư các mô hình nuôi tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao, nuôi thủy sản hữu cơ và thân thiện môi trường”.

Để việc quản lý nuôi đi vào thực chất, cho sản phẩm an toàn thực phẩm, cần liên kết chuỗi và đây cũng đang là vấn đề của ngành cá tra. Tỉnh An Giang khá tập trung cho công tác này nhưng theo Sở NN&PTNT, hiện mới “làm việc với 5 doanh nghiệp để mời gọi tham gia chuỗi liên kết gồm: Công ty CP Cá tra Việt – Úc, Công ty TNHH MTV Nuôi trồng Thủy sản Hà Nội – Cần Thơ (HACA), Công ty CP Tập đoàn Sao Mai, Công ty CP Nam Việt, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Lộc Kim Chi”.

Cá giống thiếu, liên kết yếu nên các nhà máy chế biến, xuất khẩu đang thiếu nguyên liệu trầm trọng và có thể còn kéo dài. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang Ong Hằng Văn ở tỉnh Đồng Tháp dự báo trong 3 tháng tới, cá tra nguyên liệu chỉ đủ đáp ứng 50% nhu cầu. Phía VASEP thì cho rằng: “tình trạng thiếu cá tra nguyên liệu sẽ kéo đến hết quý I/2018”, nhấn mạnh thách thức thiếu nguyên liệu đang đè nặng lên ngành cá tra. Hiện giá cá tra nguyên liệu đã đạt mức kỷ lục, trên 30.000 đồng/kg.

Thị trường xuất khẩu

Trong lúc nguyên liệu nóng bỏng khó khăn thì thị trường xuất khẩu cá tra dù có những tín hiệu khả quan đầu năm, vẫn đối diện nhiều thách thức rủi ro. Phó Tổng thư ký VASEP Tô Tường Lan phân tích những tác động tích cực từ các chính sách của Việt Nam trong việc kiểm soát và nâng cao chất lượng cá tra thời gian qua, đưa tới kết quả xuất khẩu cá tra trong tháng 1/2018, tăng 7,4% so tháng 12/2017 và tăng 43,7% so cùng kỳ năm 2017.

Thách thức lớn nhất thời gian tới cũng ở thị trường Mỹ, thị trường có giá trị đảm bảo uy tín chất lượng để cá tra dễ dàng vào các thị trường khác. Ông Võ Đông Đức, Giám đốc Công ty CP XNK Thủy sản Cần Thơ (CASEAMEX) cho biết, Mỹ vừa công bố chính thức áp thuế chống bán phá giá kỳ gần nhất với mức rất cao. Theo đó, có 2 doanh nghiệp mức thuế dưới 1 USD/kg, 9 doanh nghiệp được xem xét riêng biệt với mức thuế 3,87 USD/kg, còn các doanh nghiệp khác phải chịu thuế 7,74 USD/kg.

Trong lúc đó, thị trường Trung Quốc và Hồng Kông đang tăng mạnh nhưng bà Lan cho biết, xuất khẩu tiểu ngạch chiếm tới 44%, với giá trị chỉ chiếm 23%. Chênh lệch giá xuất khẩu giữa chính ngạch với tiểu ngạch tới 1 USD/kg, chất lượng sản phẩm và thương mại chưa được 9 doanh nghiệp xuất khẩu tiểu ngạch chú trọng. Điều này ẩn chứa nguy cơ gây hại cho cá tra ở tương lai, nếu không kịp thời điều chỉnh. “Cần tiếp tục tháo dỡ các rào cản tại thị trường Mỹ, có chiến lược dài hạn phát triển thị trường Trung Quốc với việc kiểm soát chất lượng hàng qua biên mậu”, bà Lan nêu giải pháp.

>> Theo các chuyên gia, năm 2017, vấn đề bảo hộ không chỉ có Mỹ, mà các nước cũng áp dụng nhiều biện pháp cứng nhắc hơn như thuế chống bán phá giá rất cao và vô lý gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nói chung, cá tra nói riêng. Do đó, cần định hướng, giúp đỡ doanh nghiệp có cơ hội vượt qua trở ngại liên quan đến rào cản, chính sách bảo hộ mậu dịch đối với ngành thủy sản.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!