Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát vừa yêu cầu khẩn trương có các giải pháp để không gián đoạn xuất khẩu cá tra sang Mỹ, sau khi ngày 26/11, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ban hành quy định mới đối với các nhà cung cấp cá da trơn. USDA yêu cầu giám sát các trang trại và xưởng chế biến cá da trơn trong và ngoài nước, nhằm đảm bảo tiêu chuẩn tương đồng với tiêu chuẩn Mỹ đang áp dụng. Quy định có hiệu lực từ tháng 3/2016.
Theo đó, tất cả các loại cá thuộc họ Siluriformes, bao gồm cá tra và cá basa của Việt Nam sẽ thuộc thẩm quyền giám sát của Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm (FSIS). FSIS giám sát chặt chẽ từ khâu tạo giống, thức ăn chăn nuôi, các loại kháng sinh sử dụng trong quá trình nuôi, các quy trình, hệ thống của nhà máy chế biến, đóng gói, dán nhãn, ghi rõ trọng lượng fillet, trọng lượng nước, vận chuyển, kho nhập khẩu, phân phối ra thị trường Mỹ đến hệ thống các nhà hàng Mỹ sử dụng sản phẩm cá tra phục vụ thực khách tại Mỹ. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, quy định này sẽ gây khó khăn cho con cá tra Việt Nam cũng như nhiều loại cá da trơn khác. Việc áp dụng các tiêu chuẩn này sẽ rất khó khăn. Ngay cả Nghị định 36 về cá tra nhằm nâng cao một số tiêu chuẩn chất lượng trong nước cũng đã vấp phải sự phản ứng của doanh nghiệp, nói chi áp dụng theo tiêu chuẩn Mỹ.
Khi có hiệu lực từ tháng 3/2016, quy định sẽ được triển khai từng bước trong hơn 18 tháng tiếp theo. Các nhà cung cấp cá da trơn nước ngoài có thời gian thực hiện những điều chỉnh cần thiết để đáp ứng yêu cầu của USDA. Cơ quan này sẽ kiểm tra, giám sát thường xuyên, thậm chí hàng ngày, trực tiếp tại các cơ sở nuôi và chế biến cá, thay vì giám sát và kiểm tra ngẫu nhiên như hiện nay.
Trong 18 tháng chuyển tiếp, các nhà cung cấp nước ngoài muốn xuất khẩu cá da trơn vào Mỹ, phải qua các cuộc kiểm tra và lấy mẫu ít nhất là hàng quý do FSIS tiến hành. FSIS cam kết sẽ từng bước giới thiệu và triển khai chương trình thanh tra mới, nhằm đảm bảo ngành sản xuất cá da trơn trong nước và các đối tác quốc tế nắm được yêu cầu của FSIS.
Nay Bộ trưởng Cao Đức Phát vẫn phải yêu cầu: “Nếu quy định, tiêu chuẩn nào còn vênh với thông lệ quốc tế, nhất định phải điều chỉnh”. Cũng theo Bộ trưởng, bên lề Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tổ chức đầu tháng 12/2015 tại Paris (Pháp), ông đã trao đổi với Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack, nêu lên quan ngại của Việt Nam và đề nghị cùng tháo gỡ. Bộ trưởng Tom Vilsack ghi nhận và khẳng định, cố gắng không làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Mỹ. Đại diện doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra cho rằng, các doanh nghiệp vẫn thực hiện xuất khẩu bình thường sang thị trường Mỹ cho đến ngày 1/9/2017. Tuy nhiên, trước quy định mới trên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần phải tìm hiểu kỹ thông tin về các quy định của Mỹ; đồng thời, tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu để không thụ động với từng thị trường.
Mặt khác, tham gia kinh tế thị trường thì phải tuân thủ các tiêu chuẩn, không thể đi xin, nhất là xin mãi. Thị trường chất lượng cao không thể xin, còn thị trường chất lượng thấp là Trung Quốc và Hồng Kông đang chiếm tỷ trọng lớn mà Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Võ Hùng Dũng cũng đã cảnh báo, xuất tiểu ngạch nên rủi ro rất cao. Quả là, cá tra Việt Nam để phát triển ổn định, phải “lớn lên” cho bằng người.