Cá tra thoát “cục nước đá”

Chưa có đánh giá về bài viết

Những thông tin đầy bất lợi đối với sản phẩm cá tra Việt Nam ở thị trường Nga, Brazil, Mỹ và EU cho thấy sự cấp bách phải quy hoạch ngành cá tra để thực hiện Nghị định 36, trước hết là nâng cao chất lượng.

Sau nhiều tháng bị cấm cửa, đầu tháng 8, thị trường Nga hé mở cho cá tra Việt Nam thì thị trường Brazil lại tạm đình chỉ nhập khẩu, còn thị trường Mỹ và EU vẫn đà sụt giảm.

 

Vụ án ở Nga

Ngày 21/3/2014, Cơ quan (ngang Bộ) Chống độc quyền LB Nga ra quyết định khởi tố vụ án và thành lập Hội đồng xét xử (HĐXX) vụ vi phạm luật chống độc quyền của sản phẩm cá tra Việt Nam. HĐXX ấn định xét xử ngày 30/4/2014. Bên bị của vụ án là Ban Điều hành xuất khẩu thủy sản (ĐHXKTS) sang Nga của Việt Nam, Hiệp hội Các xí nghiệp sản xuất và thương mại thị trường cá của Nga. Đây là hai đối tác của nhau, đưa cá tra từ Việt Nam sang Nga bán. HĐXX yêu cầu hai bị đơn phải bằng văn bản, giải trình các cuộc đàm phán, các thỏa thuận về giá, khối lượng sản phẩm.

 Ban ĐHXKTS sang Nga được Bộ NN&PTNT lập ngày 16/3/2009, một thí điểm nhằm cứu vãn ngành cá tra khi đó đang lao đao sau cuộc khủng hoảng bùng nổ giữa năm 2008. Ban này tập hợp các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Nga để đảm bảo chất lượng, giá cả, tăng kim ngạch xuất khẩu và xây dựng thương hiệu.

Năm 2010, kim ngạch cá tra xuất sang Nga đạt hơn 50 triệu USD, chưa bằng năm 2008 nhưng có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, lại dậm chân tại chỗ suốt mấy năm, đến năm 2013 giảm còn 40 triệu USD và đầu năm nay bị cấm, do chất lượng sản phẩm kém. Còn nguyên nhân sâu xa, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Hồ Văn Vàng: một số doanh nghiệp nước ta liên kết với một số doanh nghiệp ở Nga (chủ yếu là Việt kiều) độc quyền thao túng giá cá tra.

Vụ án kể trên đã không được xử theo kế hoạch. Có lý do xung đột Ukraina buộc Nga cấm nhập khẩu thủy sản EU và Mỹ, thúc đẩy Nga trở về thị trường châu Á. Liền đó, ngày 15/7/2014, Bộ NN&PTNT giải thể Ban ĐHXKTS sang Nga. Một số cơ quan của Bộ NN&PTNT làm việc với phía Nga để khai thông thị trường. Đầu tháng 8/2014, 7 doanh nghiệp thủy sản (5 doanh nghiệp chế biến cá tra) được trở lại thị trường Nga, sau đó thêm 3 doanh nghiệp nữa.

 

Cá tra Việt Nam đang có cơ hội rộng cửa vào thị trường Nga – Ảnh: Hoàng Vũ

 

Hậu quả “cục nước đá”

Chất lượng sản phẩm cá tra tuột dốc trong mấy năm qua không có gì lạ nhưng bất ngờ ở chỗ, kém đến mức bị cấm tại thị trường có Ban điều hành từng nổi lên như một điển hình hướng tới xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam. Năm 2010, thị trường Nga đã phát hiện 7 lô hàng nhiễm vi sinh vật. Sau nhiều cảnh báo nhưng tình hình ngày càng xấu, tháng 4/2013, Nga bắt đầu cấm cửa một số doanh nghiệp chế biến cá tra của Việt Nam. Số doanh nghiệp bị cấm cửa ngày càng nhiều và đến 31/1/2014, coi như cá tra Việt Nam hết đường vào Nga. Bị cấm vào Nga nghĩa là bị cấm vào cả Belarus và Kazakhstan (cùng Liên minh Hải quan).

Họp tổng kết ngành cá tra năm 2012, chất lượng sản phẩm cá tra đã được khẩn thiết kêu gọi chấn chỉnh; trong đó, tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước quá cao bị lên án nhiều nhất. Phó Chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng chỉ rõ, vì tình trạng thiếu minh bạch, cạnh tranh bằng cách hạ giá nên các doanh nghiệp giảm chất lượng để tồn tại. Giảm chất lượng chủ yếu bằng hành vi gian dối, dùng hóa chất để tăng hàm lượng nước trong thịt cá và tăng tỷ lệ mạ băng. Ông Dũng khẩn thiết: Hãy nói không với hóa chất tăng trọng nước, giảm tỷ lệ mạ băng, yêu cầu công khai tỷ lệ mạ băng lên bao bì. Cùng đó, Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cảnh báo: 7/10 thị trường lớn của cá tra đang giảm mạnh.

Những lời kêu gọi đó không có tác dụng thực tế. Tám tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu cá tra vào hai thị trường lớn nhất là Mỹ giảm 19,6%, EU giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2013. Cá tra đã phát triển những thị trường tiếp theo như ASEAN, Brazil và các thị trường nhỏ để tổng kim ngạch 8 tháng chỉ giảm 1%, trong đó Brazil tăng 17,8% nhưng sang tháng 9 lại tạm cấm nhập.

 

Hy vọng quy hoạch

Nghị định 36 có những quy định cụ thể hàm lượng nước và tỷ lệ mạ băng sản phẩm cá tra, buộc phải thực hiện nếu muốn xuất khẩu, lúc mới ban hành có nhiều doanh nghiệp kêu khó. Những doanh nghiệp đó nại rằng hàm lượng nước hay tỷ lệ mạ băng là theo yêu cầu của khách hàng. Lập luận đó đi ngược những kêu gọi của lãnh đạo VASEP. Hơn nữa, chưa có khách hàng nào yêu cầu mua sản phẩm cá tra “như cục nước đá”. Nhiều khách hàng nước ngoài đã thẳng thắn yêu cầu cá tra có chất lượng. Tại hội chợ thủy sản quốc tế ở Nga mới đây, Giám đốc điều hành Công ty DF (từng mua nhiều cá tra năm trước) Denis Repinski nói thẳng: Doanh nghiệp Việt Nam ăn gian trọng lượng. Có lô hàng DF nhận được với tỷ lệ mạ băng đến 30%. DF “phải xem xét cụ thể mới quyết định mua hay không”.

Hy vọng, quy hoạch nuôi, chế biến cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2020, được Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát phê duyệt ngày 11/9/2014, sẽ là một bước cơ bản nâng cao chất lượng cá tra. Theo đó, các ao nuôi phải đăng ký để được cấp mã số trước khi thả giống 20 ngày, nhằm kiểm soát cả chất lượng lẫn số lượng. Cá nuôi từ ao có mã số đưa vào chế biến đạt chất lượng theo quy định mới được phép xuất khẩu. Từ nay đến 31/12/2014 là giai đoạn chuyển tiếp, hàng tồn kho được xuất hết. Từ 1/1/2015, hàng kém chất lượng không được xuất khẩu, có thể bị tiêu hủy, cơ cở chế biến bị phạt, thậm chí phải đóng cửa. Chất lượng sản phẩm cá tra (chủ yếu hàm lượng nước trong thịt cá và tỷ lệ mạ băng) do Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản kiểm tra, xác nhận.

>> Theo quy hoạch, giai đoạn 2015 – 2016, không tăng tổng công suất chế biến cá tra; tập trung nâng cấp dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng. Tỷ trọng sản phẩm cá tra chế biến sâu có giá trị gia tăng cao, hiện mới chiếm 1%, phấn đấu trong hai năm tới đạt 8 – 12%.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!