Cá tra trọn năm bĩ cực

Chưa có đánh giá về bài viết

Những tháng cuối năm 2013, mấy chục nông dân vẫn phải đuổi theo lãnh đạo Công ty CP Chế biến thực phẩm Sông Hậu (Sohafood), đòi 55 tỷ đồng tiền nợ cá tra; gia đình bà Nguyễn Thị Chen ở tỉnh Đồng Tháp vẫn sống vật vờ bên ao nuôi cá tra…

Nông dân mất vốn

Năm hết Tết đến, vợ chồng bà Nguyễn Thị Chen và ông Nguyễn Văn Hủ (xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) càng thẫn thờ. Trước kia làm đường cát thủ công, khi nhà máy đường hiện đại mọc lên, lò thủ công phải dẹp. Chuyển sang nuôi cá tra từ năm 2002, ban đầu chỉ có 2.000 m2, lãi nhiều nên mua thêm đất, sau dăm năm đã có gần 2 ha. Ông bà thuê xáng đào hai ao lớn, mỗi ao rộng 8.000 m2, sâu hơn 5 m. Cứ 6 tháng thu hoạch một vụ, sản lượng khoảng 1.600 tấn/ năm. Lúc đó, giá 15.000 – 17.000 đồng/kg, doanh thu hơn 20 tỷ đồng/ năm. Thế rồi vào thời kỳ giá cá tăng không kịp giá thành, chỉ vài năm lỗ là mất vốn, còn nợ hơn 17 tỷ đồng. Toàn bộ đất đai nhà cửa của vợ chồng ông bị phát mãi. Nay gia đình ông bà còn sống bên bờ ao là vì có sai lầm của cán bộ thi hành án trong thủ tục phát mãi mà ông bà đang khiếu nại, chứ không phải đã trả được nợ hay giảm nợ. Còn 43 người nuôi cá tra bị Sohafood nợ 55 tỷ đồng, đến đầu tháng 8/2013 vẫn đứng ngồi không yên. Người bị nợ nhiều nhất là ông Lê Hạ Huy ở tỉnh Đồng Tháp 7 tỷ đồng, kế đó là ông Huỳnh Quang Khấp ở tỉnh An Giang 6 tỷ đồng, ông Cao Hữu Sang ở TP Cần Thơ 2,4 tỷ đồng.

Một sản phẩm độc quyền Việt Nam trên thị trường thế giới mà nông dân sản xuất lại mất vốn thì thật đáng lo.

 

Doanh nghiệp lãi giả

Sohafood có lẽ là một điển hình của doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu. Không phải điển hình kinh doanh giỏi mà là điển hình cho những yếu kém bên trong bị vạch ra, khi bà Trần Ngọc Sương về lãnh đạo.

Biên bản các cuộc họp HĐQT Sohafood và đại hội cổ đông nhiều năm trước đều ghi lãi mỗi năm 5 – 7 tỷ đồng. Đại hội cổ đông thường niên năm 2012, ngày 29/9/2012, ghi trong nghị quyết: “lợi nhuận sau thuế 5,885 tỷ đồng”. Thế nhưng khi bà Sương về lãnh đạo, cho kiểm tra sổ sách kế toán, bước đầu phát hiện lỗ hơn 70 tỷ đồng. Ngày 11/11/2013, đại hội cổ đông bất thường Sohafood, nhiều vị lãnh đạo cũ lại nói, lỗ hơn 70 tỷ đồng là do luỹ kế của nhiều năm (?!).

Dây chuyền chế biến cá tra của Sohafood đã ngừng hoạt động – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Có một thực tế nhức nhối, Sohafood và Công ty CP Thủy sản Sông Hậu (quản lý 140 ha nuôi cá tra), nằm kế nhau trong Nông trường Sông Hậu. Do trước kia đều thuộc Nông trường, về sau cổ phần hoá nên giữa hai Công ty có mối quan hệ bạn hàng truyền thống thân thiết. Một thời gian khá dài, cả hai Công ty thu được lợi nhuận cao. Thế nhưng cái lợi thế tuyệt vời mà nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra khác phải đầu tư tốn kém mới có được, thì ở đây hoạt động “lãi giả lỗ thật” đã triệt tiêu mất. Như hai anh em, vậy mà cũng chiếm dụng vốn của nhau, vứt bỏ chữ tín, đến mức không còn muốn làm ăn với nhau, coi nhau như kẻ xa lạ. Kết cục, Sohafood ngắc ngoải, còn Công ty CP Thuỷ sản Sông Hậu thì như bà Sương nói, “chết chưa chôn”.

Từ đây có thể hình dung mối quan hệ giữa nhà máy chế biến xuất khẩu với người nuôi cá tra ĐBSCL tệ thế nào, dù đã lắm hô hào liên kết, hợp tác.

 

Trăn trở đầu năm

TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ & Quản lý TP. HCM nói rằng, nghịch lý trong ngành cá tra Việt Nam là độc quyền (chiếm 97% thị trường thế giới) nhưng Việt Nam không quyết định được giá cả, đi ngược quy luật cung cầu. Có nguyên nhân khoa học công nghệ và khoa học quản lý đối với ngành cá tra chưa được quan tâm đúng mức so với yêu cầu thực tế một ngành hàng có giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD/ năm. “Chính quyền các cấp vừa quá chặt chẽ lại vừa quá lỏng lẻo. Rất chặt chẽ ở các khâu thuế, phí. Rất lỏng lẻo ở chỗ các cấp chính quyền tuy có quan tâm nhưng chưa hỗ trợ cần thiết, nhất là những lúc khó khăn”, TS Phúc nói.

Ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam thẳng thắn: “Những doanh nghiệp xuất khẩu dưới giá thành cá nguyên liệu, chứng tỏ sự yếu kém. Tôi thấy các doanh nghiệp này duy trì thì thiệt hại cho nông dân và đất nước nên cần loại bỏ”; Đồng thời “cho phép Hiệp hội Cá tra Việt Nam tiếp nhận đơn phản ánh của nông dân nuôi cá bị nhà xuất khẩu và nhà máy chế biến nợ kéo dài, để phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ. Nếu doanh nghiệp nợ quá lâu của nông dân thì cần thông tin lên báo chí cho mọi người biết, cảnh giác”, ông Vàng nói.

>> Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX Thới An (Cần Thơ), bức xúc: “Xuất khẩu mà bán rẻ sản phẩm nông nghiệp là coi thường sức lao động, sức sáng tạo của nông dân, chỉ làm còng lưng thêm người nông dân vì nợ nần trĩu nặng, là bán rẻ tài nguyên thiên nhiên mà tài nguyên thiên nhiên không vô tận. Đến lúc nào đó nông dân không còn làm nổi nữa thì đất nước này còn được gì?”.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!