Cá tra và mục tiêu phát triển sản phẩm quốc gia

Chưa có đánh giá về bài viết

Bộ NN&PTNT vừa ban hành Phụ lục Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “Sản phẩm cá da trơn Việt Nam chất lượng cao và các sản phẩm chế biến từ cá da trơn” kèm Quyết định số 674/QĐ-BNN-KHCN.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của Đề án là: Nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ cá da trơn thành sản phẩm chủ lực quốc gia theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu ngoại tệ cho đất nước. Cụ thể:

– Đến năm 2020, giá trị sản phẩm tiêu thụ nội địa chiếm 15% tổng giá trị;

– Mở rộng thị trường và nâng cao giá trị xuất khẩu của cá da trơn Việt Nam trên thị trường quốc tế, đảm bảo giá trị kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt 3 tỷ USD/năm;

– Hoàn thiện chính sách, thể chế, nâng cao năng lực sản xuất, quản lý và xúc tiến thương mại sản phẩm cá da trơn;

– Hình thành được các doanh nghiệp nuôi và chế biến tập trung có sản lượng cao, chất lượng tốt phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu;

– Xây dựng được mối liên kết giữa các bên liên quan trong chuỗi sản xuất;

– Tạo thêm cơ hội việc làm cho khoảng 300.000 lao động tham gia vào sản xuất, dịch vụ cung ứng phục vụ sản xuất và tiêu thụ thủy sản, với tỷ lệ tăng 2.3%/năm cho đến năm 2020.

 

Kết quả dự kiến

Giống:

– Chọn tạo được giống cá có tính trạng tăng trưởng cao; sạch bệnh và có tính kháng bệnh. Đảm bảo sản xuất được trên 2,5 tỷ con giống chất lượng tốt/năm, cung cấp cho nuôi thương phẩm.

– Chọn tạo được giống cá da trơn chịu mặn thích ứng với hiện trạng xâm nhập mặn vùng ĐBSCL.

 

Thức ăn, vắc xin và chế phẩm sinh học, sản phẩm chế biến:

– Tạo được các loại thức ăn có tỷ lệ hấp thụ cao, phù hợp với từng giai đoạn tăng trưởng của cá.- Tạo ra 1 đến 2 sản phẩm vắc xin phòng bệnh cho cá.

– Tạo ra 3 đến 5 sản phẩm giá trị gia tăng cao.

 

Quy trình sản xuất:

– Quy trình chọn tạo giống theo tính trạng tăng trưởng cao, có khả năng kháng bệnh, chịu mặn, nâng cao được năng suất chất lượng, hiệu quả trong nuôi cá tra.

– Quy trình nuôi vỗ cá bố mẹ, ương cá bột, cá hương, cá giống đạt tỷ lệ sống cao (hơn 60%) đảm bảo chủ động về nguồn giống sạch bệnh cung cấp cho nuôi thương phẩm.

– Quy trình ương, nuôi cá tra tuần hoàn ít thay nước tiết kiệm chi phí, quản trị tốt về quá trình nuôi, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.

– Quy trình phòng bệnh gan thận mủ, bệnh xuất huyết trên cá da trơn, giảm rủi ro tổn thất trong quá trình nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất.

– Quy trình công nghệ chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng, tận dụng tối đa giá trị nguyên liệu, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo thương hiệu cho ngành hàng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường xuất khẩu.

– Đề xuất được thể chế, cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ các bên tham gia vào chuỗi giá trị của ngành hàng cá tra; cơ chế, giải pháp liên kết chặt chẽ của các bên liên quan đến ngành sản xuất, nuôi trồng, chế biến, dịch vụ cung ứng đầu vào cho sản xuất giống, nuôi thương phẩm và tiêu thụ; mô hình áp dụng quy trình quản lý tiên tiến về phòng trừ dịch bệnh, tuần hoàn ít thay nước, GAP, ASC…

– Giải pháp áp dụng cho thị trường trong nước và thị trường nhập khẩu chủ yếu các sản phẩm từ cá tra (EU, Mỹ, Đông Âu).

 

Nâng cao tiềm lực khoa học và sản xuất:

– Thành lập đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về cá da trơn tại ĐBSCL.

– Cơ sở hạ tầng cho các cơ sở nghiên cứu và sản xuất giống đảm bảo đáp ứng, cung cấp giống cá tra cho ĐBSCL ổn định về số lượng và chất lượng.

– Xây dựng được chính sách, cơ chế gắn kết nghiên cứu phát triển sản phẩm với các doanh nghiệp chế biến cá tra.

– Đào tạo 10 – 15 thạc sĩ, 3 – 5 tiến sĩ nghiên cứu về lĩnh vực ngành hàng cá da trơn gắn với các nội dung Đề án.

 

Xúc tiến thương mại:

– Thiết lập được hệ thống thông tin thương mại quốc gia chính thức đối với cá tra.

– Xây dựng được thương hiệu quốc gia cho sản phẩm từ cá tra.

– Xây dựng được đầu mối phân phối sản phẩm cá tra (thủy sản) ở các thị trường nhập khẩu chính.

Ban Pháp luật - Bạn đọc

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!