Nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến khác đang là yêu cầu bắt buộc để ngành thủy sản tồn tại, phát triển. Hội thảo bàn giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản, do Tổng cục Thủy sản tổ chức hôm 17/11, ở TP Cần Thơ, khẳng định thực hiện VietGAP là chương trình lâu dài.
Tổng cục Thủy sản cho biết, từ cuối năm 2013 đến 30/10/2015 đã 75 cơ sở nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP, với tổng diện tích hơn 686 ha. Trong đó, chủ yếu là cá tra và tôm nước lợ.
Tỉnh nuôi cá tra nhiều nhất
Đồng Tháp có diện tích nuôi cá tra lớn nhất nước, tính đến 8/11/2015 là 1.056 ha. Đồng Tháp có nhiều lợi thế trong thực hiện tiêu chuẩn VietGAP nuôi cá tra, vì hơn 75% diện tích nuôi là của doanh nghiệp chế biến. Tuy nhiên, 25% diện tích còn lại thực hiện khó khăn vì của nông hộ, trình độ nuôi trồng còn nhiều hạn chế.
Nhưng ông Lê Văn Tiên (ấp Tân An, xã An Nhơn, huyện Châu Thành) băn khoăn, giá cá sản xuất theo quy trình thường và quy trình an toàn vẫn chưa có gì khác biệt. Thực hiện quy trình VietGAP, Nhà nước chỉ hỗ trợ chứng nhận lần đầu, còn các lần tái chứng nhận tiếp theo, nông dân phải tự thực hiện, là khoản chi phí không nhỏ.
Giá cá tra giảm cũng khiến người nuôi không mặn mà thực hiện VietGAP. Năm 2013, giá cá tra tụt dốc thảm hại, doanh nghiệp mua cá thấp hơn giá thành sản xuất, khiến nhiều hộ thua lỗ, treo ao, nợ ngân hàng bạc tỷ. Giữa năm 2014, giá cá tra phục hồi nhưng chưa đủ khắc phục khó khăn cũ; sang năm 2015 lại tiếp tục khó khăn. Với giá cá tra nguyên liệu hiện nay, người nuôi lỗ 1.000 – 1.500 đồng/kg.
Nuôi cá tra ở ĐBSCL – Ảnh: Việt Anh
Người nuôi cá còn bị doanh nghiệp xuất khẩu chiếm dụng vốn. Ông Lê Đình Châu (ấp Tân Phú, xã An Nhơn, huyện Châu Thành) kể: “Khoảng tháng 2, tôi bán 4 ao cá tra trên 70 tấn, khoảng 1,4 tỷ đồng nhưng hơn bốn tháng sau mới nhận được 600 triệu đồng. Nợ nần kéo dài, trễ hẹn so với hợp đồng đã nhiều tháng vẫn chưa đòi được nợ. Doanh nghiệp không giữ chữ tín với người chăn nuôi thì không thể áp dụng VietGAP bền vững được”.
Cần công nhận quốc tế
Để đạt chứng nhận VietGAP, cần đáp ứng 104 tiêu chí. Đây là khó khăn lớn với các hộ nuôi nhỏ lẻ, trình độ học vấn thấp. Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó khăn vì nguồn cá giống sản xuất từ cá tra bố mẹ được xác nhận chất lượng còn hiếm. Theo tiêu chuẩn VietGAP, quy định cá tra giống phải được sinh sản từ đàn cá bố mẹ qua chọn lọc của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, nhưng nguồn cá này chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Thực hiện VietGAP còn rất khó khăn do chất lượng nước ao nuôi khó đảm bảo, vì đặc thù ĐBSCL sông ngòi chằng chịt mà vùng nuôi chưa thể đầu tư tốt cơ sở hạ tầng, đa số phải sử dụng nguồn nước từ kênh rạch bị ô nhiễm.
Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, khó khăn lớn hơn nữa là “VietGAP chưa được thị trường thế giới công nhận”. Vì bán ra thế giới, có VietGAP cũng như chưa có VietGAP nên nhiều doanh nghiệp và hộ nuôi chưa mặn mà. Hiệp hội kiến nghị, sớm thỏa thuận công nhận lẫn nhau giữa các tiêu chuẩn và đưa tiêu chuẩn VietGAP đạt công nhận của quốc tế làm tiền đề xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam uy tín và chất lượng.
Bên cạnh VietGAP, nhiều diện tích nuôi cá tra đã được áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế khác như GlobalGAP, ASC, AquaGAP, BAP. Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, cá tra nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP chỉ 361,5 ha, còn tính tổng diện tích thực hiện các tiêu chuẩn tiên tiến đã gấp 3 lần diện tích trên; vì thế việc hài hòa công nhận lẫn nhau giữa các bộ tiêu chuẩn để giảm chi phí cho người nuôi là rất cần thiết.
Tổng cục Thủy sản nhận định, đang thực hiện công tác hài hòa/công nhận tiêu chuẩn lẫn nhau giữa VietGAP với GlobalGAP, ASC, BAP và tham gia chương trình GSSI. GSSI là tổ chức sáng kiến nuôi trồng thủy sản bền vững toàn cầu, được FAO ủng hộ trong việc thực hiện chương trình thử nghiệm so sánh giữa các tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn nào đáp ứng được yêu cầu của bộ công cụ GSSI sẽ được những chính phủ, nhà nhập khẩu, bán lẻ trong tầm ảnh hưởng của FAO thừa nhận và dễ tiếp cận thị trường. Tổng cục Thủy sản đang hợp tác tốt với GSSI.
Giữa năm nay, Tổng cục Thủy sản cũng đã thiết lập quan hệ hợp tác cụ thể với ASC và BAP. Hợp tác với GlobalGAP được thiết lập từ đầu năm 2014, đến nay đã lập bản đồ so sánh VietGAP – GlobalGAP phiên bản 5. Từ năm 2013, Tổng cục Thủy sản đã tham gia xây dựng ASEAN GAP và ASEAN GAP cho tôm.
Bà Nguyễn Thị Băng Tâm, cán bộ Vụ Nuôi trồng Thủy sản cho biết: Trong năm 2016 sẽ lồng ghép VietGAP vào các văn bản pháp lý. VietGAP là chương trình mang tính lâu dài, cần phải thực hiện để khẳng định chất lượng sản phẩm thủy sản Việt Nam.
>> VietGAP có 4 nhóm tiêu chí chính: chất lượng sản phẩm, an toàn dịch bệnh – vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phúc lợi xã hội. Thực hiện quy trình VietGAP giúp người nuôi kiểm soát được chất lượng con giống đầu vào, truy xuất nguồn gốc con giống rõ ràng. Điều này giúp nông dân kiểm soát được dịch bệnh, chất lượng cá giống và cá phát triển đồng đều hơn, giúp giảm rủi ro trong quá trình nuôi, tăng năng suất và lợi nhuận cho người nuôi, bảo vệ môi trường nuôi tốt hơn, tránh được thiệt hại do dịch bệnh. |