Cá tra với ba thách thức lớn

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo nhận định của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, ngành cá tra đang phải đối diện với ba thách thức và cũng là những nội tại của ngành cần phải khắc phục.

Tài chính và dịch bệnh

Khó khăn kéo dài đã làm cho một số doanh nghiệp đến nay gần như cạn kiệt nguồn lực, thiếu vốn hoạt động, mang nợ xấu nên khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng để sản xuất. Tình hình vốn vay của doanh nghiệp có lên sàn chứng khoán, hiện trung bình nợ ngắn hạn là 91% tổng vốn vay, có doanh nghiệp trên 99%. Tài chính của nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn do lãi suất cao trong thời gian qua với sản xuất không hiệu quả.

Một số ngân hàng đã hạn chế cho vay đối với cá tra do ảnh hưởng từ các sự kiện của các doanh nghiệp Bình An, Phương Nam và gần đây nhất là Việt An, An Khang, Thiên Mã. Điều này đang gây bất lợi cho tái sản xuất của ngành.

Theo kết quả điều tra, diện tích bị thiệt hại do dịch bệnh rất đáng kể. Năm 2015, chỉ thống kê ở 4 tỉnh đã có 73 xã thuộc 23 huyện xảy ra dịch bệnh trên cá tra. Tỉnh có diện tích nuôi cá tra nhiều nhất là Đồng Tháp cũng bị dịch bệnh nhiều nhất.

cá tra với ba thách thức lớn

Ngành cá tra đang đối mặt với nhiều thách thức – Ảnh: An Đăng

Hiện nay, bệnh trên cá tra vẫn xuất hiện rải rác từ lúc thả đến cuối vụ nuôi, tỷ lệ hao hụt dao động 10 – 25% và xảy ra nhiều từ tháng 1 – 7 trong năm. Các bệnh chủ yếu là xuất huyết, gan thận mủ (10 – 15%), bệnh trắng gan trắng mang (3%), bệnh ký sinh trùng (5%), riêng những ao nuôi không định kỳ tắm ký sinh thì tỷ lệ nhiễm bệnh khá cao (20 – 25%), tập trung ở cá trọng lượng dưới 250 g/con.

 

Chất lượng giống

Tình trạng giống dị hình khá cao, chậm lớn, dễ nhiễm bệnh và tỷ lệ sống thấp. Đàn cá tra bố mẹ chọn giống chưa thay thế được đàn cá tra tại địa phương. Vừa qua, với 101.000 con cá tra hậu bị qua chọn lọc của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II cấp xuống 63 trại giống, ước chiếm 60% số lượng cá bố mẹ đang cần. Đến nay, sau thời gian nuôi giữ, số lượng còn lại 82.131 con, hao hụt đến 22%.

Hiện có 152 trại sinh sản cá bột, trên 4.441 hộ ương dưỡng cá giống với diện tích hơn 1.929 ha, sản xuất trên 15,6 tỷ cá bột và 1,93 tỷ cá giống, đủ cho nhu cầu thả nuôi. Tỷ lệ cơ sở sản xuất cá bột bán thông qua hợp đồng chỉ chiếm 12,4%. Giá bán cá bột dao động lớn, có lúc dưới giá thành sản xuất, từ đó làm cho nghề sản xuất cá bột bấp bênh, sản lượng cao thấp thất thường, chất lượng không được giữ.

 Nguồn cá tra bột tập trung ở Hồng Ngự (Đồng Tháp), chiếm khoảng 53,3%. Khoảng 40% số hộ ương cá tra giống không quan tâm đến chất lượng cá tra bố mẹ sản xuất ra cá tra bột và khoảng 35% số hộ ương mua cá bột từ những hộ sản xuất nhỏ lẻ hoặc không rõ nguồn gốc.

 Phần lớn chi phí trong sản xuất giống tập trung vào thức ăn, vì thế việc tìm kiếm loại thức ăn đảm bảo chất lượng, dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của con giống là hết sức cần thiết. Giải pháp đặt ra là cần nối kết các nhà máy chế biến để thống nhất quy trình cũng như hàm lượng dinh dưỡng trong thức ăn.

 Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng: “Để làm được điều này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ nhà nước, các doanh nghiệp và cơ sở giống với nhau để tạo ra được hướng đi mới, ổn định cho ngành hàng cá tra”.

>> Thống kê của Hiệp hội Cá tra Việt Nam qua đăng ký xuất khẩu: Năm 2015, Việt Nam có 23 địa phương xuất khẩu 984.125 tấn cá tra. Ba địa phương hàng đầu là tỉnh Đồng Tháp với 340.043 tấn, chiếm 34,6% tổng sản lượng xuất khẩu; tỉnh Tiền Giang 160.481 tấn, chiếm 16,3%; Cần Thơ 158.515 tấn, chiếm 16,1%. Ba tỉnh hàng cuối là Quảng Ngãi 4 tấn, Bình Định 7 tấn, Bình Thuận 31 tấn.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!