T2, 06/07/2020 10:17

Cá và Tết

Chưa có đánh giá về bài viết

Cá, trong đời sống hằng ngày được chế biến thành nhiều món ăn hay trở thành nguồn lợi mang lại giá trị kinh tế cho người dân. Tại một số nơi, vào ngày Tết, con cá trở thành một sản vật linh thiêng để thờ cúng tổ tiên, hay một vị thần được tôn vinh.

Tết ăn cá của người Thái

Người Thái thường sống ở các vùng ven sông, ven suối nên không những giỏi về chài lưới, đánh cá trên sông, suối mà còn giỏi về nuôi thả cá trên đồng ruộng, ao hồ. Cá là món ăn phổ biến trong bữa ăn hằng ngày của người Thái. Dịp Tết Nguyên đán, cá là món ăn không thể thiếu.

Cứ đến ngày 28, 29 tháng Chạp, dân làng lại đổ ra sông, suối bắt cá. Tất cả cá bắt được, không kể to, nhỏ đều được coi là thần suối và mang về làm cỗ cúng. Con cá to nhất để làm đầu mâm cỗ và được nướng nguyên con. Số còn lại được chế biến thành nhiều món (cá đồ, cá sấy, cá nướng, lạp cá “pa lạp”…). Pa lạp là món ăn độc đáo, người Thái thường làm để thết đãi khách quý.

Mâm cỗ cúng ngày Tết của người Thái có con cá nướng đầu mâm bày ở giữa, xung quanh là cá mọc và cá nướng, dùng để cúng gia tiên, thổ công, thần suối…

Tết của người Thái không thể thiếu điệu xòe

 

Lễ hội rước cá thần

Hằng năm, cứ mồng 8 Tết, người dân xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa lại tổ chức lễ hội rước cá thần. Đây còn được gọi là lễ hội Khai hạ. Lễ hội được tổ chức trang trọng, hoành tráng với ước nguyện cầu cho mưa thuận, gió hòa, mọi người khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt.

Khênh kiệu đưa về SVĐ của bản để làm lễ khai mạc

Mở đầu lễ hội là phần rước thần cá từ suối Ngọc – nằm dưới chân núi Trường Sinh đưa về sân vận động của bản để làm lễ khai mạc, báo công với thành hoàng làng về một năm lao động sản xuất và những ước nguyện của năm mới. Sau đó, thần cá tiếp tục được đưa ra đền thờ ngay chân núi Trường Sinh để cúng tế. Kết thúc phần lễ là phần hội với những trò chơi dân gian Mường (ném còn, chơi đu, đẩy gậy, kéo co…).

 

Lễ hội cầu ngư ven biển Sa Huỳnh

Với ý nghĩa cầu mong mùa màng bội thu, yên bình trong cả năm lênh đênh trên biển, Lễ hội còn có tên khác là “Lễ ra quân đánh bắt thủy sản Sa Huỳnh”, được tổ chức ngày mồng 3 Tết hằng năm, gồm các lễ thức: tế cáo thần linh khai lạch, lễ ra nghề, và các trò diễn.

Lễ tế cáo là lễ thức mà tất cả các ban tế tự của làng và đại diện các chủ thuyền tế cáo ở lăng Ông, miếu Bà (Thiên Y, Thủy Long), miếu Thổ thần, Nghĩa tự và gia tiên để khai lạch ra khơi. Lễ tế cáo chỉ đơn giản là trầm trà hoa quả và diễn ra trong chiều mùng 2 Tết hoặc sáng sớm mùng 3 Tết.

Lễ ra nghề trong Lễ hội cầu ngư      

Vào sáng sớm ngày mồng 3 Tết, tất cả thuyền trong các vạn tập trung tại cửa biển, chong đèn kết hoa rực rỡ, bày bàn soạn lễ vật trên thuyền, các loại ngư cụ… Sau khi đại diện chính quyền, Hội Nghề cá khai mạc và tổng kết nghề đánh bắt hải sản qua một năm, ông chủ vạn gióng tiếng trống báo hiệu lễ ra nghề bắt đầu. Chiếc thuyền đầu tiên ra khơi là chiếc thuyền được ban vạn bầu chọn (không gặp bất trắc gì trong năm cũ, gia đình hòa thuận, chủ thuyền có uy tín…), và sau đó là hàng trăm chiếc thuyền nối tiếp ra khơi. Ra đến cách bờ chừng vài hải lý, các thuyền lại thực hiện nghi thức tế cáo thần linh, và đánh mẻ lưới làm phép đầu tiên. Sau khi vớt mẻ lưới lên các thuyền quay lại vào bờ.

Huyền Linh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!