Các bệnh nguy hiểm trên TTCT và quy trình phòng bệnh (còn lại)

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – TTCT thường mắc các bệnh nguy hiểm và dẫn đến tỷ lệ chết cao trong quá trình nuôi. Vì vậy, Skretting Việt Nam sẽ cung cấp cho người nuôi tôm những thông tin cơ bản nhất về tác nhân gây bệnh, phương pháp chẩn đoán nhanh thông qua hình ảnh trực quan, với mục tiêu giúp người nuôi tôm có thể xác định nhanh tình trạng nhiễm bệnh của tôm để có hướng kịp thời xử lý.

Bệnh đốm trắng

Tác nhân gây bệnh đốm trắng là White spot syndrome virus (viết tắt là WSSV) có hình trứng. Tôm bệnh có những đốm trắng đường kính 0,5 – 3 mm bên trong vỏ nhất là vỏ đầu ngực và đốt bụng thứ 5 và 6 (Hình 1). Triệu chứng khác của bệnh là màu sắc cơ thể tôm chuyển sang màu hồng do sự lan rộng của tế bào sắc tố (Hình 2).

WSSV có thể nhiễm và gây tổn thương nhiều loại mô/tế bào trong cơ thể tôm (như mô dạ dày, mang, buồng trứng, mắt, chân bơi…), các tế bào nhiễm WSSV có nhân phình to (Hình 2). Chúng được nhân bản trong nhân của tế bào chủ rồi lan vào dịch cơ thể lây nhiễm sang các tế bào khác, cuối cùng làm chết ký chủ để lan vào môi trường nước và tiếp tục xâm nhập vào ký chủ mới. ADN của WSSV có tồn tại trong nước ở trạng thái không sống khoảng 72 giờ và có hoạt tính truyền nhiễm.

Santron – Giải pháp tối ưu cho đường ruột khỏe mạnh. Ảnh: SK

Tôm nhiễm WSSV giảm ăn và nhạy với các nhân tố kích thích liên quan đến sự biến đổi đột ngột các chỉ tiêu môi trường (gồm nhiệt độ, độ mặn, pH và hàm lượng ôxy hòa tan). Tôm nhiễm WSSV bơi lờ đờ, tập trung gần bờ và chết trong vòng 1 đến 2 ngày sau khi có biểu hiện dấu hiệu bệnh đốm trắng. Bệnh đốm trắng xuất hiện ở các giai đoạn nuôi, tỷ lệ chết cao xuất hiện từ 1 – 2 tháng sau thả giống, khi môi trường nuôi xấu đi và khi độ mặn thay đổi, nhiệt độ nước giảm thấp (khoảng từ 23 – 28°C), tỷ lệ tôm chết 80 – 100% trong vòng 5 – 10 ngày nhiễm bệnh. WSSV tồn tại trong nước có độ mặn từ 5 – 40‰, pH từ 4 – 10, có khả năng chịu đựng được ở nhiệt độ từ 0oC và chỉ chết khi nhiệt độ lên đến 80oC. Bệnh thường bộc phát thành dịch, lây theo chiều dọc từ tôm mẹ sang ấu trùng và tôm giống và là nguồn lây cần được đặc biệt chú ý. Bệnh lây theo chiều ngang từ nguồn nước hoặc do tôm ăn nhau hay ăn những loài giáp xác khác nhiễm mầm bệnh. WSSV có phổ loài cảm nhiễm rất rộng, gồm các giáp xác thuộc bộ mười chân (tôm biển, cua và tôm hùm nước ngọt), có trong thức ăn tươi sống (mực, ốc mượn hồn, giun nhiều tơ…).

Bệnh đốm trắng được chẩn đoán qua dấu hiệu bệnh đặc trưng là có nhiều đốm trắng trên vỏ. Bệnh được chẩn đoán phân biệt với bệnh khác bằng các phương pháp như: (1) mô bệnh học nhuộm H&E phát hiện các thể vùi đặc trưng của WSSV, (2) phân tích PCR với mồi đặc hiệu, (3) kính hiển vi điện tử, (4) lai tại chỗ…

Hình 1. Tôm bị nhiễm WSSV; (a và b) đốm trắng trên vỏ đầu ngực; (c) dưới kính hiển vi điện tử WSSV có dạng hình trứng, một đầu có phần phụ giống như cái đuôi (phải)

Do tác nhân là virus nên đến nay vẫn chưa có phương pháp hiệu quả điều trị bệnh đốm trắng. Vì vậy, cần phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:

– Không thả tôm nuôi vào lúc giao mùa để tránh lúc các yếu tố môi trường như nhiệt độ và độ mặn giảm mạnh và tránh thả tôm vào vụ nghịch (mùa lạnh hoặc giai đoạn nhiệt độ biến động bất thường).

– Cải tạo ao, sên vét hết bùn từ vụ nuôi trước, tẩy rửa triệt để đối với ao/bể lót bạt, diệt hết các loài giáp xác (cua, còng, tôm dại) có khả năng mang mầm bệnh. Ao nuôi cần có hàng rào ngăn các vật mang mầm bệnh xâm nhập.

– Bố trí hệ thống cấp và thoát nước riêng biệt (có ao lắng và ao xử lý nước). Sử dụng nước đã xử lý qua ao lắng và hạn chế (tối đa) cấp nước trực tiếp vào ao nuôi. Nước cấp vào ao phải được lọc thật kỹ để loại trứng và ấu trùng của giáp xác mang mầm bệnh. Mức nước trong ao tối thiểu là 1,2 m. Tránh sự lây lan WSSV giữa các ao nuôi, không sử dụng chung các dụng cụ (như lưới, chài, vợt, xô…), xử lý các dụng cụ bằng Chlorine trước khi sử dụng.

Hình 2. (a) tôm nhiễm WSSV có dấu hiệu đỏ thân; (b) tôm chết hàng loạt sau khi xuất hiện dấu hiệu bệnh lý đặc trưng; (c) dưới kính hiển vi, các tế bào nhiễm virus có nhân phình to

– Chọn giống bằng phương pháp cảm quan kết hợp xét nghiệm PCR.

– Cho ăn vừa phải, sử dụng thức ăn có chất lượng cao và cho tôm ăn bổ sung các chất tăng sức đề kháng bệnh cho tôm như Vitamin C, Beta-glucan.

– Thường xuyên theo dõi quan sát tôm nuôi. Khi phát hiện hoặc nghi tôm bệnh đốm trắng thì phải thực hiện ngay các biện pháp xử lý gồm: (1) Dừng cấp nước trực tiếp từ bên ngoài, cải thiện môi trường nước và đáy ao (để giảm khí độc và ổn định độ kiềm); (2) thông báo cho các hộ xung quanh để phòng bệnh; (3) tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và thu mẫu xét nghiệm; (4) nếu tôm đạt kích cỡ thương phẩm thì thu hoạch, nếu chưa thì xử lý bằng Chlorine (nồng độ 30 ppm), hoặc hóa chất khác được lưu hành tại Việt Nam, sau khi xử lý ít nhất 10 ngày mới xả nước ra môi trường; tuyệt đối không xả nước và tôm chưa xử lý từ ao tôm bệnh ra ngoài hệ thống kênh/mương/sông ngòi, cải tạo lại ao và để ít nhất 1 tháng trước khi thả nuôi đợt mới.

Bệnh phân trắng

Tôm bị bệnh phân trắng có thể nhìn thấy ruột giữa có màu trắng vàng khi vớt tôm ra khỏi ao. Tôm bệnh giảm ăn hoặc ngừng ăn, ruột giữa có thức ăn không đầy, không liên tục hoặc rỗng. Bóp nhẹ vào ruột sẽ thấy phân tôm di chuyển lên xuống khác với tôm bình thường (ruột đầy thức ăn). Khối gan tụy của tôm bệnh mềm, có màu vàng nhạt hay màu trắng sữa. Tên bệnh “phân trắng” được gọi là do tôm thải ra những đoạn phân có màu trắng đục (hoặc hơi vàng) nổi trên mặt nước hay trong sàng ăn (Hình 7).

Hình 7. Dấu hiệu bệnh lý tôm bệnh phân trắng: (a) ruột giữa có màu trắng vàng: (b) gan tụy và ruột giữa tôm bệnh phân trắng: (c) những đoạn phân trắng trong sàng ăn

 Bệnh phân trắng xuất hiện tập trung ở một số ao thả nuôi với mật độ cao và nuôi theo quy trình ít hoặc không thay nước. Bệnh xuất hiện tập trung cao vào các tháng 6, 7 và 8 khi thời tiết thay đổi lúc giao mùa. Trong vài năm gần đây, bệnh phân trắng xuất hiện ở tôm nuôi sớm hơn hai tháng tuổi và có dấu hiệu lây từ ao này sang ao khác, nhất là hiện tượng ao nuôi đã nhiễm bệnh 1 vụ thì sẽ tái nhiễm ở các vụ nuôi tiếp theo.

Hầu hết các nghiên cứu trên tôm nhiễm bệnh phân trắng đều ghi nhận hiện sự xuất hiện của nhiều nhóm mầm bệnh khác nhau bao gồm virus (HPV và MBV), vi khuẩn nhóm Vibrio và vi bào tử trùng. Tuy nhiên, chưa có mầm bệnh nào được khẳng định qua cảm nhiễm thực nghiệm là có khả năng gây ra bệnh phân trắng. Ngoài ra, bệnh phân trắng còn được ghi nhận là có liên quan đến mật độ thả nuôi cao, chất lượng nước kém, đáy ao dơ, sinh vật phù du cao, quản lý thức ăn kém và ô nhiễm hữu cơ trong nước ao. Bệnh phân trắng trên tôm hiện nay được chẩn đoán dựa trên sự xuất hiện phân màu trắng đục trong ao nuôi. Tôm giảm ăn nhanh, kèm theo một số các dấu hiệu như ốp vỏ, bên ngoài bị đóng rong, đen mang, ruột rỗng hoặc đứt quãng và gan tụy teo.

Do tác nhân chính gây bệnh phân trắng chưa được xác định, nên cần áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp, gồm có: (1) Chọn tôm giống chất lượng tốt, thả mật độ hợp lý; (2) xét nghiệm trùng hai tế bào, EHP và vi khuẩn Vibrio; (3) kiểm soát sự phát triển của tảo lam trong quá trình nuôi; (4) chọn thức ăn tốt, bảo quản kỹ, không để ẩm mốc; (5) hạn chế tối đa nghêu sò, ốc, hến làm thức ăn cho tôm; và (6) sử dụng chế phẩm vi sinh định kỳ để cải thiện nền đáy ao và duy trì tốt chất lượng nước ao nuôi.

GS.TS Đặng Thị Hoàng Oanh,

Trường Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ

Trọn bộ sản phẩm xử lý nước và hỗ trợ sức khỏe của Skretting

Nhằm giúp người nuôi có được trọn bộ giải pháp từ khâu xử lý nước đến các giải pháp phòng ngừa và kiểm soát được tối đa mầm bệnh trong ao nuôi, Skretting đã cho ra đời bộ sản phẩm xử lý nước bao gồm AOcare 3D và AOcare Probiotic với tác dụng ức chế tối đa các loại vi khuẩn, nấm và một số loài virus gây ra những bệnh nguy hiểm cho tôm nuôi, đồng thời kích thích sự tăng trưởng vượt bậc các nhóm vi sinh vật có lợi trong môi trường nước.

Ngoài ra, để tăng cường sức đề kháng cũng như khả năng phòng chống các bệnh nguy hiểm trong ao nuôi người nuôi nên kết hợp sử dụng các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe khi cho tôm ăn như Santron kết hợp với OptiPro, nhằm tăng cường sức khỏe đường ruột cho tôm, hay người nuôi có thể sử dụng thêm sản phẩm Relaxx với mục đích giúp tôm đối phó với stress do chất lượng nước xấu, khi thời tiết thay đổi đột ngột hay trong quá trình đánh bắt vận chuyển và sang ao.

SKRETTING VIETNAM

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!