Các bệnh nguy hiểm trên TTCT và quy trình phòng bệnh (phần 1)

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – TTCT thường mắc các bệnh nguy hiểm và dẫn đến tỷ lệ chết cao trong quá trình nuôi. Vì vậy, Skretting Việt Nam sẽ cung cấp cho người nuôi tôm những thông tin cơ bản nhất về tác nhân gây bệnh, phương pháp chẩn đoán nhanh thông qua hình ảnh trực quan, với mục tiêu giúp người nuôi tôm có thể xác định nhanh tình trạng nhiễm bệnh của tôm để có hướng xử lý kịp thời.

Vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei (EHP)

EHP nhiễm ở gan tụy tôm (Hình 3A). Bào tử trưởng thành có hình bầu dục (Hình 3B và 3C) và các khối sinh chất đa nhân của EHP được nhìn thấy trong các tế bào biểu mô của ống gan tụy. EHP ký sinh nội bào bắt buộc, sử dụng dinh dưỡng và năng lượng dự trữ trong gan tụy tôm để nhân bản làm tôm chậm lớn do không đủ chất dinh dưỡng cho tăng trưởng và lột xác. EHP nhiễm ở tất cả các giai đoạn phát triển của TTCT. Các bào tử EHP tập trung thành cụm xung quanh các tế bào biểu mô ống gan tụy được phát hiện bằng phương pháp tiêu bản tươi, phết kính nhuộm H&E hoặc Giemsa hoặc mô bệnh học. Phương pháp PCR được áp dụng để phát hiện nhanh, nhạy và đặc hiệu trong xét nghiệm tôm nhiễm EHP.

Hình 3. (A) Ảnh chụp mô gan tụy nhuộm H&E cho thấy tế bào biểu mô ống gan tụy bị nhiễm EHP. (B) Bào tử EHP nhuộm H&E. (C). Bào tử EHP chụp dưới kính hiển vi điện tử

Tôm nhiễm EHP không có dấu hiệu bệnh lý đặc trưng, nhưng tôm chậm lớn, sau 2 – 3 tháng nuôi, tôm nhiễm EHP chỉ bằng 1/2 kích cỡ tôm không nhiễm EHP với cùng thời gian nuôi. Các nguồn lây nhiễm EHP gồm: (1) Tôm bố mẹ và con giống; (2) thức ăn tươi sử dụng nuôi vỗ tôm bố mẹ; (3) thức ăn thừa, tôm chết và chất hữu cơ; (4) nguồn nước (Hình 4).

Hình 4. (phải) Tôm nhiễm EHP có kích thước biến động, (trái) các nguồn lây EHP

Hiện nay chưa có phương pháp điều trị hiệu quả EHP ở tôm, các biện pháp phòng EHP nhiễm vào tôm và ao nuôi được khuyến cáo như sau: (1) Khử trùng các dụng cụ thiết bị tại trại sản xuất giống; kiểm tra nguồn thức ăn đặc biệt là thức ăn tự nhiên cho tôm bố mẹ bằng phương pháp PCR để tránh nhiễm EHP qua vật chủ trung gian; (2) khử trùng trứng trước khi ương; (3) chọn tôm giống không nhiễm EHP bằng xét nghiệm PCR; (4) chuẩn bị đáy ao thật kỹ, loại bỏ chất hữu cơ tích lũy ở đáy ao và xử lý bằng vôi nóng (CaO) để pH đạt khoảng 12 nhằm làm chết bào tử EHP.

Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND)

Tác nhân gây AHPND ở tôm là vi khuẩn nhóm Vibrio (chủ yếu là V. parahaemolyticus và một vài loài khác) mang gen độc lực gây bệnh ở tôm. Chúng có khả năng trượt (warming) trên môi trường tổng hợp trypton soy agar (bổ sung 1,5% NaCl) (Hình 5A) và phát triển trên môi trường chọn lọc thiosulfate-citrate-bile salts-sucrose agar (TCBS) cho nhóm vi khuẩn Vibrio với các khuẩn lạc màu xanh lá cây (kích thước khuẩn lạc khoảng 2 – 3 mm sau 24 – 48 giờ ở nhiệt độ 28°C) (Hình 5B).

Hình 5. Khuẩn lạc của V. parahaemolyticus gây AHPND.
(A) trượt trên môi trường TSA (bổ sung 1,5% NaCl). (B) khuẩn lạc màu xanh lá trên môi trường TCBS

AHPND nhiễm trên tôm khoảng 10 – 35 ngày sau khi thả giống, bệnh được dự chẩn qua một số dấu hiệu bệnh lý điển hình là: (i) gan tụy teo, nhạt màu (ii) ruột rỗng hoặc trong ruột không đầy thức ăn (Hình 6), (iii) có nhiều đốm đen ở gan tụy và mềm vỏ ở giai đoạn mãn tính. Ngoài ra, gan tụy tôm trở nên dai, do sự gia tăng các mô liên kết dạng sợi và các tế bào máu tích tụ ở gan tụy.

Dấu hiệu bệnh lý nêu trên có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác có dấu hiệu tương tự (như bệnh do nhóm Vibrio sp., bệnh phân trắng và các bệnh ở đường tiêu hóa). AHPND cần được chẩn đoán xác định bằng phương pháp mô bệnh học nhuộm H&E để xác định biến đổi cấu trúc mô học gan tụy tôm. Xét nghiệm bằng phương pháp PCR định tính hoặc định lượng (qPCR) là 2 phương pháp đang được sử dụng phổ biến để xét nghiệm AHPND ở tôm. Một số quy trình PCR và qPCR đã được công bố để phát hiện nhanh, nhạy và đặc hiệu các gen độc tố pirAvp và pirBvp gây AHPND ở tôm nhiễm bệnh.

AHPND lây lan trong ao nhiễm bệnh là do tôm khỏe tiếp xúc với tôm bệnh và lây qua môi trường nước. Mức độ lây nhiễm phụ thuộc vào điều kiện môi trường. Tôm bệnh khi được chuyển tới môi trường nước sạch có khả năng phục hồi, tỷ lệ chết giảm. Nguồn gốc tôm bột là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất có liên quan đến sự xuất hiện của AHPND. Các yếu tố liên quan khác bao gồm mật độ thả nuôi cao, thức ăn tươi sống, tôm bố mẹ và nguồn nước cấp nhiễm AHPND.

Hình 6. Dấu hiệu bệnh lý tôm nhiễm AHPND (mũi tên chỉ gan tụy teo, nhạt màu, ruột rỗng)

Do tác nhân gây AHPND là vi khuẩn, có thể tồn tại một thời gian dài trong nước và bùn đáy ao nuôi, nên việc kiểm soát đòi hỏi biện pháp phòng bệnh tổng hợp, cụ thể như sau:

Giảm nguy cơ xuất hiện bệnh bằng cách: (1) Chọn giống không nhiễm bệnh; (2) chuẩn bị ao kỹ trước khi thả giống; (3) làm giàu thức ăn tự nhiên trước và giai đoạn đầu sau khi thả giống.

Có hệ thống cấp và thoát nước riêng (ao lắng và ao xử lý). Kiểm tra các chỉ tiêu môi trường định kỳ và quản lý tốt các chỉ tiêu nhiệt độ, độ mặn và pH môi trường nước.

Kiểm soát sự phát triển của mầm bệnh trong nước và trong cơ thể tôm bằng những chế phẩm vi sinh có tính đối kháng với vi khuẩn gây AHPND. Tăng sức đề kháng giúp tôm chống lại sự xâm hại của mầm bệnh bằng cách bổ sung vitamin và khoáng chất định kỳ.

Ương tôm giống trong giai và cho ăn bổ sung thức ăn tự nhiên và chế phẩm sinh học trong thời gian sau khi thả giống là cách phòng bệnh có hiệu quả.

Hàng ngày, kiểm tra tình trạng khối gan tụy tôm, nếu phát hiện tôm bệnh khi tôm đạt kích cơ thương phẩm thì tiến hành thu hoạch. Nếu chưa thì xử lý nước ao bị bệnh bằng hóa chất tương tự như trường hợp tôm nhiễm WSSV.

Chọn bộ sản phẩm xử lý nước và hỗ trợ sức khỏe của Skretting

Thấu hiểu được tầm quan trọng trong khâu lựa chọn tôm giống sạch, không nhiễm bệnh, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật về nuôi TTCT, vệ sinh nước ao nuôi định kỳ và chủ động loại bỏ các loại tảo độc trong ao để bảo đảm sức khỏe cho tôm nuôi cũng như cung cấp thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn nuôi tôm. Đồng thời, bổ sung các khoáng chất, vitamin, men tiêu hóa cần thiết vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm nuôi.

Nhằm giúp người nuôi có được chọn bộ giải pháp từ khâu xử lý nước đến các giải pháp phòng ngừa và kiểm soát được tối đa mầm bệnh trong ao nuôi, Skretting đã cho ra đời bộ sản phẩm xử lý nước bao gồm AOcare 3D và AOcare Probiotic với tác dụng ức chế tối đa các loại vi khuẩn, nấm và một số loài virus gây ra những bệnh nguy hiểm cho tôm nuôi, đồng thời kích thích sự tăng trưởng vượt bật các nhóm vi sinh vật có lợi trong môi trường nước. Ngoài ra, để tăng cường sức đề kháng cũng như khả năng phòng chống các bệnh nguy hiểm trong ao nuôi người nuôi nên kết hợp sử dụng các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe khi cho tôm ăn như Santron kết hợp với OptiPro, nhằm tăng cường sức khỏe đường ruột cho tôm, hay người nuôi có thể sử dụng thêm sản phẩm Relaxx, với mục đích giúp tôm đối phó với stress do chất lượng nước xấu, khi thời tiết thay đổi đột ngột hay trong quá trình đánh bắt vận chuyển và sang ao.

Skretting Vietnam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!