Nâng cao giá trị gia tăng cá tra vùng ĐBSCL là yếu tố cốt lõi hiện nay để khẳng định thương hiệu, vực dậy và thúc đẩy sự phát triển của ngành nuôi trồng cá tra.
Ông Võ Hùng Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam: Doanh nghiệp nên được ưu đãi về vốn vay
Khó khăn hiện nay cho các doanh nghiệp chế biến sản phẩm giá trị gia tăng là thị trường. Gần đây, một số doanh nghiệp bắt đầu chế biến sản phẩm thêm (như bột cá, dầu cá…) nhưng so với số lượng 5 – 7% thì còn ít. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thường bắt chước nhau trong đầu tư thủ công, hệ thống đông lạnh, công nhân… Ngoài ra, còn nhiều khó khăn liên quan công nghệ, như cung cấp và sử dụng thiết bị. Không phải lúc nào doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp được nhà sản xuất hoặc có điều kiện nhập khẩu máy móc, công nghệ. Doanh thu cũng luôn là nỗi ám ảnh của doanh nghiệp, đặc biệt liên quan vấn đề cổ phiếu. Nếu cổ phiếu giảm, doanh nghiệp sẽ thua lỗ. Do đó, sẽ rất khó cho doanh nghiệp khi chọn sản phẩm giá trị gia tăng với lợi nhuận chưa rõ.
Một số doanh nghiệp đã đổi mới phương thức làm việc, tạo lợi nhuận cạnh tranh bằng cách đầu tư vào phân khúc khác (mỡ cá, dầu collagen xuất khẩu). Hiệp hội đề nghị Nhà nước cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư dài hạn, ưu đãi vốn vay, thẩm duyệt kỹ hồ sơ. Doanh nghiệp nên năng động trong việc tái cấu trúc sản phẩm, tính toán thị trường, tránh đầu tư rủi ro…
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu fillet cá tra basa đông lạnh – Ảnh: An Đăng
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam: Đa dạng hóa sản phẩm giá trị gia tăng
Sản phẩm cá tra theo giá trị gia tăng đang được bán cho nhà phân phối; nhà phân phối tổ chức phân phối lại; một số công ty thu mua hoặc phân phối lại theo yêu cầu của khách hàng. Nhưng xuất khẩu được ít hay nhiều còn phụ thuộc thị trường. Doanh nghiệp cần xác định, nước nhập khẩu có chuộng sản phẩm giá trị gia tăng hay không? Cần đưa sản phẩm giá trị gia tăng vào kênh phân phối phù hợp, tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng và chuyên cung cấp cho kênh phân phối đó. Doanh nghiệp cũng nên giới thiệu, quảng bá sản phẩm này, có kênh phân phối kịp thời. Ngoài ra, thị trường rất chuộng loại sản phẩm đóng gói nhỏ; do vậy, doanh nghiệp nên chú ý sản phẩm fillet cắt khúc đóng gói nhỏ, đa dạng hóa sản phẩm. Doanh nghiệp cần chủ động cập nhật tình hình thị trường nhiều hơn nữa. Nhà nhập khẩu cần hợp tác với doanh nghiệp xuất khẩu để tạo và tiếp thị sản phẩm ra nước ngoài thông qua kênh phân phối tốt hơn…
Ông Nguyễn Văn Ký, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP XNK Thủy sản An Giang: Coi trọng thị trường nội địa
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hướng tới sản phẩm giá trị gia tăng; nhưng số lượng chưa nhiều, bởi nhu cầu thị trường ít, xuất khẩu chậm; có thể do cách chế biến sản phẩm chưa phù hợp thị trường nhập khẩu. Các nước nhập khẩu cá tra chủ yếu dưới dạng fillet đông lạnh, nguyên con, cắt khúc…, chưa qua chế biến. Nếu tiếp tục sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng thì khó phát triển. Thời gian tới, công ty chúng tôi sẽ chú trọng phát triển sản phẩm giá trị gia tăng phù hợp thị hiếu người tiêu dùng trong nước. Thị trường trong nước rất có tiềm năng nhưng gần như chưa được khai thác.
Ông Vũ Tuấn Phương – Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Thiên Hà: Đưa cá tra về giá trị thực
Để nâng cao chất lượng cá tra xuất khẩu, nhiều giải pháp đã ít nhiều được triển khai; nhưng giá trị của cá tra vẫn chưa được cải thiện nhiều. Ví dụ: Doanh nghiệp xuất khẩu đang lạm dụng hàm lượng nước trong fillet cá tra, khiến sản phẩm khi chế biến bị bở, khó chế biến đa dạng… Chưa kể các lô hàng cá tra bị trả về do nhiễm chất cấm. Vấn đề này chỉ cần giải quyết bằng việc trả lại giá trị thực cho cá tra, không sử dụng nước trong sản phẩm. Tuy nhiên, điều này làm giảm trọng lượng cá, khiến giá thành tăng cao, trong khi các nhà nhập khẩu luôn chọn sản phẩm giá rẻ. Khi cá tra xuất khẩu bị sứt mẻ hình ảnh thì việc hạn chế, cấm nhập khẩu từ các thị trường là đương nhiên.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai đầu tư công nghệ hiện đại nhưng hiệu quả chưa cao, chưa sử dụng hết công suất thiết kế. Trong khi đó ở nước ngoài, công nghệ của họ cũng rất hiện đại, 100% máy móc, công suất lớn, họ chỉ cần nhập nguyên liệu về và sản xuất, giảm chi phí trong quá trình sản xuất. Sản phẩm từ phụ phẩm cá tra (như dầu cá, bột cá…) được sản xuất với công nghệ tiên tiến, chất lượng tốt. Nhưng vấn đề ở đây là thị trường cho sản phẩm. Vì vậy, cần phải hiểu rõ hơn nữa quy luật cung – cầu.