Cách nào phát triển tiềm năng cá tra Việt Nam?

Chưa có đánh giá về bài viết

“Cá tra là một trong những sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam nhưng hình ảnh cá tra đang mất đi trên thị trường thế giới. Nếu điều này thực sự xảy ra thì tiềm năng lớn có ích gì?” – ông Tưởng Phi Lai (Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững) chia sẻ với Đặc san Tra&Basa.

Nhiều ý kiến cho rằng ngành cá tra chưa đúng giá trị thật, chưa khai thác hết tiềm năng? Ý kiến của ông về nhận định này?

Ngành cá tra Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng diện tích, sản lượng và giá trị. Hiếm quốc gia nào trên thế giới có lợi thế về phát triển cá tra như Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta đang dần đánh mất lợi thế này. Các nhà phân phối và nhà nhập khẩu “dè chừng”, vì hình ảnh cá tra trên thị trường quốc tế, rất khó để họ có thể đẩy cung từ phía người tiêu dùng trừ khi hình ảnh cá tra được cải thiện. Vài năm nay, cá tra Việt Nam liên tục bị áp thuế chống bán phá giá ở nhiều thị trường. Trong tương lai có thể phải cạnh tranh gay gắt với Banglades, Myanmar cũng đang tham vọng phát triển cá tra…

 

Để phát triển, ngành cá tra phải làm gì?

Cần có sự thay đổi đột phá về cấu trúc sản phẩm, chiến lược giá và cấu trúc thị trường. Theo Cục Chế biến, Thương mại Nông, Lâm, Thủy sản và Nghề muối, hiện có trên 92% sản lượng cá tra xuất khẩu dạng fillet đông lạnh, trong khi chỉ 8% sản phẩm ở dạng khác (dầu, bột cá), tỷ lệ sản phẩm giá trị gia tăng cao rất hiếm. Để cải thiện điều này, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư mạnh vào khoa học công nghệ để đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng hàm lượng khoa học công nghệ, nâng cao giá trị thay vì chỉ tập trung tăng sản lượng sản phẩm fillet đơn điệu như hiện nay; có thể cân nhắc đến phát triển sản phẩm cá tra xông khói, chả cá…

Cần có sự đột phá về cấu trúc sản phẩm cá tra – Ảnh: Lê Hoàng

Nhiều năm liền, Việt Nam đã chọn chiến lược giá thấp, giá xuất khẩu trung bình 2,2 – 3,5 USD, chỉ bằng 30 – 40% giá so với các sản phẩm tương tự như cá nheo Mỹ, cá thịt trắng châu Âu, rô phi Trung Quốc… Chiến lược giá thấp như vậy chỉ tạo ra lợi thế ban đầu xâm nhập thị trường và cạnh tranh tốt với sản phẩm cùng loại; nhưng sau một thời gian ngắn đã bộc lộ nhiều yếu huyệt và điều này đang gây thiệt hại lớn cho ngành cá tra Việt Nam; sức ép ngày càng tăng của các chiến lược bôi nhọ làm suy giảm nghiêm trọng hình ảnh cá tra trên thị trường quốc tế đã đẩy cá tra vào cảnh đìu hiu. Để giải quyết việc này, cần nâng cao hình ảnh và giá trị cá tra thông qua tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, giá trị gia tăng cao, kết hợp song song với truyền thông sáng tạo, hiệu quả và có tổ chức tốt. Ví dụ, thông qua phối hợp giữa Hiệp hội Cá tra Việt Nam và các hiệp hội người tiêu dùng ở nước nhập khẩu. Cùng đó, cần tăng cường việc minh bạch thông tin sản phẩm, kể cả quy trình sản xuất, như công khai độ ẩm hay tỷ lệ mạ băng để có thêm niềm tin từ người tiêu dùng.

 

Với thị trường truyền thống và tiềm năng thì sao, thưa ông?

Thời gian dài vừa qua, cá tra Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ và EU (có thời điểm trên 60% thị phần xuất khẩu). Khi hai thị trường này “hắt hơi, sổ mũi” hoặc gần đây nhất là “tẩy chay đồng loạt” cá tra thì doanh nghiệp xuất khẩu của ta rất lúng túng, khó khăn.

Thay vì phụ thuộc quá nhiều vào EU và Mỹ, nên đa dạng thêm lên 4 – 6 nhóm thị trường chính, mỗi nhóm cân đối 10 – 15%; các thị trường còn nhiều tiềm năng (Nga, Đông Âu, Mỹ Latinh, Trung Quốc, ASEAN), cần tiếp tục đẩy mạnh khai thác; đồng thời không quên mở rộng thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, năng lực tài chính khu vực sản xuất và chế biến cần được cải thiện và tăng cường liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo mô hình liên kết chuỗi. Cần làm tốt hơn nữa khâu truyền thông, quảng bá, xúc tiến thương mại theo cách có tổ chức, bài bản, trong đó vai trò các hiệp hội là không thể thay thế.

>>  Theo Đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2020, vùng nuôi cá trá chủ yếu ở khu vực ven sông Tiền, sông Hậu gồm TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… với diện tích năm 2015 là 11.000 ha, năm 2020 là 13.000 ha. Các cơ sở nuôi cá tra mới phải có diện tích 10 ha trở lên.

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!